Xử trí thế nào khi bị bong gân ngón tay?

Bị bong gân ngón tay là một chấn thương phổ biến có thể xảy ra khi ngón tay bị xoắn hoặc quá tải đột ngột. Tình trạng này thường gặp ở những người tham gia vào các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền hoặc trong các hoạt động hằng ngày khi có sự va chạm mạnh vào ngón tay. Hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa và các phương pháp điều trị kịp thời sẽ giúp bảo vệ ngón tay khỏi những tổn thương nặng nề hơn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Bong gân ngón tay là gì?  

Bong gân ngón tay xảy ra khi các dây chằng xung quanh ngón tay bị kéo căng quá mức hoặc rách.  

Dây chằng là cơ bao quanh khớp, giúp cố định và bảo vệ đầu khớp và nối các xương với nhau. Khi gặp chấn thương, ngón tay cái và các ngón khác có thể bị bong gân do bẻ cong theo hướng bất thường, đặc biệt là khi ngã với bàn tay mở rộng.

Bị bong gân ngón tay là chấn thương thường gặp, gây đau đớn, sưng và làm giảm khả năng cử động ngón tay. Bong gân thường ảnh hưởng đến khớp gian đốt ngón gần (PIP), là khớp nằm giữa các đốt ngón tay, xảy ra khi mà dây chằng bị kéo căng quá mức hoặc chịu áp lực quá lớn.

Bong gân ngón tay rất dễ gặp phải do bị ngã.
Bong gân ngón tay rất dễ gặp phải do bị ngã.

2. Nguy cơ bị bong gân ngón tay

2.1 Đối tượng thường bị bong gân ngón tay

Bong gân ngón tay có thể xảy ra với bất kỳ ai và vào bất kỳ thời điểm nào nhưng những người tham gia các môn thể thao như bóng đá, tennis, cầu lông, bóng rổ, và bóng ném có nguy cơ cao hơn.

2.2 Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bong gân ngón tay

  • Tập luyện không hiệu quả và sai kỹ thuật làm cơ yếu đi, tăng khả năng bị bong gân.
  • Khởi động sai cách: Khi không khởi động đúng kỹ thuật trước khi tập luyện nặng, các cơ sẽ căng chặt, khớp bị hạn chế vận động dẫn đến dễ chấn thương, rách dây chằng hoặc gặp vấn đề về xương khớp.
  • Môi trường tập luyện có địa hình trơn trượt hoặc không bằng phẳng có thể tăng nguy cơ chấn thương.
  • Dụng cụ hỗ trợ: Sử dụng giày thể thao hoặc dụng cụ tập luyện không đảm bảo chất lượng làm tăng khả năng bị bong gân.

3. Bị bong gân ngón tay có nguy hiểm không?  

Hầu hết các trường hợp bong gân ngón tay không quá nghiêm trọng và có thể tự lành trong vài ngày nhờ vào khả năng tự phục hồi của cơ thể. Tổn thương thường xảy ra ở dây chằng quanh khớp gian đốt ngón tay gần.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bong gân ngón tay có thể không hồi phục nhanh chóng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài hơn, bao gồm:

  • Đau nhức và sưng tại khớp kéo dài, có thể tiến triển thành viêm khớp do chấn thương.
  • Tê liệt ngón tay, ảnh hưởng đến cảm giác ở ngón tay.
  • Không có khả năng co duỗi ngón tay.
  • Khớp ngón tay biến dạng, có thể ảnh hưởng đến các mô cơ và dây thần kinh xung quanh.

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

Bong gân ngón tay gây khó khăn trong việc vận động ngón tay.
Bong gân ngón tay gây khó khăn trong việc vận động ngón tay.

4. Triệu chứng bong gân ngón tay

Triệu chứng của bị bong gân ngón tay bao gồm: đau ở các khớp ngón tay, đau khi bẻ ngón, khớp sưng và khó khăn trong việc vận động ngón tay. Tổn thương nặng hoặc rách dây chằng có thể khiến ngón tay yếu đi và không cầm nắm được.

Nếu xuất hiện các triệu chứng trên hoặc bị chấn thương tay trong lúc chơi thể thao cũng như là cần giải đáp bất kỳ thắc mắc nào, người bị bong gân có thể liên hệ các cơ sở y tế gần nhất để được tham khảo ý kiến của bác sĩ.

5. Chẩn đoán bong gân ngón tay

Để chẩn đoán bong gân ngón tay, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các ngón tay của bệnh nhân. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra xem có xương nào bị gãy hay không. Ngoài ra, chụp MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ, cũng có thể được sử dụng để phát hiện các tổn thương ở dây chằng bên trong ngón tay.

Mỗi loại thuốc điều trị khi bị bong gân ngón tay đều có những tác dụng phụ nhất định, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Mỗi loại thuốc điều trị khi bị bong gân ngón tay đều có những tác dụng phụ nhất định, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

6. Các hướng xử lý khi bị bong gân ngón tay

Điều trị bong gân ngón tay nhằm mục đích giảm đau, sưng, phù nề, giúp người chơi thể thao có thể phục hồi nhanh chóng. Các bước cần thực hiện ngay khi bị bong gân ngón tay sẽ bao gồm:

  • Người bị chấn thương cần nghỉ ngơi, chườm đá vào vùng tổn thương, băng bó và nâng cao tay
  • Chườm đá lên ngón tay bị tổn thương trong 15-20 phút, lặp lại 4 lần mỗi ngày để giảm đau và sưng.
  • Thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen hoặc aspirin có thể được dùng để giảm triệu chứng đau và viêm.
  • Để hỗ trợ điều trị cho người bị bong gân ngón tay, việc sử dụng nẹp để băng cố định ngón tay là rất quan trọng. Đặc biệt, ngón tay cái bị bong gân có thể cần được cố định trong thời gian dài hơn so với các ngón khác vì nếu dây chằng bị rách, người bị chấn thương có thể cần đến phẫu thuật để lành vết thương.
  • Ngón tay có thể sưng và suy giảm khả năng vận động, sức mạnh trong vài tuần hoặc vài tháng nếu bị bong gân kèm theo trật khớp hoặc gãy xương. Tuy nhiên, nếu chỉ bị bong gân đơn thuần, các triệu chứng có thể biến mất trong 1-3 tuần.
Cần nẹp để cố định vị trí bong gân ngón tay.
Cần nẹp để cố định vị trí bong gân ngón tay.

7. Phương pháp điều trị bong gân tại nhà hiệu quả

Phương pháp PRICE là một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị cho người bị bong gân ngón tay tại nhà:

  • P - Bảo vệ (Protection): Có thể sử dụng nẹp hoặc băng để giảm thiểu chấn thương cho ngón tay.
  • R - Nghỉ ngơi (Rest): Nghỉ ngơi và hạn chế sử dụng tay để bảo vệ ngón tay khỏi bị tổn thương thêm.
  • I - Đá (Ice): Chườm đá lên ngón tay bị thương có thể giúp giảm viêm, sưng đỏ. Chườm túi đá trên ngón tay trong khoảng 10–15 phút mỗi lần.
  • C - Nén (Compression): Sử dụng nẹp hoặc băng quấn ngón tay giúp hỗ trợ và giảm viêm. Chú ý không quấn quá chặt để tránh cản trở lưu thông máu.
  • E - Độ cao (Elevation): Đặt tay trên gối để khuỷu tay thấp hơn bàn tay, giúp giảm sưng và đau.

Tóm lại, khi bị bong gân ngón tay, việc xử trí kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng. Nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng cố định và hạn chế cử động ngón tay là những bước cơ bản giúp giảm sưng đau. Nếu triệu chứng không cải thiện sau vài ngày hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, hãy tìm đến sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp nhanh chóng hồi phục và tránh những biến chứng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe