Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Thắng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thuốc Savi Dimin được dùng để điều trị bệnh trĩ cấp, suy tĩnh mạch (nặng chân vào buổi sáng, đau chân, bứt rứt, phù). Sử dụng thuốc Savi Dimin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và thường xảy ra trên hệ tiêu hóa với các biểu hiện như: tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn...
1. Savi Dimin là thuốc gì?
Thuốc Savi Dimin là thuốc uống có thành phần chính bao gồm Diosmin 450mg; Hesperidin 50mg và 1 số tá dược khác. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, được đóng gói thành hộp 4 vỉ x 15 viên. Thuốc được dùng để điều trị bệnh trĩ cấp, suy tĩnh mạch (nặng chân vào buổi sáng, đau chân, bứt rứt, phù).
2. Tác dụng của thuốc Savi Dimin
Thuốc có 2 thành phần chính là diosmin và hesperidin với tác dụng như sau:
- Trên tĩnh mạch: Làm giảm sức căng và tình trạng ứ trệ của tĩnh mạch
- Trên tuần hoàn vi mạch: Giúp bình thường hóa tính thấm mao mạch và tăng sức bền mao mạch.
3. Cách dùng – liều dùng của thuốc Savi Dimin
- Suy tĩnh mạch: 2 viên mỗi ngày: một uống vào bữa trưa và một vào bữa tối.
- Trĩ cấp: 4 ngày đầu, mỗi ngày 6 viên; sau đó mỗi ngày dùng 4 viên, trong 3 ngày tiếp theo.
- Sử dụng thuốc cùng các bữa ăn.
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Savi Dimin
Sử dụng thuốc Savi Dimin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và thường xảy ra trên hệ tiêu hóa với các biểu hiện như: Tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn...
Một số triệu chứng khác cũng được ghi nhận khi sử dụng thuốc như: Chóng mặt, đau đầu, khó chịu, phát ban, sẩn ngứa, hiếm khi bị sưng đột ngột vùng mặt, môi, miệng lưỡi, gây khó thở.
Khi gặp bất kỳ các biểu hiện bất thường nào thì nên thông báo cho bác sĩ để có thêm tư vấn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
5. Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc
- Không nên sử dụng thuốc nếu mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc
- Nên uống nguyên viên, không nên nhai hay nghiền viên thuốc.
- Nếu quên sử dụng thuốc, hãy sử dụng ngay khi nhớ ra, nếu gần liều tiếp theo thì bỏ qua và dùng liều tiếp theo như bình thường. Không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
- Bảo quản thuốc xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em.
- Nên kết hợp với các liệu pháp không dùng thuốc:
Suy tĩnh mạch:
- Phối hợp với liệu pháp tư thế (nhấc cao chân khi ngủ)
- Giảm cân (nếu có thừa cân).
- Tránh đứng quá lâu.
- Có thể kết hợp thêm đi tất (vớ). Hãy trao đổi với bác sĩ/dược sĩ tại nhà thuốc để được tư vấn về kích thước của tất (vớ) thích hợp.
- Có thể tập luyện các môn thể thao phù hợp (bơi, đi xe đạp, nhảy...)
Trĩ cấp:
- Ăn thêm nhiều chất xơ (rau xanh, hoa quả), uống nhiều nước, trừ khi có hướng dẫn khác của bác sĩ, dược sĩ.
- Có thể sử dụng thêm các thuốc khác để giảm đau, giảm kích ứng cũng như các triệu chứng khác (nếu có).
- Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau 15 ngày dùng thuốc thì cần thông báo lại cho bác sĩ điều trị.
Ngoài các thuốc cũng có một số sản phẩm có thể sử dụng để giảm các triệu chứng của trĩ, có thể tham khảo tại Gói sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Bệnh trĩ từ A đến Z: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
- Những điều cần biết về bệnh trĩ
- Chữa bệnh trĩ như thế nào cho hiệu quả?