Bị gãy xương đòn có cần bó bột không?

Bị gãy xương đòn có cần bó bột không là thắc mắc chung của nhiều người. Đây là một chấn thương thường gặp ở vùng vai và có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu bị gãy xương đòn có cần bó bột không và các phương pháp điều trị phổ biến!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Gãy xương đòn là gì ?

Xương đòn hay xương quai xanh là hai xương nằm giữa xương ức và xương bả vai trong cơ thể. Gãy xương đòn thường là kết quả của tai nạn giao thông hoặc các tai nạn sinh hoạt như ngã mạnh vào vai, chống tay khi dang rộng vai hoặc bị va chạm trực tiếp vào vùng xương đòn.

Các thể lâm sàng của gãy xương đòn được phân loại dựa trên phần xương đòn nào bị gãy và kiểu gãy.

2. Các thể lâm sàng

  • Gãy 1/3 trong: ít gặp và ít di lệch.
  • Gãy 1/3 ngoài: ít di lệch nếu không đứt dây chằng quạ đòn, nếu đứt dây chằng này thì sẽ gây di lệch nhiều giống như trật khớp cùng đòn.
  • Gãy 1/3 giữa: Thường gặp nhất, di lệch nhiều, đường gãy có thể có mảnh thứ 3.

3. Triệu chứng của gãy xương đòn

Khi gãy xương đòn, các triệu chứng thường gặp là:

  • Đau tại vùng xương đòn, cơn đau tăng lên khi vận động cánh tay.
  • Vùng chấn thương sưng nề hoặc bầm tím.
  • Vai bị hạn chế vận động.
  • Khi cử động vai nghe thấy tiếng xương lạo xạo.
  • Xương đòn bị biến dạng có thể nhìn thấy ngoài da.
Gãy xương đòn biến dạng có thể quan sát được ngoài da.
Gãy xương đòn biến dạng có thể quan sát được ngoài da.

4. Gãy xương đòn có nguy hiểm không và biến chứng

Chấn thương vào vị trí gãy xương đòn và các tổ chức phần mềm xung quanh, kết hợp với phương pháp điều trị sai hoặc phục hồi chức năng không đúng nguyên tắc sẽ dẫn đến biến chứng ở bệnh nhân, bao gồm:

  • Chậm liền xương: Trên phim X-quang thấy rõ xương liền chậm. Nếu sau 3 tháng, phim X-quang cho thấy xương vẫn chưa lành thì bác sĩ cần phải tiếp tục theo dõi tình trạng liền xương chậm.
  • Xương không liền: Sau 6 tháng, bệnh nhân vẫn cảm thấy đau và có các cử động bất thường trong khi phim X-Quang không cho thấy dấu hiệu liền xương.
  • Xương liền bị lệch: Sự liền lệch sau khi nắn chỉnh xương hoặc do các di lệch thứ phát từ quá trình kết hợp xương làm suy giảm chức năng của tay và tác động đến vẻ ngoài thẩm mỹ.
  • Đứt, dập mạch máu: Chảy máu nhiều xảy ra khi xương đòn bị gãy, gây đứt các mạch máu xung quanh.
  • Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh bị đứt do chấn thương sẽ khó phục hồi và dẫn đến việc giảm khả năng vận động, cảm giác cũng như dinh dưỡng cho chi thể sau này.

Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp dựa trên loại gãy và mức độ di lệch của xương. Điều trị có thể bao gồm các biện pháp bảo tồn như bó bột hoặc can thiệp phẫu thuật nhằm sửa chữa và cố định xương. Việc phát hiện và xử lý kịp thời rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, giúp xương đòn nhanh hồi phục và bảo toàn chức năng vận động của vai về lâu dài. Vậy, bị gãy xương đòn có cần bó bột không?  

5. Gãy xương đòn có cần bó bột không?

Vì các lý do sau đây, phương pháp bó bột không còn được sử dụng để điều trị gãy xương đòn nữa:

  • Dù xương gãy sẽ tự liền nhanh chóng nhưng nếu bị lệch quá nhiều hoặc không có xương đòn thì đai vai sẽ yếu.
  • Do vị trí giải phẫu của xương đòn nằm trên lồng ngực, việc bó bột sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể bất động hoàn toàn dẫn đến di lệch can xương, gây yếu vai và lệch vai,...
  • Mặc dù xương đòn có xu hướng lành nhanh chóng dù có bị lệch, đôi khi hai đầu xương có thể lệch hẳn nhưng vẫn tự hồi phục mặc dù có sự can lệch sau đó. Do vị trí gần da, việc mổ nắn xương sẽ khiến khả năng lành xương giảm và tỷ lệ biến chứng cao hơn so với việc để xương tự lành.
  • Thay vì bó bột, việc nắn chỉnh, đeo đai và dán băng chun bất động có thể ngăn chặn sự di lệch hiệu quả.
  • Xương đòn gãy và bị di lệch có thể nhô lên dưới da nhưng có thể tự lành sau một thời gian.
  • Xu hướng hiện nay là thực hiện phẫu thuật để tránh can lệch xương, giúp bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau đó.

6. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?

Mục tiêu của việc điều trị là nhằm ngăn ngừa sự di lệch. Trong đó, hai phương pháp điều trị chính là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Mỗi phương pháp đều có những lợi ích và hạn chế riêng, phương pháp điều trị phù hợp sẽ được lựa chọn dựa trên từng tình huống cụ thể.

Các phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm:  

  • Dùng băng thun bản rộng 10-12 cm hoặc bột để băng bắt chéo sau lưng thành hình số 8, giữ cố định trong khoảng 3-4 tuần.
  • Nẹp vải xương đòn và giữ trong thời gian 3-4 tuần.
  • Phương pháp Rieunau: Bệnh nhân nằm ngửa, kê gối dưới vai liên tục 2 tuần. Vùng xương gãy chỉ cần băng bằng hai dải băng dính bản lớn. Sau hai tuần, bệnh nhân bắt đầu tập khớp vai và đeo băng treo tay khi ngồi dậy.
  • Dùng băng thun, giữ cố định trong thời gian từ 3 đến 4 tuần.

Điều trị phẫu thuật:

  • Trong một số trường hợp cần thiết, phẫu thuật sẽ được chỉ định bao gồm các tình huống như gãy hở, gãy có biến chứng chèn ép lên thần kinh, mạch máu, đe dọa thủng da hoặc khi xảy ra khớp giả và di lệch nghiêm trọng.
  • Phẫu thuật gãy xương đòn được thực hiện bằng cách sử dụng kim Kirschner hoặc nẹp mỏng AO để cố định xương gãy.
Nhiều người thắc mắc bị gãy xương đòn có cần bó bột không. Tuy nhiên, hiện nay chấn thương này thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc bảo tồn.
Nhiều người thắc mắc bị gãy xương đòn có cần bó bột không. Tuy nhiên, hiện nay chấn thương này thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc bảo tồn.

Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc bị gãy xương đòn có cần bó bột không? Để xương đòn lành nhanh chóng và tránh những biến chứng như teo cơ, cứng khớp, lệch xương, chậm liền hay khớp giả, bệnh nhân sau gãy xương đòn cần được chỉ dẫn tập phục hồi chức năng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe