Tác dụng của nội soi ruột non trong việc kiểm soát và điều trị bệnh viêm ruột đã được nhiều nghiên cứu thực hiện và cho thấy hiệu quả tích cực. Trong đó, bệnh viêm ruột bao quát các bệnh lý viêm mãn tính ảnh hưởng đến đại tràng, ruột non và toàn bộ hệ tiêu hóa, trong đó nổi bật là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (UC) và các thực thể chưa được phân loại rõ ràng.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - BV ĐKQT Vinmec Central Park.
1. Tổng quan về bệnh viêm ruột
Chữ viết tắt:
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Bệnh Crohn (bệnh Crohn)
- Ruột non (SB – small bowel)
- Nội soi bằng viên nang (CE)
- DAE: nội soi ruột non có thiết bị hỗ trợ
- DBE: Nội soi ruột bằng bóng kép
- SBE: Nội soi ruột non bằng bóng đơn
Bệnh Crohn là một trong những bệnh lý viêm ruột. Đây là một căn bệnh viêm mãn tính qua trung gian miễn dịch thường ảnh hưởng đến hồi tràng và đại tràng. Tuy nhiên, ở khoảng 30% bệnh nhân đặc biệt là người trẻ, bệnh chỉ giới hạn ở ruột non tại thời điểm phát hiện. Việc chẩn đoán và kiểm soát bệnh Crohn ruột non đơn thuần thường gặp nhiều khó khăn vì một số nguyên nhân:
- Do khó tiếp cận và dễ bỏ sót tổn thương bằng nội soi thông thường, việc chẩn đoán bệnh Crohn ruột non đơn thuần thường bị trì hoãn ở nhiều bệnh nhân.
- Khó phân biệt căn bệnh viêm ruột này với loét ruột non do nhiễm trùng (như bệnh lao) hoặc thuốc.
- Bệnh Crohn ruột non đơn thuần so với các kiểu hình khác có liên quan đến nguy cơ tái phát và phát triển bệnh nặng hơn.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng ung thư ruột non liên quan đến bệnh Crohn ruột non lại rất khó chẩn đoán sớm vì chỉ một số ít trường hợp được phát hiện trước khi phẫu thuật và ở giai đoạn sớm.
- Ở trẻ em, bệnh Crohn ruột non đơn thuần có ảnh hưởng lâm sàng rõ rệt, đặc biệt là tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn dậy thì. Do đó, việc đánh giá khách quan tình trạng niêm mạc ruột non là vô cùng quan trọng để phân biệt bệnh Crohn với các bệnh về ruột khác, từ đó có những quyết định điều trị và kế hoạch theo dõi phù hợp.

Khả năng chẩn đoán các bệnh ruột non đã được mở rộng nhờ nội soi viên nang (CE) và nội soi ruột non có thiết bị hỗ trợ. Nội soi viên nang cung cấp một xét nghiệm không xâm lấn, cho phép hình ảnh hóa toàn bộ niêm mạc ruột non, hỗ trợ chẩn đoán bệnh Crohn ruột non và theo dõi quá trình điều trị. Tuy nhiên, độ đặc hiệu thấp, thiếu khả năng điều trị và sinh thiết là những hạn chế chính của nội soi viên nang ở bệnh nhân viêm ruột.

2. Nội soi ruột non ở bệnh nhân người lớn đã biết bị bệnh viêm ruột và có biến chứng hẹp ống tiêu hóa
Bốn nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động đối với người lớn bị viêm ruột mãn tính (IBD) đã có biến chứng của phương pháp nội soi ruột non được hỗ trợ bằng bóng
Đối với bệnh nhân Crohn đã biết và nghi ngờ về hoạt động ruột non, Mensink cùng nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động lâm sàng của việc nội soi ruột non. 52 quy trình nội soi ruột non bóng đơn ở 40 bệnh nhân người lớn đã được nhóm nghiên cứu của Mensink phân tích hồi cứu.
Hình ảnh đại thể cho thấy 60% bệnh nhân (24 người) có biểu hiện viêm ruột hoạt động và 75% trong số những bệnh nhân này (18 người) cần phải điều chỉnh liệu pháp với cải thiện lâm sàng dai dẳng ở 83% bệnh nhân sau thời gian theo dõi trung bình là 13 tháng.
Trong số 18 bệnh nhân cần điều chỉnh liệu pháp, có 11 người được chỉ định liệu pháp kháng TNF, 2 người chuyển từ infliximab sang adalimumab, 1 người dùng steroid, 2 trường hợp phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột và 2 trường hợp khác được nong bóng để khắc phục tình trạng hẹp.
Hệ thống nội soi ruột hỗ trợ bằng bóng đã được áp dụng cho 43 bệnh nhân người lớn mắc bệnh Crohn trong nghiên cứu của Navaneethan và cộng sự. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá hoạt động và mức độ nghiêm trọng của bệnh Crohn, đặc biệt ở những trường hợp căn bệnh viêm ruột này không thuyên giảm, thiếu máu hoặc xuất huyết tiêu hóa không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, nghiên cứu còn nhằm xác nhận và điều trị các tổn thương ruột non đã được phát hiện qua kiểm tra X-quang cũng như đánh giá tình trạng bệnh ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật.
Trong số 23 bệnh nhân (chiếm 53,4%), hệ thống nội soi ruột hỗ trợ bằng bóng đã tác động đến quản lý lâm sàng. Cụ thể, 18 bệnh nhân (41,8%) bị viêm ruột dạng hoạt động kèm theo vết loét hoặc sẹo loét gây hẹp dẫn đến việc điều chỉnh liệu pháp y tế hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, 5 bệnh nhân khác (11,6%) chỉ bị hẹp mà không có vết loét đang hoạt động đã được điều trị bằng phương pháp nong bóng qua nội soi EBS để cải thiện tình trạng tắc nghẽn.
Trong số các bệnh nhân, khoảng 30% (13 người) đã cần đến phẫu thuật do các nguyên nhân sau: thiếu các phương pháp điều trị khác (2), điều trị y tế không hiệu quả (5), quyết định của bệnh nhân (5) và một trường hợp thủng ruột sau nội soi. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự tương đồng cao (75,6%) giữa các hình ảnh CT hoặc MRI và kết quả nội soi ở bệnh nhân Crohn đã được chẩn đoán.

3. Hiệu quả của nội soi ruột non trong quản lý và điều trị bệnh viêm ruột
Nghiên cứu của Rahman và cộng sự đã phân tích tác động lâm sàng và kết quả chẩn đoán của nội soi ruột non bóng kép khi áp dụng để điều trị cho 38 bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh Crohn hoặc nghi ngờ có hoạt động của bệnh ở ruột non.
Trong số 38 bệnh nhân, có đến 87% (33 người) được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm ruột. Cụ thể hơn, bệnh viêm ruột đang hoạt động ở 29% bệnh nhân (11 người), 13% bệnh nhân (5 người) bị tắc nghẽn do bệnh Crohn, 8% (3 người) bị tắc nghẽn chức năng do cố định hoặc ruột bị co thắt, 8% (3 người) bị loét nối thông và 5% (2 người) bị loét không đặc hiệu. Cuối cùng, 23,6% (9 người) có kết quả nội soi ruột non bóng kép hoàn toàn bình thường.
Kết quả nội soi ruột non bóng kép đã làm thay đổi hướng điều trị ở 82% bệnh nhân Crohn đã được chẩn đoán. Cụ thể, 34% (13 người) trong số đó cần tăng liều thuốc, điều chỉnh phương pháp điều trị viêm ruột hoặc phẫu thuật, trong khi 8% bệnh nhân viêm ruột còn lại (3 người) đã được nong chỗ hẹp thành công bằng bóng qua nội soi mà không gặp bất kỳ biến chứng nào.

4. Vai trò của nội soi ruột non trong đánh giá các biến chứng của bệnh viêm ruột
Holleran và các cộng sự đã nghiên cứu kết quả chẩn đoán và tác động lâm sàng khi sử dụng nội soi ruột non bóng đơn trên 39 bệnh nhân mắc bệnh Crohn ở ruột non. Kết quả cho thấy, hiệu suất chẩn đoán viêm ruột trong nhóm này cao hơn so với nhóm bệnh nhân trưởng thành nghi ngờ mắc bệnh Crohn (77% so với 39%, P <0,01).
Các phát hiện phổ biến nhất bao gồm hẹp hồi tràng hoặc hẹp miệng nối ở 38% và 26%, cùng với viêm hồi tràng hoạt động ở 21% bệnh nhân. SBE đã mang lại tác động lâm sàng ngay lập tức cho 69% bệnh nhân (n = 33) bao gồm giãn cơ thắt chặt (27%), điều chỉnh thuốc (48%) và chuyển tuyến để phẫu thuật cắt bỏ (6%).
Theo dõi dài hạn (trung bình 11 tháng, khoảng từ 3-22 tháng) được thực hiện trên 34 trong tổng số 52 bệnh nhân viêm ruột (65%) cho thấy điểm chỉ số Harvey-Bradshaw trung bình thay đổi từ 6,6 xuống còn 4,2 sau khi thực hiện thủ thuật (P <0,0001).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Fong SC, Irving PM. Distinct management issues with Crohn's disease of the small intestine. Curr Opin Gastroenterol. 2015;31:92-97. [PubMed] [DOI]
- Sauer CG, Kugathasan S. Pediatric inflammatory bowel disease: highlighting pediatric differences in IBD. Med Clin North Am. 2010;94:35-52. [PubMed] [DOI]3. Hall B, Holleran G, McNamara D. Small bowel Crohn's disease: an emerging disease phenotype? Dig Dis. 2015;33:42-51. [PubMed] [DOI]4. Peyrin-Biroulet L, Loftus EV Jr, Colombel JF, Sandborn WJ. The natural history of adult Crohn's disease in population-based cohorts. Am J Gastroenterol. 2010;105:289-297. [PubMed] [DOI]5. Pimentel M, Chang M, Chow EJ, Tabibzadeh S, Kirit-Kiriak V, Targan SR, Lin HC. Identification of a prodromal period in Crohn's disease but not ulcerative colitis. Am J Gastroenterol. 2000;95:3458-3462. [PubMed] [DOI]6. Giovanni Di Nardo, Gianluca Esposito và cộng sự, Enteroscopy in children and adults with inflammatory bowel disease, World J Gastroenterol. Oct 21, 2020; 26(39): 5944-5958