Việc chẩn đoán viêm tụy mạn giúp phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Hiện nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm và kỹ thuật hình ảnh được áp dụng để đánh giá tình trạng tổn thương và chức năng của tụy. Vậy những xét nghiệm nào được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Những ai thường mắc phải bệnh viêm tụy mạn tính?
Viêm tụy mạn là một bệnh lý hiếm gặp, không có khả năng lây nhiễm và có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, trong đó nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu nặng, dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu, đặc biệt phổ biến ở các nước phát triển. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, bệnh thường liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh lý này bao gồm: tắc mật do sỏi hoặc khối u, rối loạn di truyền như thiếu hụt α1-antitrypsin, tăng calci hoặc lipid máu và viêm tụy mạn tính tự miễn.
Triệu chứng viêm tụy mạn thường gặp nhất là đau vùng thượng vị, cơn đau có thể xuất hiện theo từng đợt ngắn với mức độ khác nhau, đôi khi không đau khiến bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày. Cơn đau thường tăng lên sau khi ăn và có thể lan ra sau lưng. Theo thời gian, chức năng bài tiết enzyme tiêu hóa của tụy sẽ suy giảm dần.
Bệnh nhân mắc viêm tụy mãn tính cũng có thể gặp các biểu hiện như buồn nôn, nôn mửa, sụt cân, tiêu chảy và đi ngoài phân mỡ do thiếu men tụy. Đáng chú ý, tình trạng sụt cân vẫn xảy ra ngay cả khi bệnh nhân không thay đổi cảm giác thèm ăn hay thói quen ăn uống.
2. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tụy mạn
Chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm tụy mạn kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán viêm tụy mạn tính bao gồm:
2.1. Chẩn đoán lâm sàng
- Triệu chứng đau bụng vùng thượng vị lan ra sau lưng là biểu hiện thường gặp của viêm tụy mãn tính. Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều mức độ, thường đau nhiều hơn sau khi ăn, khiến người bệnh sợ ăn, từ đó dẫn đến tình trạng suy kiệt ngày càng trầm trọng.
- Rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng phổ biến, với biểu hiện điển hình là phân lỏng, có váng mỡ, số lượng lớn.
- Tình trạng suy dinh dưỡng cũng thường xảy ra, người bệnh gầy đi, sụt cân nhanh chóng. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể bị phù chi và tràn dịch các màng do hội chứng kém hấp thu.
- Bệnh có thể tiến triển thành đái tháo đường khi hơn 85% nhu mô tụy bị xơ hóa.
- Ngoài ra, viêm tụy mạn tính có thể gây xâm lấn và chèn ép vào tá tràng hoặc các cơ quan lân cận, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và vàng da do tắc mật.
- Khi khám vùng bụng, bác sĩ có thể sờ thấy khối u vùng trên rốn, có thể liên quan đến sự xuất hiện của nang giả tụy hoặc tình trạng tụy to.

2.2. Xét nghiệm cận lâm sàng
Đánh giá chức năng tụy cho thấy rối loạn chức năng ngoại tiết và trong một số trường hợp có kèm theo rối loạn chức năng nội tiết.
Các xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng ngoại tiết của tụy.
- Kiểm tra kích thích tiết secretin (Secretin_Cholecystokinin test).
- Kiểm tra hơi thở C13 (Cholesteryl_(C13) Octanoate breath test).
- Xét nghiệm elastase trong phân (Faecal Elastase test, Faecal Chymotrypsin....).
Xét nghiệm máu được thực hiện để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, trong đó protid huyết thanh thường giảm, đặc biệt là albumin huyết thanh.

Các xét nghiệm nhằm xác định sự rò rỉ enzyme vào máu do mô tụy bị viêm, đồng thời đánh giá khả năng sản xuất enzyme của tụy. Trong trường hợp tụy bị xơ hóa nhiều, nồng độ amylase và lipase trong máu thường không tăng. Ngoài ra, xét nghiệm calci máu thường cho kết quả giảm, kèm theo rối loạn mỡ máu với cholesterol và triglyceride tăng cao. Bên cạnh đó, nồng độ đường huyết và HbA1c có xu hướng tăng, thường kèm bệnh đái tháo đường tuýp I.
Xét nghiệm phân giúp đánh giá mức độ nhầy mỡ của phân.
2.3. Chẩn đoán viêm tụy mạn qua hình ảnh
Chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là các phương pháp giúp đánh giá cấu trúc của tụy, ống tụy và các mô xung quanh, hỗ trợ chẩn đoán viêm tụy mạn tính một cách hiệu quả. Ngoài ra, siêu âm nội soi cũng được áp dụng để chẩn đoán viêm tụy mạn giai đoạn sớm.

2.4. Chẩn đoán nguyên nhân
Thông qua các nguyên nhân sau bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tụy mạn:
- Uống rượu.
- Sỏi tụy.
- Sau khi bị viêm tụy cấp.
- Rối loạn chuyển hóa thiếu hụt a1 antitrypsin.
- Suy dinh dưỡng.
- …
2.5. Chẩn đoán phân biệt
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như Hội chứng kém hấp thu, ung thư tụy và bệnh nhầy nhớt.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để khám và điều trị các bệnh lý về tụy. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật thăm khám và chẩn đoán tiên tiến, Vinmec luôn cập nhật các công nghệ y khoa mới nhất. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm sẽ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng viêm tụy mạn tính, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.