Triệu chứng gout thường gặp là các cơn đau khớp và sưng tấy đột ngột. Đây là một bệnh lý viêm khớp, thường xuất hiện ở nam giới và có biểu hiện chính là đau khớp cấp tính, thường gặp ở các khớp chân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Thị Oanh - Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Triệu chứng gout có biểu hiện ra sao?
Triệu chứng gout cấp tính thường xảy ra ở các khớp thuộc phần dưới của cơ thể, đặc biệt là ngón chân cái, khớp gối, khớp bàn ngón và các khớp khác.
Những triệu chứng này bao gồm: xuất hiện cơn đau dữ dội, sưng tấy và viêm ở khớp cổ chân và ngón chân cái. Ngoài ngón chân cái, những vị trí phổ biến khác mà triệu chứng này có thể xuất hiện là mu bàn chân, mắt cá chân, khớp cổ tay, ngón tay và đầu gối.
Ở giai đoạn đầu của bệnh gout, thường chỉ có 1 hoặc 2 khớp bị ảnh hưởng. Mặc dù viêm khớp tinh thể nói chung và bệnh gout nói riêng, thường ảnh hưởng đến một khớp duy nhất, nhưng cũng không hiếm trường hợp bùng phát cấp tính ảnh hưởng đến nhiều khớp.
Thường thì nhiều khớp trong cùng một chi sẽ bị ảnh hưởng, ví dụ như khi triệu chứng gout bắt đầu ở ngón chân cái, sau đó lan sang các khớp khác như ngón chân giữa và mắt cá chân.
Cơn gout thường xuất hiện đột ngột và gây ra những cơn đau cực điểm trong vòng 8-12 giờ. Các khớp bị ảnh hưởng thường xuất hiện hiện tượng đỏ, nóng và vô cùng nhạy cảm; thậm chí, chỉ cần tiếp xúc nhẹ với các vật liệu như ga trải giường cũng có thể gây đau, khó chịu.
Trong đó, khoảng 10% bệnh nhân có các triệu chứng gout ban đầu dưới dạng viêm đa khớp. Đối với phụ nữ cao tuổi, đặc biệt là những người sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide, có vấn đề về viêm đa khớp có thể là triệu chứng gout đầu tiên.
Các triệu chứng gout trong giai đoạn đầu thường không cần điều trị, do sẽ tự khỏi trong khoảng hai tuần sau đó. Đối với bệnh nhân có tiền sử bị viêm khớp từng đợt có các khớp trở lại bình thường giữa các đợt tấn công, là đặc trưng của rối loạn kết tinh và là dấu hiệu của viêm khớp gút ở giai đoạn đầu.
Nếu bệnh gout không được điều trị, các triệu chứng sẽ tăng theo thời gian như các cơn đau xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn, ảnh hưởng đến nhiều khớp ở cả chi trên và chi dưới. Sau cùng, các triệu chứng gout có thể phát triển thành viêm khớp đa khớp mãn tính, đôi khi có tính đối xứng và có thể giống như viêm khớp dạng thấp.
2. Các triệu chứng gout thông qua thăm khám lâm sàng
Triệu chứng gout thường xuất hiện trên một khớp đơn lẻ. Tuy nhiên, cần kiểm tra tất cả các khớp để xác định liệu viêm khớp ở bệnh nhân là đơn hay đa khớp. Các khớp liên quan thường có các dấu hiệu như viêm cấp tính: sưng, nóng, đỏ và đau.
Vùng da trên khớp có thể trở nên đỏ và có dấu hiệu giống như viêm mô tế bào, bong tróc khi cơn đau giảm đi. Bên cạnh đó, bao gai khớp cũng nhanh chóng sưng lên, gây hạn chế trong việc di chuyển khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sốt khi bị gout cấp tính. Tuy nhiên, quan trọng là phải tìm ra vùng bị nhiễm trùng đã gây ra tình trạng viêm khớp nhiễm trùng hoặc viêm khớp gút cấp tính.
Khi triệu chứng gout trở nên mãn tính, các khớp bị ảnh hưởng có thể trở nên đau và sưng nhưng thường không đỏ hoặc nóng như trong cơn viêm cấp tính.
3. Những yếu tố nguy cơ gây xuất hiện các triệu chứng gout
Các cơn đau cấp tính của bệnh gout thường xuất phát từ các tình huống dẫn đến tăng axit uric trong máu như: việc tiêu thụ bia hoặc rượu, ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin, chấn thương, mất nước hoặc sử dụng các loại thuốc tăng axit uric.
Ngược lại, các triệu chứng cấp tính của bệnh gout cũng có thể bắt nguồn từ các tình huống làm giảm axit uric trong huyết thanh như: sử dụng thuốc nhuộm cản quang hoặc các loại thuốc giảm axit uric như Allopurinol và Uricosurics.
Những người mắc bệnh gout thường có nồng độ axit uric cao trong cơ thể và cũng có thể gặp phải các vấn đề như đau quặn thận và tiểu máu. Do đó, sỏi thận có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh gout ở khoảng 14% bệnh nhân.
Hơn nữa, do bệnh gout thường xuất hiện ở những người có các rối loạn chuyển hóa (như kháng insulin hoặc tiểu đường, tăng huyết áp, tăng triglyceride máu), các bệnh này có thể dẫn đến bệnh mạch vành, nên cần kiểm tra và điều trị các vấn đề này ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gout.
Một điều quan trọng khác khi gặp các triệu chứng gout là bệnh nhân cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh loét dạ dày, bệnh thận hoặc các tình trạng khác có thể làm tăng trở ngại trong việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh gout.
4. Đặc điểm của nốt tophi trong triệu chứng gout
Mặc dù bệnh gout thường gây viêm khớp, nhưng cũng có thể gây viêm ở các cấu trúc dựa trên hoạt dịch khác như bao khớp và gân. Tophi là sự tích tụ của các tinh thể urat trong mô mềm và là một biểu hiện của bệnh gout, có xu hướng phát triển sau một thập kỷ ở những người không được điều trị, đã chuyển thành viêm khớp gout mãn tính.
Các tophi có thể xuất hiện sớm hơn ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người sử dụng thuốc lợi tiểu.
Người bệnh có thể thấy nốt tophi nằm dọc theo biên của vành tai, nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác như ngón tay, ngón chân, và bao hoạt dịch. Trong một số trường hợp, tophi lớn có thể vỡ ra và tạo ra dịch tiết dạng kem.
Tóm lại, bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến có thể ảnh hưởng đến các khớp ngón chân, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, bàn tay và khuỷu tay. Các triệu chứng gout bao gồm đau, sưng và đỏ bóng trên các khớp bị ảnh hưởng. Người bệnh cần nhận biết được các triệu chứng của bệnh để thăm khám sớm, được chỉ định các thuốc giảm đau và kháng viêm để cải thiện cơn đau. Đồng thời, việc sử dụng thuốc giảm acid uric và thực hiện chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa các đợt viêm gút cấp trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medscape.com, southerncross.co.nz, nhsinform.scot