Dịch tụy có chức năng gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tụy là một cơ quan quan trọng thuộc hệ tiêu hóa của con người. Vậy dịch tụy tiết ra từ tụy giữ chức năng gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan chung về tuyến tụy và dịch tụy

Tuyến tụy là một tạng của cơ thể, nằm phía trước khối cơ thành sau ổ bụng, là một tạng ở sau khoang phúc mạc. Tụy dài khoảng 15cm, cao 6cm, dày 3cm, nằm bắt ngang qua cột sống, bắt đầu từ tá tràng và kết thúc ở nách.

Tụy nặng khoảng 80g, tổ chức của tụy mềm có màu trắng nhạt. Cấu trúc của tụy gồm 5 phần là mỏm tụy, đầu tụy, cổ tụy, thân tụy và đuôi tụy (riêng đuôi tụy là phần duy nhất của tụy nằm trong mạc nối tỳ thận, ở giữa hai lá phúc mạc).

Tụy là một tạng đặc biệt, vừa có chức năng ngoại tiết (tiết ra dịch tụy). Dịch tụy có tác dụng gì? Nó có khả năng tiêu hóa hầu hết tất cả thành phần có trong thức ăn), vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các nội tiết tố, trong đó điển hình là insulin).

Dịch tụy được dẫn ra ngoài vào ống tiêu hóa qua hai ống tụy là ống tụy chính và ống tụy phụ. Ống tụy chính (ống Wirsung) chạy theo chiều dài của tụy, cùng với ống mật chủ hợp thành bóng Vater trước khi đổ vào khúc II của tá tràng, và cơ vòng Oddi bao quanh lỗ đổ đó giữ vai trò điều tiết lượng dịch mật và dịch tụy đổ xuống tá tràng.

Ống tụy phụ (santorini) sẽ thu nhận dịch tụy ở phần mỏm tụy và đầu tụy rồi đổ vào lỗ tụy phụ nằm phía trên vị trí đổ của bóng Vater một chút. Trong tụy thì ống tụy chính và ống tụy phụ có liên thông với nhau.


Tuyến tụy vừa có chức năng ngoại tiết vừa có chức năng nội tiết
Tuyến tụy vừa có chức năng ngoại tiết vừa có chức năng nội tiết

2. Thành phần và chức năng của dịch tụy

Mỗi ngày có khoảng 1000 mL dịch tụy được tiết ra, trong đó các nang tuyến của tụy bài tiết các enzyme tiêu hóa, còn các ống tuyến dẫn ra từ các nang bài tiết các muối bicarbonate.

Dịch tụy có đủ cả 3 loại enzyme để tiêu hóa được gần như tất cả các thành phần có trong thức ăn của con người (carbohydrate, protein, lipid). Đa số các enzyme được sản xuất và bài tiết dưới dạng tiền enzyme không hoạt động (trừ hai enzyme amylase và lipase) được bọc trong các hạt zymogen. Các tiền enzyme này sẽ chuyển thành dạng hoạt động khi tiếp xúc với một enzyme ở diềm bàn chải của tế bào ruột mang tên enterokinase.

Các loại enzyme tiêu hóa cụ thể bao gồm:

  • Để tiêu hóa carbohydrate: Các enzyme amylase, maltase sẽ thủy phân các polysaccharide (trừ cellulose), oligosaccharide, trisaccharide (maltotriose) và disaccharide (maltose) để cuối cùng tạo ra monosaccharide là glucose.
  • Để tiêu hóa protein: Tuyến tụy bài tiết các tiền enzyme (trypsinogen, chymotrypsinogen, procarboxypeptidase, ribonuclease, deoxyribonuclease, proelastase), khi đổ vào tá tràng gặp enterokinase thì trypsinogen chuyển thành dạng hoạt động là trypsin, nó hoạt hóa các tiền enzyme còn lại thành dạng hoạt động là chymotrypsin, carboxypeptidase, ribonuclease, deoxyribonuclease, elastase để thủy phân các protein thành các chuỗi peptide ngắn, rồi trải qua quá trình tiếp xúc với các enzyme khác trong ruột để trở thành các amino acid mà ruột có thể hấp thu. Tuy nhiên enzyme có tên carboxypeptidase có khả năng cắt đứt liên kết peptid có gốc -COOH tận cùng để tạo thành các amino acid đơn lẻ ruột hấp thu được.
  • Để tiêu hóa lipid: Các enzyme tiêu hóa lipid là các hợp chất hòa tan trong nước, chỉ có thể phân giải trên bề mặt của các hạt lipid, vì lí do đó muốn tiêu hóa lipid thì bước đầu tiên là lipid cần được nhũ tương hóa bởi dịch mật. Muối mật và lecithin trong dịch mật đóng vai trò làm giảm sức căng bề mặt của các hạt lipid, và khi sức căng bề mặt giảm đi thì ruột co bóp sẽ làm vỡ các hạt lipid, tạo ra các hạt nhỏ hơn, làm cho bề mặt tiếp xúc giữa enzyme và các hạt tăng lên tới 1000 lần. Enzyme lipase sẽ thủy phân các hạt lipid đã được nhũ tương hóa thành triglyceride rồi thành các acid béo và monoglyceride. Cholesterol ester hydrolase tác dụng với cholesterol ester tạo thành cholesterol và các acid béo. Còn phospholipase A2 tác dụng với lecithin sẽ tạo ra lysolecithin.

Ngoài ra các ion bicarbonate (trong muối bicarbonate) là thành phần vô cùng quan trọng giữ vai trò trung hòa acid từ dạ dày xuống tá tràng.

Một điểm thú vị là tụy có cơ chế tự bảo vệ để không bị tác động trước dịch tiêu hóa do nó tiết ra, cụ thể là:

  • Hầu hết các enzyme đều ở dạng tiền chất và chỉ xảy ra hoạt hóa khi chúng xuống tới ruột non.
  • Các ezyme tiêu hóa được bọc trong các hạt zymogen của các tế bào nang.
  • Các tế bào nang tổng hợp và bài tiết chất ức chế trypsin, nhằm chống lại sự hoạt hóa sớm của trypsinogen, vì trypsin hoạt hóa các enzym tiêu hóa protein khác cũng như phospholipase A2. Nếu phospholipase A2 được hoạt hóa trong tụy sẽ gây tổn thương tế bào, phá vỡ mô tụy và phá hủy các mô mỡ xung quanh.

Dịch tụy được điều hòa bài tiết theo hai cơ chế là thần kinh và nội tiết
Dịch tụy được điều hòa bài tiết theo hai cơ chế là thần kinh và nội tiết

Dịch tụy được điều hòa bài tiết theo hai cơ chế là thần kinh và nội tiết, và có 3 giai đoạn bài tiết dịch tụy:

  • Giai đoạn đầu: Khi nhìn, ngửi, nghĩ về thức ăn hay khi nhai và nuốt thức ăn, dây thần kinh X sẽ tiết acetylcholin làm bài tiết enzyme vào trong nang tụy, và trong giai đoạn này dịch tụy chứa nhiều enzyme, đồng thời dịch tụy chiếm 20% dịch vị của toàn bộ bữa ăn.
  • Giai đoạn dạ dày: Khi dạ dày căng lên sẽ khởi động cung phản xạ dài dây thần kinh X - dây thần kinh X. Acetylcholin do dây thần kinh X tiết ra sẽ kích thích cả tế bào nang tụy và tế bào ống tụy, tuy nhiên lượng enzyme tiết ra sẽ nhiều hơn so với lượng bicarbonate. Lúc này dịch vị thường chỉ chiếm 5 - 10%.
  • Giai đoạn ruột: Giai đoạn này dịch vị tiết nhiều, lên tới 70 - 80%.

Khi đáp ứng với secretin và cholecystokinin thì tụy sẽ bài tiết rất nhiều, cụ thể như sau:

  • Khi nồng độ ion H+ tăng cao tại tá tràng sẽ kích thích các tế bào S ở tá tràng cũng như ở phần đầu của hỗng tràng giải phóng ra secretin có tác dụng kích thích các ống tuyến bài tiết các ion bicarbonate, đồng thời secretin cũng kích thích gan bài tiết bicarbonate.
  • Một loạt các acid béo, acid amin, peptid sẽ kích thích tế bào I của tá tràng và hỗng tràng giải phóng cholecystokinin vào máu, sau đó nó kích thích nang tụy bài tiết các enzyme tiêu hóa.
  • Ion H+, các acid béo và peptid cũng đóng vai trò kích thích bài tiết dịch tụy, đặc biệt là các enzyme qua cung phản xạ dài dây thần kinh X - dây thần kinh X.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe