Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Đức Nam - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Sỏi ống tụy là hậu quả của quá trình viêm tụy mạn thì chúng cũng là nguyên nhân gây viêm tụy cấp tái diễn, hoặc làm tăng nặng biểu hiện đau liên quan viêm tụy mạn do làm tắc nghẽn và tăng áp lực trong ống tụy.
1.Tổng quan về viêm tụy mạn
Tụy là một cơ quan trong ổ bụng, bình thường tuyến tụy thực hiện chức năng ngoại tiết bằng cách sản xuất ra các men tiêu hóa (amylase, lipase) rồi tiết vào ống dẫn gọi là ống tụy, đổ xuống đoạn đầu ruột non (tá tràng) để hỗ trợ tiêu hoá thức ăn (mỡ, đạm..)
Viêm tụy mạn xảy ra khi tuyến tụy bị tổn thương bởi quá trình viêm tái diễn trong thời gian dài. Những thay đổi do viêm ảnh hưởng đến hoạt động chức năng bình thường của tụy. Bệnh nhân viêm tụy mạn thường phải được chăm sóc y tế liên tục để giảm thiểu triệu chứng, làm chậm tổn hại đối với tuyến tụy cũng như giải quyết các biến chứng có thể kèm theo.
Hầu hết viêm tụy mạn biểu hiện bởi sỏi ống tụy, do đó về danh xưng tên gọi gần như đồng nhất hai khái niệm này.
Trong khi sỏi ống tụy là hậu quả của quá trình viêm tụy mạn thì chúng cũng là nguyên nhân gây viêm tụy cấp tái diễn, hoặc làm tăng nặng biểu hiện đau liên quan viêm tụy mạn do làm tắc nghẽn và tăng áp lực trong ống tụy.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ viêm tụy
Các nguyên nhân thường gặp nhất trong viêm tụy mạn gồm có:
- Lạm dụng bia rượu (là thường gặp nhất)
- Viêm tụy di truyền
- Tắc nghẽn ống tụy (do chấn thương, sỏi kẹt, khối u chèn..)
- Một số bệnh khác (như bệnh Lupus)
- Bệnh xơ nang hoặc đột biến gen xơ nang
- Nồng độ triglyceride (một dạng mỡ máu) quá cao
3. Biểu hiện viêm tụy mạn/sỏi tụy
Thường gặp nhất là đau vùng giữa bụng âm ỉ và dai dẳng, cũng có thể có các đợt đau bụng thành cơn dữ dội hơn nếu có biểu hiện viêm cấp. Người bệnh viêm tụy mạn thường khó tiêu hoá mỡ trong thức ăn; dẫn đến sụt cân và hay bị tiêu chảy. Trường hợp nặng hơn, tụy mất khả năng sản sinh insulin, dẫn đến bệnh cảnh đái tháo đường.
Đau bụng: Thường xảy ra ở phần bụng trên rốn, đau lan ra sau lưng, giảm đau bằng tư thế ngồi thẳng hoặc cúi gập người ra trước; có thể kèm theo buồn nôn và nôn mửa. Đau thường tăng nặng lên khoảng 15-30 phút sau ăn. Tuy nhiên khoảng 20% người bệnh viêm tụy mạn không đau tý nào.
Suy giảm chức năng tụy: Bình thường tụy giúp tiêu hoá thức ăn và kiểm soát lượng đường trong máu. Ở người viêm tụy mạn, chức năng tụy không đảm bảo duy trì, dẫn đến hạn chế quá trình tiêu hoá hấp thu mỡ ở đường tiêu hoá. Từ đó gây ra biểu hiện phân sống lẫn váng mỡ, nặng mùi khác thường. Triệu chứng này thường không xảy ra, cho đến khi 90% tổ chức tụy hư hỏng mất chức năng.
4. Các biến chứng của viêm tụy
Viêm tụy mạn có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, trong đó có:
- Tắc nghẽn ống dẫn chung đường mật và đường tụy, dẫn đến vàng da tắc mật và những đợt viêm tụy cấp kịch phát.
- Tắc hẹp đoạn đầu ống tiêu hoá (không ăn uống được, ậm ạch chậm tiêu vùng bụng trên...)
- Tăng nguy cơ dẫn đến ung thư tụy
5. Chẩn đoán viêm tụy mạn/sỏi tụy
Việc chẩn đoán viêm tụy mạn có thể gặp khó khăn; dấu hiệu - triệu chứng không đặc hiệu và có thể tương tự như trong nhiều bệnh lý tiêu hoá khác, như là loét dạ dày, bệnh lý sỏi mật, hội chứng ruột kích thích, hoặc thậm chí là ung thư tụy.
Các xét nghiệm có thể bình thường, đặc biệt trong hai hoặc ba năm đầu của bệnh. Đôi khi cũng khó phân biệt viêm tụy mạn với viêm tụy cấp (diễn biến đột ngột hơn ..).
- Xét nghiệm máu: Có thể phát hiện các men tiêu hoá thoát ra từ ống tụy và tăng lên trong máu khi tuyến tụy bị viêm.
- Xét nghiệm phân: Ghi nhận hàm lượng mỡ trong phân tăng cao hoặc giảm hàm lượng men elastase tụy.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp Xquang không chuẩn bị có thể thấy các viên sỏi cản quang trong ống tụy; siêu âm-cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ ổ bụng giúp đánh giá cấu trúc của tụy, tình trạng ống dẫn tụy và mật cũng như tổ chức kế cận quanh tụy.
Với nội soi mật tụy ngược dòng hoặc siêu âm nội soi giúp đánh giá ống dẫn tụy cũng như tổ chức xung quanh. Thử nghiệm này cần luồn một ống nội soi từ miệng đi vào đoạn đầu ống tiêu hoá để ngược lên ngã ba ống tụy mật.
Xét nghiệm ung thư tụy: Thường bác sĩ sẽ xét nghiệm CEA và CA 19-9 trong máu, giúp sàng lọc khả năng bị ung thư tụy vì hai tình trạng bệnh này biểu hiện hầu như tương tự nhau.
6. Điều trị viêm tụy mạn/Sỏi tụy
Việc điều trị viêm tụy mạn nhằm giúp giảm đau, cải thiện chức năng tụy cũng như giải quyết biến chứng.
Giảm đau: Nhiều can thiệp nhằm giúp giảm đau cho bệnh nhân viêm tụy mạn. Các biện pháp đơn giản có thể đạt hiệu quả tốt trong giai đoạn sớm của bệnh; trong khi ở giai đoạn muộn hơn việc điều trị có thể phức tạp hơn nhiều.
- Tránh bia rượu: Là biện pháp trị liệu QUAN TRỌNG NHẤT trong trường hợp viêm tụy liên quan lạm dụng bia rượu. Kết quả có thể giúp giảm cơn đau viêm tụy mạn và giảm nguy cơ diễn biến đợt cấp viêm tụy..
- Dừng hút thuốc: Cũng cải thiện cơn đau trong viêm tụy mạn.
- Chế độ ăn hạn chế mỡ: Ăn từng bữa nhỏ và uống đủ nước có thể cải thiện cơn đau do viêm tụy mạn. Nhịn ăn vài ngày với truyền dịch thay thế nuôi dưỡng (trong môi trường bệnh viện) cũng giúp giảm cơn đau dai dẳng trong viêm tụy.
- Thuốc giảm đau: Ở giai đoạn sớm của bệnh các thuốc giảm đau đơn giản cũng có thể công hiệu, như ibuprofen.
- Bổ sung men tụy: Nhằm cung cấp và thay thế men tụy thông thường phải sản xuất, giúp cho tụy được “nghỉ ngơi”. Tuy nhiên men tụy không có hiệu quả giảm đau ở tất cả trường hợp.
- Chẹn thần kinh: Tiêm thuốc phá huỷ tổ chức thần kinh dẫn truyền cảm giác từ tụy. Giúp cải thiện biểu hiện đau mạn tính ở 50% trường hợp, thông thường phải tiến hành lập lại và cũng nhiều nguy cơ cần bàn thảo kỹ hơn với bệnh nhân. Do đó chẹn thần kinh chỉ áp dụng với bệnh nhân cảm giác đau nghiêm trọng do viêm tụy mạn – mà không đáp ứng các biện pháp giảm đau khác.
Nội soi (từ dạ dày vào) nong làm rộng ống tụy (cùng phần đi chung ống mật) - nhằm làm giảm áp lực bên trong ống, có thể cải thiện cảm giác đau. Sau khi nong có thể đặt tại chỗ một đoạn ống thông (bằng kim loại hoặc plastic) hoặc đặt ống thông dẫn đưa ra ngoài qua lỗ mũi.
Phương pháp nội soi: Nhằm mục đích giảm áp lực tăng cao trong lòng ống tụy do viên sỏi làm tắc nghẽn, có thể cải thiện triệu chứng đau ở một số bệnh nhân.
Tán sỏi tụy: Sỏi tụy thường kẹt sau 1 chỗ hẹp trên ống tụy và thông thường cần phải tiến hành cắt cơ vòng bên dưới và nong rộng chỗ hẹp để kéo sỏi ra. Tán sỏi ngoài cơ thể có thể được áp dụng để phá vỡ các viên sỏi kẹt hoặc từ kích thước lớn thành những mảnh nhỏ hơn, có thể được kéo ra ngoài. Kỹ thuật được thực hiện thành công ở 60% trường hợp, biến chứng có thể gặp ở 20%. 70% bệnh nhân cho thấy cải thiện triệu chứng rõ rệt sau can thiệp.Phẫu thuật: Thông thường đặt ra với bệnh nhân không đáp ứng các biện pháp giảm đau khác và có ống tụy giãn. Có hai phương pháp phẫu thuật thường áp dụng:
- Phẫu thuật giảm áp: Thực hiện nối thông chiều dài ống tụy chính với đoạn đầu ruột non, sau khi gỡ lấy các viên và mảnh sỏi tụy lớn làm tắc nghẽn. Đoạn ruột nối vào đóng vai trò như một cầu dẫn dịch tụy vừa tiết ra xuống thẳng ống tiêu hoá, giảm áp lực trong lòng ống tụy. Phương pháp này có hiệu quả ở 80% bệnh nhân.
- Cắt bỏ phần đầu tụy: Vốn được cho là nguyên nhân chính gây tắc hẹp ống tụy và cả ống mật về sau; cũng là nơi được cho khởi phát cảm giác đau. Kết quả giải quyết cũng như dự phòng diễn biến tắc mật cũng như giảm đau, tuy không phải tất cả trường hợp đều được điều trị đau bền vững.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: emedicine.medscape.com, uptodate.com, Aussilhou B, Cherif R, Dokmak S, Sauvanet A. Dérivation chirurgicale du canal de Wirsung dans la pancréatite chronique. EMC - Techniques chirurgicales - Appareil digestif 2016;11(2):1-14 [Article 40-881].