Gai đốt sống c5 c6 ảnh hưởng thế nào?

Dựa vào các số liệu đã được thống kê có thể thấy gai đốt sống cổ là một bệnh lý tương đối phổ biến và số lượng người mắc gia tăng từng ngày trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Bệnh nhân có thể sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Gai cột sống là một bệnh liên quan đến xương khớp, bệnh này xảy ra khi có sự lắng đọng canxi quá nhiều trong cơ thể và tạo ra các gai xương. Ngoài ra, có những chấn thương vùng sụn khớp như: chấn thương dây chằng, thoái hóa cột sống cũng tác động gây hình thành bệnh. Đặc điểm của phần gai xương này đó là xuất hiện ở hai bên của đốt sống, đĩa sụn,...

1. Gai cột sống thường xảy ra ở những vị trí nào?

Bệnh này thường xảy ra ở vùng cột sống cổ và cột sống thắt lưng, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và quá trình sinh hoạt của bệnh nhân.

1.1 Gai đốt sống cổ

Đối với những bệnh nhân bị gai đốt sống cổ, các triệu chứng xuất hiện thường thấy là vùng chẩm ở đằng sau gáy đau liên tục trong nhiều ngày và tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân tiếp tục xuất hiện những cơn đau ở những phần khác như xương bả vai và thậm chí còn bị tê ở vùng cánh tay.

Bệnh gai đốt sống cổ nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh nhân hàng ngày. Cánh tay bị tê làm hạn chế vận động của người bị bệnh. Trong đó, đa số những người mắc bệnh sẽ bị gai đốt sống C5, C6.

1.2 Gai cột sống lưng

Cấu tạo giải phẫu của cơ thể người, cột sống thắt lưng có 5 đốt, được kí hiệu theo thứ tự lần lượt là L1, L2, L3, L4 và L5. Vị trí đốt sống L4, L5 là nơi các bác sĩ thường phát hiện bệnh nhân bị gai cột sống lưng.

Khi bị gai cột sống lưng, người bệnh sẽ thấy được những triệu chứng như thắt lưng bất ngờ bị đau, tuy nhiêu triệu chứng này sẽ nhanh chóng kết thúc. Mỗi khi người bệnh vận động mạnh, cơn đau sẽ ập đến ngay và tiếp tục dày vò. Một số trường hợp bị đau ở lưng và lan ra ở các vùng khác trên cơ thể: mông, hông, cổ chân,...

2. Gai đốt sống C5, C6 ảnh hưởng thế nào?

Đây là một trong những bệnh lý rất phổ biến, thường gặp nhất ở đối tượng người cao tuổi. Các biến chứng gai đốt sống C5, gai đốt sống C6 cũng thật sự đáng lo ngại đối với sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, cụ thể như:

  • Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lên não: do bị chèn ép bởi các gai xương nên lượng máu lưu thông lên não rất kém ổn định thậm chí có thể bị thiếu hụt, nên bệnh nhân thường hay bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,...
  • Mất cảm giác, tê bì, yếu chi: Khi tủy sống bị chèn ép, bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện tê bì, các khớp vai bị yếu và sau đó còn lan dần xuống hai cánh tay đến bàn tay, khó có sự phối hợp với phần thân dưới,...
  • Có sự rối loạn tiểu tiện, bại liệt: Khi bệnh nhân đang ở mức độ bị thoái hóa nặng sẽ có nguy cơ có sự rối loạn tiểu tiện, bị liệt ở một hoặc cả hai tay, chân do bị dồn nén trên dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép.

3. Chẩn đoán gai đốt sống cổ

Có thể chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh, khi có nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như sau:

  • Chụp X-quang được sử dụng để kiểm tra các gai xương cũng như các bất thường khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể cung cấp các hình ảnh chi tiết hơn về các đốt sống cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp cho bác sĩ có thể xác định được vị trí của các dây thần kinh bị chèn ép.
  • Điện cơ (EMG) được sử dụng trong trường hợp cần kiểm tra xem các dây thần kinh của bệnh nhân có hoạt động bình thường không khi gửi tín hiệu đến các cơ của bệnh nhân.

4. Điều trị gai đốt sống cổ

Nếu có tổn thương tủy sống hoặc có các bệnh lý rễ thần kinh kháng trị sẽ có chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ cung sau của cột sống cổ. Chỉ định này sẽ được thực hiện khi bệnh nhân đã được bác sĩ thăm khám và có tư vấn chuyên môn.

Nếu bệnh nhân chỉ có biểu hiệu hội chứng rễ, chỉ định sử dụng NSAID và nẹp cổ mềm, tuy nhiên nếu cách tiếp cận này không hiệu quả có thể cần phải phẫu thuật.

Phẫu thuật được chỉ định khi đau khó chữa hoặc có sự tổn thương tủy sống (rối loạn chức năng bàng quang và ruột, yếu cơ thể tiến triển).

5. Cách phòng bệnh gai đốt sống cổ hiệu quả

Để phòng bệnh, cần phải luôn chú ý vận động đúng tư thế, tránh làm những việc quá nặng hoặc làm việc quá sức kéo dài trong một khoảng thời gian. Đặc biệt ở các đối tượng là nhân viên văn phòng, thường xuyên ngồi làm việc thì nên dành chút thời gian để thay đổi tư thế hoặc vận động một cách nhẹ nhàng để tránh đau mỏi. Khi ngồi, không nên gập cổ hay gù lưng vì những điều này sẽ khiến cơ thể bị đau mỏi và hình thành nên bệnh.

Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, tập đúng cách để có thể có một cơ thể dẻo dai và bộ xương chắc khỏe. Những môn thể thao thích hợp như chạy bổ, yoga, bơi lội.

Cần dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi để cơ thể có thời gian hồi phục từ đó làm việc được tốt hơn.

Bệnh gai cột sống sẽ không thể hình thành nếu bản thân biết xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, lành mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe