Biến chứng có thể gặp do viêm tụy mạn tính

Biến chứng do viêm tụy mạn tính rất đa dạng, trong số đó, nguy hiểm nhất là có khả năng gây tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân có thể lên đến 50% trong vòng 20-25 năm. Bệnh nhân có thể bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sản xuất insulin, dẫn đến việc mắc bệnh đái tháo đường, chức năng tiết men tiêu hoá không đảm bảo dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng,...

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Tổng quan về viêm tụy mạn tính

1.1 Viêm tụy mạn tính là gì?

Tụy là một cơ quan nằm ở phần trên bên trái của bụng, có vai trò chủ yếu là sản xuất enzyme tiêu hóa, những enzyme này được chuyển đến ruột non để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, tụy còn tiết ra insulin, glucagon và các hormone khác để điều chỉnh nồng độ đường trong máu.  

Viêm tụy mãn tính xảy ra khi các enzyme tiêu hóa hoạt động ngay trong tụy, dẫn đến việc tự tiêu hóa mô tụy, gây ra tình trạng viêm và các biến chứng liên quan.

1.2 Nguyên nhân gây viêm tụy mạn tính

Nghiện rượu kéo dài và nghiêm trọng được xem là lý do phổ biến nhất gây ra viêm tụy mạn tính. Một số nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ rượu góp phần dẫn đến khoảng 70% các ca viêm tụy mạn tính ở người lớn. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến tình trạng viêm tụy, bao gồm:

  • Do chuyển hóa độc chất: Các nguyên nhân gây viêm tụy liên quan đến vấn đề chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm suy thận mạn, tăng nồng độ lipid máu, triglycerid máu, tăng calci trong máu, cũng như tác động từ các loại thuốc như statin, steroid, axit valproic, thuốc tránh thai và interferon.
  • Nguyên nhân không rõ ràng (bệnh tự phát).
  • Yếu tố di truyền: Liên quan đến đột biến gen, bao gồm các gen như PRSS1 (gây viêm tụy di truyền), CFTR và SPINK1.
  • Bệnh tự miễn: Viêm tụy mạn có thể do vấn đề tự miễn tại mô tụy hoặc liên quan đến các bệnh tự miễn khác như viêm ruột, hội chứng Sjögren và xơ gan mật.
  • Hậu quả của viêm tụy cấp tính không điều trị dứt điểm: Viêm tụy cấp nặng không được chữa trị hoàn toàn và tái phát có thể tiến triển thành viêm tụy mạn.
  • Tắc nghẽn tụy: Bao gồm các trường hợp tắc nghẽn ống tụy do khối u, tụy đôi bẩm sinh (không có ống tụy), hoặc các vấn đề liên quan đến cơ vòng Oddi.

Các yếu tố khác: Một số thủ thuật phẫu thuật, bệnh nhiễm trùng như sởi (hiếm gặp) và các dị dạng tụy hoặc ruột có thể dẫn đến viêm tụy.

1.3 Viêm tụy mạn tính biểu hiện thế nào?

Đau bụng và đau lưng là những triệu chứng điển hình của viêm tụy mạn tính, với tính chất cơn đau kéo dài và âm ỉ. Khi bệnh nặng lên, cơn đau bụng có xu hướng giảm dần hoặc biến mất. Chính vì thế, đối với bệnh nhân viêm tụy mạn, cơn đau biến mất là một dấu hiệu đáng lo ngại vì có thể tụy đã ngừng hoạt động.

Các triệu chứng khác của viêm tụy mạn thường xuất hiện do biến chứng của bệnh kéo dài, bao gồm sút cân, thiếu dinh dưỡng, xuất huyết gây thiếu máu, tổn thương gan gây vàng da, tiêu chảy, phân mỡ, sốt, buồn nôn, nôn mửa, suy nhược, tiểu nhiều hoặc mờ mắt do thiếu insulin gây bệnh tiểu đường. 

Triệu chứng điển hình của viêm tụy mạn là đau bụng.
Triệu chứng điển hình của viêm tụy mạn là đau bụng.

2. Biến chứng do viêm tụy mạn tính

Biến chứng do viêm tụy mạn tính nguy hiểm nhất chính là nguy cơ tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% trong khoảng 20-25 năm. Các biến chứng do viêm tụy mạn bao gồm:

  • Nang giả tụy: Viêm tụy cấp có thể tạo ra các túi chứa dịch và mô tổn thương tương tự u nang trong tuyến tụy. Các nang lớn có thể bị vỡ và gây ra các biến chứng như xuất huyết nội tạng hoặc nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng: Tuyến tụy dễ bị vi khuẩn tấn công khi viêm tụy cấp xảy ra, dẫn đến nhiễm trùng. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm và yêu cầu điều trị chuyên sâu, chẳng hạn như phẫu thuật để loại bỏ các phần mô bị tổn thương do nhiễm khuẩn.
  • Suy thận: Biến chứng suy thận có thể phát sinh do viêm tụy cấp. Trong trường hợp suy thận nặng kéo dài, bệnh nhân có thể phải lọc máu.
  • Hơi thở có mùi hôi: Viêm tụy cấp có thể tạo ra sự thay đổi hóa học trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, gây ra mùi hôi trong hơi thở và làm giảm nồng độ oxy trong máu xuống mức nguy hiểm.
  • Tiểu đường: Viêm tụy gây tổn thương các tế bào sản xuất insulin, từ đó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường - một bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa đường trong máu.
  • Suy dinh dưỡng: Cả viêm tụy cấp và viêm tụy mãn tính đều có thể làm giảm khả năng sản xuất enzyme của tuyến tụy, những enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm hàng ngày. Hệ quả là cơ thể có thể bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy và sụt cân.
  • Ung thư tuyến tụy: Bệnh ung thư tuyến tụy là một trong những biến chứng do viêm tụy mạn tính. Viêm tụy mạn tính được coi là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư tuỵ. Theo thống kê, có khoảng 4% bệnh nhân sẽ phát triển ung thư tụy sau 20 năm. 
Bệnh tiểu đường là một trong những biến chứng do viêm tụy mạn.
Bệnh tiểu đường là một trong những biến chứng do viêm tụy mạn.

Các biến chứng do viêm tụy mạn khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sức khỏe của họ bị suy giảm nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống giảm sút và nguy cơ tử vong cao luôn hiện hữu. Thống kê cho thấy, khoảng 50% bệnh nhân viêm tụy mạn tính tử vong do các biến chứng này trong vòng 20-25 năm.

3. Viêm tụy mạn tính có chữa được không?

Câu hỏi liệu viêm tụy mạn tính có chữa được không đã được nhiều người đặt ra. Câu trả lời là có thể, tuy nhiên kết quả điều trị sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người.  

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thời gian sống và khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ được cải thiện đáng kể nếu quá trình điều trị được thực hiện đúng cách và bệnh nhân có sự thay đổi tích cực trong lối sống.

4. Phòng ngừa viêm tụy mạn như thế nào?

  • Trước những rủi ro biến chứng do viêm tụy mạn gây ra, các chuyên gia y tế khuyên không nên lạm dụng rượu, bia. Đối với những người từng mắc viêm tụy mạn tính, việc tránh xa rượu, bia là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ bùng phát các cơn viêm tụy cấp.  
  • Nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần theo chỉ định từ bác sĩ.  
  • Khi mắc sỏi mật, bệnh nhân cần được điều trị tích cực, vì ngoài việc gây viêm tụy cấp, sỏi mật còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.  
  • Hạn chế tối đa việc tiêu thụ mỡ động vật và chất béo. Nên ăn nhiều bữa nhỏ, ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. 
Chuyên gia y tế khuyến khích bệnh nhân không nên lạm dụng rượu bia, để tránh các biến chứng do viêm tụy mạn.
Chuyên gia y tế khuyến khích bệnh nhân không nên lạm dụng rượu bia, để tránh các biến chứng do viêm tụy mạn.

Bệnh viêm tụy mạn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được can thiệp kịp thời, biến chứng do viêm tụy mạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng của viêm tụy mạn tính, người bệnh nên đi khám tại bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị đúng cách. Siêu âm tụy là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện và chẩn đoán nhanh chóng các vấn đề về tuyến tụy.

Nếu mọi người đang lo lắng bản thân đang có nguy cơ mắc bệnh tuyến tụy, hãy đến Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec – một trong những bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam để kịp thời kiểm tra sức khoẻ. Vinmec sở hữu các dòng máy siêu âm màu hiện đại, trong đó có máy Logiq E9 của GE Healthcare với các đầu dò phân giải cao, cung cấp hình ảnh chi tiết và đánh giá tổn thương chính xác. Không những thế, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm tại đây sẽ hỗ trợ việc chẩn đoán, phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và tư vấn điều trị kịp thời cho các bệnh về tuyến tụy.

Bác sĩ Đồng Xuân Hà, với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, thực hiện thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị. Hiện tại, là Bác sĩ Nội soi tiêu hoá Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe