Nổi mẩn ngứa toàn thân thường là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ngoài da và cả trong cơ thể. Vậy bị mẩn ngứa khắp người phải làm sao? Nhận biết rõ nguyên nhân, triệu chứng bệnh sẽ giúp người bệnh có lựa chọn thăm khám, điều trị kịp thời.
1. Nổi mẩn ngứa khắp người có biểu hiện gì?
Hiện tượng nổi mẩn ngứa toàn thân là tình trạng da nổi lên nhiều nốt sần, mẩn ngứa thành từng mảng hay lan ra khắp người. Các vết mẩn ngứa có thể xuất hiện toàn thân, từ đầu - mặt - cổ tới lưng, tay và chân. Chúng không có hình dạng hay kích thước nhất định. Bạn có thể bị nổi mẩn ngứa vài giờ rồi tự hết hoặc nó sẽ kéo dài dai dẳng trong nhiều ngày, nhiều tháng.
Các triệu chứng nổi mẩn ngứa toàn thân thường không giống nhau. Trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ bị ngứa râm ran mà không nổi mẩn hoặc bị nổi mẩn khắp người nhưng không ngứa,... Triệu chứng ngứa ngáy khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mất tự tin khi làm việc hay gặp gỡ bạn bè.
2. Nguyên nhân gây tình trạng bị mẩn ngứa khắp người
Khi bị mẩn ngứa toàn thân, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới các bệnh ngoài da. Tuy nhiên, không chỉ bệnh ngoài da mới gây mẩn ngứa mà tình trạng này còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác trong cơ thể. Đó là:
2.1 Nổi mẩn ngứa toàn thân do các bệnh ngoài da
Tình trạng mẩn ngứa khắp người thường là dấu hiệu của một số vấn đề về da như:
- Da khô: Là nguyên nhân gây ngứa ít người chú ý. Ngứa do da khô thường không đi kèm triệu chứng nốt sần, mụn nước, mụn đỏ, nổi mẩn,... Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi thời tiết (bước vào mùa đông, mùa hanh khô), thường xuyên tắm nước nóng, da bị lão hóa, ít uống nước,...;
- Dị ứng: Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng khiến bạn bị mẩn ngứa khắp người như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng mỹ phẩm,... Những biểu hiện điển hình là nổi mẩn, ngứa ngáy khó chịu ở những vùng da sử dụng mỹ phẩm hoặc trên toàn bộ cơ thể;
- Vảy nến: Da của bệnh nhân bị vảy nến thường rất khô và nứt nẻ. Các mảng da bị phủ vảy bạc khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức và ngứa rát;
- Viêm da dị ứng: Là căn bệnh phổ biến gây tình trạng mẩn ngứa khắp người. Bệnh khá phổ biến ở người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng phấn hoa. Ngoài cảm giác ngứa ngáy khó chịu thì bệnh nhân còn có thể bị nổi mẩn đỏ ở má, cổ, khuỷu tay, cổ tay, mặt trong đầu gối, mắt cá chân,...;
- Thời tiết quá nóng: Tình trạng nắng nóng kéo dài làm các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây ngứa, nổi mẩn đỏ với các đám mụn đỏ, mụn nước mọc trên cổ, ngực, bẹn, dưới ngực, nếp nhăn ở khuỷu tay,...;
- Nhiễm nấm: Bệnh thường gây ảnh hưởng ở các nếp gấp da như ngực hoặc bẹn bệnh nhân;
- Nổi mề đay: Triệu chứng nổi mề đay khá đặc trưng. Trên da bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều mảng mẩn đỏ, nổi lên khắp người gây ngứa ngáy, đau rát;
- Nhiễm ký sinh trùng: Nhiều người bị mẩn ngứa khắp người do nhiễm con ve gây bệnh ghẻ. Con ve này sống trên bề mặt da người, không gây triệu chứng cho tới khi người bệnh dị ứng với nó. Các triệu chứng là gây ngứa rát, nổi mẩn trên da;
- Nguyên nhân khác: Do các bệnh lý ngoài da khác như viêm nang lông, viêm tuyến bã nhờn, tổ đỉa,...
2.2 Bị mẩn ngứa khắp người do các bệnh lý bên trong cơ thể
Tình trạng ngứa râm ran khắp người còn có thể là biểu hiện của một số loại bệnh tiềm ẩn bên trong cơ thể như:
- Chức năng thận suy giảm: Khi thận bị suy yếu do các bệnh lý ở thận sẽ khiến các độc tố không được đào thải hết ra ngoài. Vì vậy, cơ thể bị tích tụ độc tố, gây phù nề và ngứa ngáy toàn thân;
- Các bệnh lý về gan: Tình trạng xơ gan, gan nhiễm mỡ, rối loạn chức năng gan,... cũng gây ngứa ngoài da. Nguyên nhân vì khi các tế bào gan bị tổn thương thì sẽ làm gan giảm khả năng đào thải độc tố cho cơ thể, khiến các chất độc bị ứ đọng và gây nhiều vấn đề về da. Bệnh gan càng nặng thì tình trạng ngứa ngáy càng tăng, thường đi kèm với triệu chứng vàng da;
- Tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao là nguyên nhân gây tổn thương các mạch máu dưới da. Điều đó gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dưỡng chất cho da. Từ đó, da trở nên khô sần, người bệnh thường xuyên bị ngứa ngáy toàn thân;
- Rối loạn tuyến giáp: Cường giáp hoặc suy giáp đều có thể gây nhiều ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến mất cân bằng hệ miễn dịch. Hậu quả là da xuất hiện các nốt mẩn đỏ như bị muỗi đốt;
- Thay đổi hormone trong cơ thể: Tình trạng mất cân bằng hormone gây ra những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi, khiến tình trạng ngứa da càng thêm trầm trọng. Phụ nữ mang thai bị ngứa da thường do rối loạn tuần hoàn hoặc do thai nhi phát triển khiến tử cung to lên, thay đổi nội tiết tố,... Phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh là nhóm người thường bị ngứa ngáy toàn thân hay xuất hiện các cơn bốc hỏa do thay đổi lượng hormone trong cơ thể;
- Bệnh xã hội: Những bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV,... có thể gây mẩn ngứa toàn thân. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh vẫn bị ngứa da do tác dụng phụ của các thuốc kháng virus;
- Nguyên nhân khác: Thay đổi thời tiết, lười vệ sinh cơ thể, căng thẳng kéo dài, thiếu sắt, đa hồng cầu,...
3. Bị mẩn ngứa khắp người phải làm sao?
Khi bị ngứa ngáy khắp người, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa để được xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân gồm:
3.1 Sử dụng thuốc trị mẩn ngứa toàn thân
Khi chưa xác định được nguyên nhân bị mẩn ngứa toàn thân mà cơn ngứa ngáy đã khiến bạn bức bối khó chịu thì bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc sau (đã được bác sĩ kê đơn) để làm giảm triệu chứng ngứa:
- Thuốc kháng Histamin H1: Là nhóm thuốc thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động sản xuất histamin của cơ thể, làm giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu;
- Thuốc chẹn thụ thể H2: Có tác dụng thu hẹp các mạch máu, giảm phù nề và giảm viêm cho các vết ngứa trên da;
- Thuốc Corticoid: Giúp giảm ngứa bằng cách làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch, cắt cơn ngứa nhanh chóng.
3.2 Điều trị nguyên nhân nổi mẩn ngứa khắp người
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ngứa da thì chỉ cần điều trị đúng nguyên nhân là tình trạng ngứa sẽ thuyên giảm. Mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Cụ thể:
- Loại bỏ tác nhân gây dị ứng: Nếu bị ngứa do bị dị ứng thì trước tiên người bệnh cần loại bỏ tác nhân gây dị ứng. Từ đó, bệnh nhân sẽ cắt cơn ngứa nhanh chóng;
- Điều trị bệnh gan: Nếu bị ngứa do bệnh gan thì tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bệnh nhân có thể cần sử dụng các thuốc bổ gan, giải độc gan, hạ men gan,... Người bệnh có thể kết hợp thêm thuốc thảo dược như mật nhân, cà gai leo,...;
- Điều trị bệnh tiểu đường: Nếu nguyên nhân gây ngứa là do bệnh tiểu đường thì người bệnh cần áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh lý này. Bệnh nhân nên sử dụng các thuốc hạ đường huyết như Gliclazide, Metformin,... theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, ngoài các thuốc Tây y, người bệnh có thể sử dụng các cây thuốc nam có tác dụng kiểm soát đường huyết như tâm sen, hoa cúc, cây thìa canh, cỏ ngọt,...
3.3 Các mẹo giúp giảm ngứa toàn thân
Nếu chỉ mới bị ngứa hoặc nghi ngờ nguyên nhân gây ngứa là do dị ứng hay thay đổi thời tiết thì người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp giảm ngứa sau:
- Không gãi khi bị ngứa không rõ nguyên nhân. Mặc dù gãi là phản xạ tự nhiên khi bị ngứa nhưng nếu bạn gãi quá mạnh thì sẽ khiến da bị tổn thương và cơn ngứa càng trở nên dữ dội hơn;
- Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sử dụng quạt mát hoặc điều hòa để cảm thấy dễ chịu hơn. Tránh để cơ thể chịu cảm giác quá khô hoặc quá nóng vì như vậy sẽ càng ngứa ngáy hơn;
- Không nên tắm nước nóng;
- Dưỡng ẩm cho da vì da khô là 1 nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa toàn thân. Bạn nên chọn những sản phẩm dưỡng ẩm an toàn, lành tính, phù hợp với loại da của mình;
- Chườm khăn lạnh lên vùng da đang bị ngứa. Đây là phương pháp giúp giảm nhanh tình trạng tổn thương da, giảm ngứa ngáy và nóng rát trên da;
- Tắm nước trà xanh hoặc lá bạc hà, trầu không để sát khuẩn da và giúp da nhanh chóng dịu lại, giảm ngứa ngáy khó chịu;
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh suy nghĩ nhiều, làm việc quá căng thẳng. Bạn cũng có thể tập yoga, thiền định,... để giảm căng thẳng;
- Bôi gel nha đam lên vùng bị ngứa vì nha đam có tác dụng cấp ẩm, làm dịu da và giúp vết thương nhanh lành;
- Không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; nên đeo bao tay bảo vệ khi rửa bát, giặt quần áo; tránh món ăn nhiều dầu mỡ, giàu đạm hoặc dễ gây dị ứng.
Các mẹo này sẽ giúp người bệnh giảm tức thì cơn ngứa ngoài da. Tuy nhiên, nếu cơn ngứa xuất hiện từ những nguyên nhân bên trong cơ thể thì các biện pháp trên chỉ có tác dụng tạm thời, không thể giúp điều trị dứt điểm tình trạng ngứa da.
Bị mẩn ngứa khắp người do nhiều nguyên nhân gây ra. Chỉ khi xác định đúng nguyên nhân thì người bệnh mới có thể hoàn toàn điều trị triệt để tình trạng này. Do đó, khi có triệu chứng nổi mẩn ngứa toàn thân, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được bác sĩ chỉ định phương án điều trị phù hợp. Đồng thời, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng nên tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo trị dứt điểm tình trạng ngứa ngáy toàn thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.