Những biến chứng viêm tụy cấp như xuất huyết hay suy hô hấp cấp, suy đa tạng,… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, tử vong do viêm tụy cấp từ rượu bia cao gấp 3 lần so các nguyên nhân khác. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn các biến chứng của tình trạng này thông qua bài viết dưới đây nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp và chúng có thể được phân thành ba nhóm chính:
- Rượu bia: Đây là nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp.
- Sỏi mật: Sỏi gây tắc nghẽn ống dẫn mật chung hoặc cơ vòng Oddi, làm gián đoạn dòng chảy trong ống tụy. Sự ứ đọng các enzyme tụy gây phá hủy cấu trúc của tuyến tụy.
- Tăng triglyceride máu cao: Nồng độ triglyceride trên 1000 mg/dL cũng là một nguyên nhân phổ biến.
Bên cạnh đó, viêm tụy cấp cũng có thể do chấn thương dập vùng tụy, rối loạn chuyển hóa, hoặc các bệnh tự miễn. Thậm chí, có khoảng 10-15% trường hợp viêm tụy cấp mà không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
2. Triệu chứng của viêm tụy cấp
Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh viêm tụy cấp bao gồm:
- Đau bụng cấp: Đau chủ yếu ở vùng thượng vị, đau dữ dội và thường xuất hiện đột ngột sau khi ăn các bữa có chứa nhiều đạm, chất béo hoặc sau khi uống rượu. Cơn đau có thể kéo dài liên tục hoặc xảy ra từng cơn, lan ra sau lưng hoặc sang hai bên hạ sườn. Đau do viêm tụy cấp thường có thể nhầm lẫn với đau dạ dày.
- Nôn và buồn nôn: Cảm giác buồn nôn thường xuất hiện sau khi đau và không liên quan trực tiếp đến cơn đau. Người bệnh có thể nôn ra dịch mật, dịch dạ dày hoặc thậm chí là máu.
- Chướng bụng, táo bón: Đặc biệt thường gặp ở các trường hợp viêm tụy cấp thể hoại tử nặng.
- Triệu chứng kèm theo: Bao gồm rối loạn ý thức, huyết áp giảm, thiểu niệu và các biểu hiện nghiêm trọng khác.
Do biểu hiện đau có thể gần giống với đau bụng cấp trong các bệnh lý dạ dày, tá tràng và thường xuất hiện sau khi uống rượu, nhiều người bệnh có thể chủ quan không đi khám ngay. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng viêm tụy cấp nghiêm trọng và hậu quả đáng tiếc.
3. Phương pháp điều trị
Để điều trị viêm tụy cấp bác sĩ thường sử dụng hai phương pháp chủ yếu là giảm đau, bù dịch và sử dụng thuốc kháng sinh. Sau đó bệnh nhân sẽ được điều trị các nguyên nhân khác như giảm mỡ máu, sỏi mật hoặc chấn thương.
3.1. Giảm đau, bù dịch
Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để giảm đau, đồng thời tùy thuộc vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ truyền dung dịch Ringer lactat hoặc Sodium chloride 0.9% cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện, để truyền đúng lượng dịch cần thiết, người bệnh cần được theo dõi một số yếu tố như lượng nước tiểu, sinh hiệu, dung tích hồng cầu và nồng độ ure máu.
3.2. Sử dụng thuốc kháng sinh
Trường hợp bệnh nhân xuất hiện nhiễm trùng sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh khi không có bằng chứng nhiễm trùng có thể làm chậm trễ quá trình bù dịch và điều trị các nguyên nhân ban đầu trong cấp cứu viêm tụy cấp.
4. Biến chứng viêm tụy cấp
Nếu viêm tụy cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
- Hạ huyết áp, sốc, suy đa tạng: Đây là biến chứng viêm tụy cấp sớm và cực kỳ nguy hiểm của bệnh, có thể do nhiễm khuẩn nặng hoặc xuất huyết. Suy đa tạng bao gồm suy thận, suy tim,... là những tình trạng rất nghiêm trọng.
- Xuất huyết: Có thể xảy ra ở tuyến tụy, trong xoang bụng, hoặc trong ống tiêu hóa và các cơ quan khác, gây tổn thương các mạch máu. Đây là biến chứng nguy hiểm thường xuất hiện trong tuần đầu của bệnh, đa số các trường hợp có tiên lượng nặng.
- Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Thường gặp vào cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh, dẫn đến hình thành các ổ áp xe và viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Tình trạng này cũng có tiên lượng nặng.
- Suy hô hấp cấp: Biến chứng viêm tuỵ cấp này thường có tiên lượng nặng.
- Nang giả tụy: Phát triển trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của bệnh do quá trình đóng kén các tổn thương tại nhu mô tụy. Nang giả có thể chứa các enzyme tuyến tụy, dịch và mảnh vỡ của nhu mô. Nang này có thể tự dẫn lưu vào đường tụy và tự động biến mất sau khoảng từ 4 đến 6 tuần , nhưng nếu kéo dài có thể dẫn đến áp xe hoặc bội nhiễm.
Tất cả các biến chứng viêm tụy cấp này đều rất nghiêm trọng và có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp lên đến hơn 15%, đặc biệt là những trường hợp do rượu bia có tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với các nguyên nhân khác.
5. Phòng tránh bệnh viêm tụy cấp
Nguyên nhân chính của bệnh viêm tụy cấp thường liên quan đến sỏi mật hoặc uống rượu bia quá mức. Do đó, việc phòng ngừa sỏi mật và hạn chế hoặc bỏ hoàn toàn rượu bia là cần thiết.
Phòng ngừa sỏi mật hiệu quả, mọi người nên:
- Tăng cường ăn rau củ và hoa quả hàng ngày.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì nguyên hạt, yến mạch và gạo lứt; hạn chế chất béo giúp giảm cholesterol trong cơ thể.
- Duy trì cân nặng phù hợp và khỏe mạnh bằng cách áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Giảm thiểu tối đa tác hại của rượu bia và thuốc lá:
- Tránh uống rượu hoặc giảm lượng tiêu thụ rượu bia sẽ giúp ngăn ngừa các tổn thương tại tuyến tuỵ.
- Không uống quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần, chia đều qua ít nhất 3 ngày. Một đơn vị rượu tương đương với khoảng nửa lít rượu có độ cồn trung bình hoặc 25ml rượu mạnh.
- Người mắc viêm tụy cấp do rượu nên kiêng hoàn toàn rượu bia.
- Không hút thuốc lá.
Để ngăn ngừa các biến chứng viêm tụy cấp, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định. Đặc biệt, việc kiên trì thực hiện một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, cùng với quyết tâm không sử dụng rượu bia, là yếu tố then chốt trong việc phòng tránh bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán viêm tụy cấp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.