Khớp vai là một khớp thực hiện khá nhiều động tác cho hầu hết các hoạt động luyện tập thể hình chi trên nên rất dễ dẫn tới chấn thương. Chấn thương khớp vai khi tập gym có thể do té ngã, va chạm, tập luyện không đúng cách hoặc vận động quá tải trong thời gian dài. Nếu không xử trí, chữa trị sớm có thể dẫn tới đau mạn tính, cứng khớp, teo cơ, thậm chí là mất chức năng khớp vai.
1. Có những loại chấn thương vai khi tập gym nào?
Khớp vai có khung xương được cấu tạo bởi xương đòn, xương bả vai và chỏm xương cánh tay tạo thành khớp cùng-đòn và khớp ổ chảo- cánh tay. Các dây chằng, bao khớp và gân cơ sẽ giúp giữ các khớp này hoạt động linh hoạt và uyển chuyển. Khi tập gym khớp vai thường thực hiện khá nhiều động tác nên có khả năng dẫn tới các chấn thương như:
- Rách sụn viền và bao khớp vai: Sụn viền ổ chảo là bộ phận giúp khớp vai dính liền với xương nên rất dễ bị rách hay tróc ra khỏi xương khiến người tập thực hiện các động tác xoay quá mức hoặc vặn xoắn khớp, té ngã dùng tay chống đỡ;
- Trật khớp cùng: Là tổn thương dễ gặp khi té ngã dùng tay chống đỡ hay vai đập xuống mặt phẳng. Phẫu thuật can thiệp trong trường hợp này là cần thiết để có cơ hội hồi phục hoàn toàn;
- Gãy xương cùng vai: nếu lực chống đỡ từ vai hoặc va đập quá mạnh vào mặt phẳng có thể dẫn tới gãy xương đòn, xương bả vai và cánh tay. Lúc này bắt buộc phải nghỉ tập một thời gian để dưỡng thương ổ trạng thái bất động tốt, không di lệch và phạm khớp;
- Viêm rách gân và chóp xoay: Ngoài bao khớp, khớp vai còn có một bộ phận là 4 gân cơ chóp xoay bao quanh giúp giữ vững khớp và tạo lực xoay cho vai. Do tính chất vận động như vậy mà gân ở đây dễ bị rách và chấn thương, Rách gân gây đau mãn tính, cứng khớp và làm mất chức năng của mình nếu không chữa kịp thời.
2. Nguyên nhân gây ra chấn thương khớp vai khi tập gym
Những nguyên nhân gây ra đau khớp vai khi tập gym có thể kể đến như:
- Tổn thương cơ: Trong quá trình luyện tập, các hoạt động liên quan đến khớp vai như xoay cánh tay, giang cánh tay sang hai bên mà sử dụng lực cử động quá mạnh khiến cho nhóm cơ vùng vai bị bong ra, gây cảm giác đau nhức dữ dội;
- Tổn thương dây chằng: Là một loại chấn thương khá nghiêm trọng gây ra đau khớp vai, làm ảnh hưởng đến hoạt động của cánh tay, thường gặp ở những người tập tạ nặng, dây chằng bị chèn ép liên tục, chịu áp lực lớn và tổn thương;
- Không khởi động trước khi bắt đầu tập: Đây là một trong những nguyên nhân bị chấn thương vai khi tập thể hình khá phổ biến. Không khởi động trước khi bắt đầu tập gym dễ dẫn tới chấn thương, đặc biệt là đau khớp vai vì các khớp chưa được làm nóng, co giãn, linh hoạt mà đã phải tiếp nhận những vận động nặng;
- Sai động tác kỹ thuật: Chấn thương khớp vai cũng dễ xảy ra nếu người tập không đúng động tác, đặc biệt là sai kỹ thuật kéo dài;
- Sử dụng tạ quá nặng, tập luyện quá sức: Việc lựa chọn mức tạ không phù hợp cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp vai ở người tập gym;
- Mắc các bệnh lý về xương khớp vai: Các bệnh lý như viêm quanh khớp vai, viêm khớp vai dạng thấp, thoái hoá khớp vai cũng có thể là nguyên nhân gây ra chấn thương mà người tập không hề chú ý.
3. Xử lý chấn thương khớp vai khi tập gym như thế nào?
Khi gặp phải chấn thương khớp vai sau khi tập gym, có thể xử lý tại chỗ với các biện pháp sau:
- Thư giãn khớp vai: Là cách đơn giản giúp giảm đau nhức khớp vai. Nên cho khớp vai thư giãn với các động tác thả lỏng khớp hay vận động nhẹ nhàng trong khoảng 5-10 phút vừa giúp cơ bắp xung quanh được thư giãn vừa tránh sự chèn ép lên hệ thống thần kinh khi khớp phải hoạt động quá sức;
- Massage: Là liệu pháp có thể thực hiện ngay nhằm khắc phục tình trạng đau khớp tại chỗ, sử dụng lực phù hợp từ bàn, ngón tay vừa giúp khớp được thư giãn và thoải mái vừa có tác dụng ức chế tình trạng đau nhức;
- Chườm nóng và chườm lạnh: Là phương pháp hữu hiệu có thể áp dụng khi đau khớp vai. Chườm nóng nên được thực hiện khi khớp vai đau nhức đơn thuần còn chườm lạnh sẽ phù hợp hơn khi có đi kèm triệu chứng sưng;
- Dùng thuốc tại chỗ: Có thể là thuốc bôi hoặc miếng dán mặc dù được sử dụng ngoài da nhưng lại có tác dụng rất nhanh lên vùng khớp vai đang tổn thương. Tuy nhiên không nên lạm dụng liệu pháp này bởi dù chỉ dùng ngoài da nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều tác dụng ngoài ý muốn.
4. Phòng ngừa chấn thương khớp vai khi tập gym như thế nào?
Để hạn chế gặp phải chấn thương khớp vai khi tham gia các hoạt động thể hình, người tập luyện cần lưu ý một số điều sau:
- Không tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn: Việc tập thể dục quá sớm khi nhiệt độ còn thấp có thể khiến cơ thể lạnh đột ngột dẫn tới co mạch máu dễ dẫn tới chấn thương. Tuy nhiên cũng không nên tập thể dụng trước khi ngủ vì việc tập thể dục khiến thân nhiệt tăng cao, dễ xáo trộn nhịp sinh học, khó có được giấc ngủ ngon;
- Không tập gym khi quá đói hoặc quá no: Cơ thể đói sẽ khiến bạn chóng mặt, hoa mắt, uể oải và tập luyện không hiệu quả dẫn tới nguy cơ chấn thương trong khi việc ăn no sẽ làm nhịp sinh học bị rối loạn, thậm chí đau dạ dày. Nên ăn nhẹ trước khi tập hoặc sau khi ăn no 2 giờ để đảm bảo chất lượng buổi tập;
- Bổ sung nước khi tập luyện: Việc tập luyện khiến tuyến mồ hôi tiết ra nhiều, nếu không được bổ sung nước sẽ dẫn tới thiếu nước, thân nhiệt tăng cao hơn bình thường và nguy cơ chấn thương cũng gia tăng;
- Không tắm nước lạnh sau khi tập: Tắm nước lạnh sau khi tập sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, lỗ chân lông nở ra dẫn tới nguy cơ gây cảm, đau đầu, chóng mặt, gia tăng nguy cơ đột quỵ;
- Không tập luyện quá 60 phút/ngày: Việc lựa chọn thời gian tập luyện còn phụ thuộc vào đối tượng là vận động viên chuyên nghiệp hay người bình thường. Tuy nhiên điều mấu chốt là không tập luyện quá sức và đối với người chỉ rèn luyện để nâng cao sức khoẻ thì 60 phút tập luyện mỗi ngày là phù hợp.
Tóm lại, chấn thương khớp vai khi tập gym nếu không xử trí, chữa trị sớm có thể dẫn tới đau mạn tính, cứng khớp, teo cơ, thậm chí là mất chức năng khớp vai. Do đó, khi bị chấn thương trong các hoạt động thể thao, người bệnh nên tới cơ sở y tế để bác sĩ xử lý kịp thời và phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.