Bong gân khớp cổ chân là một trong những chấn thương phổ biến nhất, đặc biệt ở những người thường xuyên vận động hoặc tham gia các hoạt động thể thao. Bong gân cổ chân nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng như: khớp cổ chân kém ổn định, đau mãn tính, hạn chế vận động và tăng nguy cơ viêm khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bong gân khớp cổ chân là gì?
Bong gân khớp cổ chân xảy ra khi các động tác lăn, xoay hoặc vặn cổ chân được thực hiện không đúng cách. Chấn thương này làm căng hoặc rách các dây chằng, các mô liên kết giữ các xương ở mắt cá chân với nhau.
Dây chằng có nhiệm vụ giữ khớp ổn định và ngăn ngừa các chuyển động quá mức. Khi các dây chằng bị kéo căng vượt quá phạm vi chuyển động thông thường, tình trạng bong gân ở khớp cổ chân xảy ra. Phần lớn các ca bong gân mắt cá chân là kết quả của chấn thương dây chằng ở mặt ngoài mắt cá chân.
Mức độ nghiêm trọng của bong gân cổ chân sẽ quyết định cách điều trị. Trong một số trường hợp, người chấn thương chỉ cần tự chăm sóc và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, để xác định chính xác mức độ bong gân và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cần có sự đánh giá của bác sĩ.
2. Nguyên nhân bong gân cổ chân
Bong gân xảy ra khi cổ chân bị xoay hoặc di chuyển sai tư thế, làm cho một hoặc nhiều dây chằng ở mắt cá chân bị căng, rách một phần hoặc rách hoàn toàn.
Bong gân khớp cổ chân có thể do:
- Cú ngã khiến mắt cá chân bị vẹo.
- Đáp đất sai cách sau khi nhảy hoặc xoay.
- Đi bộ hoặc tập luyện trên địa hình không bằng phẳng.
- Người khác vô tình dẫm lên chân trong khi tham gia thể thao.
3. Các yếu tố rủi ro gây bong gân cổ chân
Những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bong gân khớp cổ chân bao gồm:
- Bong gân mắt cá ở người chơi thể thao: Thường xảy ra trong các môn thể thao yêu cầu nhảy, đổi hướng nhanh hoặc dễ làm chân bị lăn hoặc trẹo như bóng rổ, quần vợt, bóng đá và chạy đường mòn.
- Mặt đất gồ ghề: Đi bộ hoặc chạy trên các bề mặt gồ ghề hay trong điều kiện địa hình không thuận lợi có thể làm tăng nguy cơ bong gân ở mắt cá chân.
- Tiền sử chấn thương mắt cá chân: Sau khi một người đã từng trải qua bong gân hoặc một chấn thương khác ở mắt cá chân, nguy cơ bị bong gân tái phát sẽ tăng.
- Cổ chân yếu: Nếu cổ chân yếu hoặc không linh hoạt, nguy cơ bị bong gân trong khi tham gia các môn thể thao sẽ cao hơn.
- Mang giày không phù hợp: Giày không vừa vặn hoặc không được thiết kế cho hoạt động cụ thể, đặc biệt là giày cao gót, có thể làm mắt cá chân dễ bị tổn thương.
4. Các triệu chứng bong gân khớp cổ chân
Dấu hiệu và triệu chứng của bong gân cổ chân thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ của chấn thương. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Đau ở cổ chân, đặc biệt khi cổ chân phải nâng đỡ trọng lượng cơ thể và bàn chân bị ảnh hưởng.
- Đau khi chạm vào cổ chân.
- Sưng tấy. Khi cổ chân bị tổn thương, triệu chứng sưng không lập tức xuất hiện mà thường xảy ra sau vài giờ. Trong các trường hợp nghiêm trọng, sưng và đau có thể kéo dài cho đến khi dây chằng được hồi phục, thường mất từ 6 đến 12 tuần.
- Bầm tím.
- Hạn chế khả năng cử động.
- Cảm giác không ổn định ở mắt cá chân.
- Cảm giác nghe thấy tiếng "bật" hoặc âm thanh lạ ngay lúc bị chấn thương.
Các mức độ bong gân chân khi bị chấn thương:
- Nhẹ (Cấp I): Dây chằng bị kéo căng nhưng chưa rách. Mắt cá chân vẫn giữ được sự ổn định, tuy nhiên có thể có cảm giác đau và cứng khớp.
- Trung bình (Cấp II): Một hoặc nhiều dây chằng bị rách một phần, khiến khớp không ổn định hoàn toàn và khả năng di chuyển bị hạn chế. Người bị chấn thương có thể thấy sưng và đau ở mức độ vừa phải.
- Nặng (Cấp III): Một hoặc nhiều dây chằng bị rách hoàn toàn, làm cho mắt cá chân không còn ổn định.
5. Điều trị bong gân cổ chân như thế nào?
Điều trị bong gân khớp cổ chân phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của chấn thương. Mục tiêu chính là không còn sưng tấy, giảm đau và khôi phục khả năng hoạt động của cổ chân,đồng thời giúp dây chằng bị tổn thương hồi phục. Nếu bị chấn thương nghiêm trọng, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về chấn thương cơ xương khớp như bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hoặc bác sĩ vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
5.1 Biện pháp tại nhà
- Hạn chế di chuyển: Hạn chế đi lại để tránh các hoạt động có thể làm tăng cơn đau hoặc gây sưng.
- Nước đá: Chườm đá hoặc tắm nước đá ngay sau khi bị thương, trong khoảng 15 đến 20 phút và lặp lại.
- Băng nén: Để giảm sưng, quấn mắt cá chân bằng băng thun cho đến khi hết sưng. Tránh quấn quá chặt để không gây cản trở tuần hoàn máu. Bắt đầu quấn từ điểm xa tim nhất.
- Độ cao: Nâng cao mắt cá chân lên trên mức của tim để giảm sưng, đặc biệt vào ban đêm.
5.2 Thuốc men
Hầu hết các trường hợp đau do bong gân mắt cá chân có thể được kiểm soát tốt bằng cách sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB, v.v.), naproxen sodium (Aleve, và những loại khác) hoặc acetaminophen (Tylenol, v.v.).
5.3 Dùng nạng
Khi bị bong gân khớp cổ chân, người bệnh có thể cảm thấy đau khi đi bộ, do đó có thể cần dùng nạng cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bong gân, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng băng thun, băng thể thao hoặc nẹp hỗ trợ khớp cổ chân để giữ chân ổn định. Nếu bong gân nghiêm trọng, việc bó bột hoặc mang ủng có thể cần thiết để giữ cổ chân cố định trong quá trình phục hồi.
5.4 Vật lý trị liệu
Khi sưng và đau đã giảm đến mức có thể di chuyển được, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bị chấn thương một loạt bài tập nhằm phục hồi tầm vận động, tăng cường sức mạnh, cải thiện sự linh hoạt và độ ổn định của khớp cổ chân. Chuyên gia vật lý trị liệu hoặc bác sĩ sẽ giải thích cách thực hiện và lộ trình tập luyện.
Huấn luyện về thăng bằng và ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc tái rèn luyện các cơ xung quanh cổ chân để hỗ trợ khớp, ngăn ngừa tình trạng bong gân tái diễn. Những bài tập này có thể bao gồm việc cân bằng ở các mức độ khác nhau như đứng trên một chân.
Nếu một người bị bong gân cổ chân trong quá trình tập thể dục hoặc chơi thể thao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể yêu cầu người bị chấn thương làm các bài kiểm tra vận động cụ thể để đánh giá tình trạng chấn thương.
5.5 Phẫu thuật
Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết nếu chấn thương không tự lành hoặc cổ chân vẫn bất ổn sau một thời gian luyện tập. Phẫu thuật có thể nhằm:
- Sửa chữa dây chằng không lành.
- Tái tạo dây chằng bằng cách sử dụng mô từ các dây chằng hoặc gân lân cận.
6. Bong gân khớp cổ chân có để lại di chứng không?
Bong gân khớp cổ chân có để lại di chứng không thì câu trả lời là có. Việc không xử lý đúng cách khi bị bong gân mắt cá chân, tham gia hoạt động thể chất quá sớm sau chấn thương hoặc tái bong gân nhiều lần có thể dẫn đến:
- Đau mãn tính ở mắt cá chân.
- Khớp cổ chân trở nên không ổn định mãn tính.
- Viêm khớp ở cổ chân.
7. Phòng ngừa bong gân cổ chân
Những gợi ý sau đây có thể giúp mọi người phòng tránh việc bị bong gân cổ chân hoặc tái phát bong gân:
- Khởi động kỹ các khớp trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động thể thao nào.
- Hãy chú ý khi di chuyển, dù đi bộ, chạy hay làm việc trên những bề mặt không bằng phẳng.
- Sử dụng nẹp hoặc băng hỗ trợ nếu mắt cá chân của một người yếu hay đã từng bị chấn thương.
- Mang giày vừa chân và phù hợp với hoạt động tham gia.
- Hạn chế mang giày cao gót.
- Đảm bảo luôn sử dụng đầy đủ các dụng cụ bảo hộ khi tập thể dục.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là nơi chuyên trị các chấn thương và bệnh lý liên quan đến hệ cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có nhiều ưu điểm nổi trội trong phẫu thuật và điều trị như:
- Thay thế xương và khớp bằng khớp nhân tạo, có thể là một phần hoặc toàn bộ.
- Thay khớp háng, khớp gối, và khớp khuỷu tay.
- Thay khớp vai đảo ngược và các khớp nhỏ bàn ngón tay - lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
- Thực hiện phẫu thuật nội soi khớp để tái tạo và sửa chữa các tổn thương ở dây chằng và sụn chêm.
- Điều trị ung thư xương, u xương, và u mô mềm của hệ cơ quan vận động.
- Chuyên sâu về phục hồi chức năng trong Y học thể thao.
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và nâng cao thành tích cho vận động viên, đồng thời hỗ trợ chẩn đoán và phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang sử dụng những công nghệ tiên tiến trong quá trình điều trị, bao gồm công nghệ tái tạo hình ảnh 3D, in 3D xương và khớp nhân tạo, công nghệ thiết kế và in 3D các dụng cụ y tế cá nhân hóa, cùng với việc chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng vật liệu mới, và kỹ thuật phẫu thuật chính xác với sự hỗ trợ của Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.