Dây chằng ở các vị trí đầu gối, vai, mắt cá chân, cổ đóng vai trò trong quá trình chuyển động linh hoạt của cơ thể. Tình trạng lỏng lẻo dây chằng có thể khiến bạn dễ bị chấn thương khi hoạt động hơn và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
1. Lỏng lẻo dây chằng là gì?
Trong cơ thể con người, các dây chằng sẽ liên kết với nhau và có vai trò ổn định khung xương. Dây chằng giúp các khớp xương vận động, di chuyển linh hoạt như nếu không có dây chằng ở các khớp như đầu gối, bạn sẽ không thể đi lại hoặc ngồi.
Hầu hết mọi người đều có dây chằng căng tự nhiên. Tình trạng lỏng dây chằng xảy ra khi dây chằng quá lỏng lẻo, còn gọi là lỏng khớp. Sự lỏng lẻo của dây chằng có thể ảnh hưởng đến các khớp trên toàn cơ thể như cổ, vai, mắt cá chân hoặc đầu gối.
2. Triệu chứng và nguyên nhân gây lỏng lẻo dây chằng
2.1. Triệu chứng
Các dấu hiệu của tình trạng lỏng lẻo dây chằng có xu hướng xảy ra trong hoặc xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Các triệu chứng đó bao gồm:
- Đau, tê hoặc ngứa ran
- Co thắt cơ bắp
- Chấn thương thường xuyên hoặc trật khớp
- Khớp bị nứt
2.2. Nguyên nhân
Trong một số trường hợp, sự lỏng lẻo của dây chằng không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Theo các chuyên gian, một số tình trạng di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết của cơ thể có khả năng gây ra tình trạng lỏng lẻo dây chằng, như:
- Hội chứng tăng vận động
- Hội chứng Ehlers-Danlos
- Hội chứng Marfan
- Bệnh xương thủy tinh
- Hội chứng Down
Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng trên như:
- Loạn sản sụn xương
- Viêm xương khớp
- Thương tích và tai nạn
Chấn thương cũng có thể gây ra lỏng lẻo dây chằng đặc biệt là căng cơ và chấn thương lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, những người bị lỏng dây chằng cũng có nguy cơ bị chấn thương cao hơn, vì vậy không phải lúc nào cũng xác định được chấn thương là do dây chằng lỏng hay ngược lại.
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán
Điểm Beighton là một công cụ sàng lọc phổ biến cho tình trạng tăng vận động khớp. Phương pháp chẩn đoán này bao gồm việc hoàn thành một loạt các chuyển động chẳng hạn như kéo các ngón tay về phía sau hoặc cúi xuống và đặt bàn tay của người bệnh bằng phẳng trên mặt đất.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng xét nghiệm này để đánh giá xem tình trạng lỏng lẻo của dây chằng có xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể bạn hay không. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự lỏng lẻo của dây chằng là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn như hội chứng Ehlers-Danlos hoặc Marfan. Bác sĩ có thể quyết định tiến hành các xét nghiệm bổ sung nếu bạn có các triệu chứng khác của tình trạng mô liên kế như mệt mỏi hoặc yếu cơ.
3.2. Điều trị
Sự lỏng lẻo của dây chằng không phải lúc nào cũng cần điều trị, nhất là trong trường hợp nó không gây đau đớn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần được chỉ định vật lý trị liệu để giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, thậm chí người bệnh cần phẫu thuật để sửa chữa các dây chằng.
Tóm lại, lỏng dây chằng là một thuật ngữ y tế để chỉ dây chằng lỏng lẻo, có thể dẫn đến lỏng lẻo khớp uốn cong hơn bình thường. Tình trạng này gây đau đớn và có thể làm tăng nguy cơ chấn thương ở người bệnh như trật khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com