Dị ứng mạt bụi hay còn gọi là dị ứng mạt nhà, là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các khu vực đô thị. Khi tiếp xúc với các chất thải của mạt bụi, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng quá mức, dẫn đến các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, thậm chí là khó thở.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Triệu chứng dị ứng mạt bụi
Những dấu hiệu của viêm mũi do dị ứng mạt bụi bao gồm:
- Hắt hơi.
- Sổ mũi.
- Mắt ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt.
- Nghẹt mũi.
- Ngứa ở mũi, vòm miệng, hoặc họng.
- Chảy dịch mũi xuống họng.
- Ho.
- Cảm giác nặng và đau ở vùng mặt.
- Trẻ nhỏ thường có thói quen dùng tay cọ mũi.
Nếu mạt bụi gây dị ứng và dẫn tới hen suyễn, những triệu chứng phổ biến là:
- Khó thở.
- Đau ngực hoặc cảm thấy tức ngực.
- Khi thở ra, nghe thấy âm thanh rít hoặc khò khè.
- Khó ngủ vì khó thở, ho hoặc khò khè.
- Các cơn ho hoặc khò khè trở nên nặng hơn do nhiễm virus đường hô hấp như cúm hoặc cảm lạnh.
Mức độ của dị ứng mạt bụi có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Dị ứng mạt nhà ở mức nhẹ thường chỉ gây chảy nước mắt, chảy mũi và hắt hơi. Nhưng với những trường hợp dị ứng mạt nhà nặng hơn, người bệnh phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài (mãn tính), bao gồm hắt hơi, ho, nghẹt mũi, nặng mặt liên tục và có thể là đợt hen cấp nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân gây dị ứng mạt nhà
Dị ứng là hiện tượng khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tác nhân bên ngoài như phấn hoa, lông động vật hay mạt bụi. Hệ miễn dịch sẽ tạo ra các loại protein được gọi là kháng thể, có nhiệm vụ bảo vệ chúng ta khỏi những yếu tố xâm nhập có thể gây bệnh hoặc nhiễm trùng.
Khi một người bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ sản xuất kháng thể xem dị nguyên này là mối nguy hiểm, mặc dù thực tế chúng không gây hại. Khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng viêm ở đường mũi hoặc phổi. Việc tiếp xúc lâu dài hoặc thường xuyên với dị nguyên có thể dẫn đến viêm mãn tính, từ đó gây ra bệnh hen suyễn.
Mạt bụi sống bằng cách ăn các chất hữu cơ như tế bào da chết và thay vì uống nước, chúng hấp thụ nước từ không khí ẩm. Rất ít người biết rằng, bụi trong nhà chứa cả chất thải và xác mạt bụi, mà các protein từ chúng chính là nguyên nhân gây dị ứng mạt bụi.
Tuy chúng ta có dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, mạt bụi vẫn sinh sôi nảy nở một cách đáng kinh ngạc. Đặc biệt, phòng ngủ chính là môi trường lý tưởng để chúng phát triển mạnh. Giường, thảm và đệm với độ ẩm cao, là nơi sống lý tưởng cho mạt bụi sinh sống.
3. Yếu tố nguy cơ gây dị ứng
Các yếu tố dưới đây làm gia tăng khả năng bị dị ứng mạt nhà, gồm có:
- Tiền sử gia đình. Nếu nhiều thành viên trong gia đình chúng ta bị dị ứng mạt nhà, nguy cơ ta bị dị ứng mạt bụi sẽ cao hơn.
- Tiếp xúc với mạt bụi. Tiếp xúc với số lượng lớn mạt bụi, đặc biệt là trong những năm đầu đời, sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng mạt nhà.
4. Biến chứng
Dị ứng mạt bụi có thể gây ra các biến chứng như:
- Viêm xoang: Viêm mãn tính ở các mô đường mũi do dị ứng với mạt bụi, có thể làm tắc nghẽn xoang và tăng nguy cơ viêm nhiễm xoang (Viêm xoang).
- Hen suyễn: Người mắc hen suyễn kèm theo dị ứng mạt nhà thường khó kiểm soát các triệu chứng hen, dễ lên cơn hen cấp tính, đòi hỏi phải có sự can thiệp y tế ngay lập tức hoặc điều trị khẩn cấp.
5. Làm thế nào để cải thiện tình trạng dị ứng mạt bụi?
- Để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng dị ứng mạt nhà, việc giảm thiểu tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng là vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ đồ dùng, đặc biệt là chăn màn gối nệm.
- Song song đó, việc sử dụng các loại thuốc kháng histamine, corticosteroid dạng xịt mũi, thuốc chống nghẹt mũi hoặc các loại thuốc kết hợp có thể giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi.
6. Khi nào nên đi khám bác sĩ
Một số triệu chứng và biểu hiện của dị ứng mạt bụi, chẳng hạn như hắt hơi và chảy nước mũi, dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Đôi khi thật khó để phân biệt giữa cảm và dị ứng mạt nhà.
Nếu các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần, rất có thể chúng ta đang bị dị ứng mạt nhà. Trong trường hợp có các triệu chứng nặng hơn – như nghẹt mũi nhiều, thở khò khè hay khó ngủ – mọi người cần đi khám ngay. Hãy đến phòng cấp cứu nếu tình trạng thở khò khè hoặc khó thở trở nên nghiêm trọng hoặc nếu mọi người cảm thấy khó thở dù chỉ sau khi thực hiện những hoạt động nhẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org