Điều trị mụn trứng cá đỏ

Da mặt bị mụn trứng cá đỏ là bệnh lý mạn tính với biểu hiện ban đỏ ở vùng trung tâm của gương mặt với độ tuổi mắc bệnh từ 30 – 60 tuổi. Đây là loại thương tổn có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn và gây ra nhiều ảnh hưởng về thẩm mỹ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số triệu chứng và các phương pháp trị mụn trứng cá đỏ.

1. Mụn trứng cá đỏ là gì?

Trứng cá đỏ được chia ra thành nhiều thể bệnh khác nhau với những biểu hiện bệnh đa dạng. Hình ảnh tổn thương đặc trưng của trứng cá đỏ bao gồm những nốt mụn đỏ viêm hoặc có thể chứa mủ xuất hiện vào những đợt bùng phát. Vị trí phân bố chủ yếu tại vùng mũi, hai bên má và trán. Có nhiều trường hợp bệnh xảy ra khi đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và xảy ra theo quy luật đều đặn như vậy.

Độ tuổi mắc bệnh trứng cá đỏ ước tính trong khoảng tuổi 30-60 và thường xuất hiện ở những người màu da sáng, mắt xanh, tóc vàng.

Có một số mối liên hệ di truyền trong bệnh trứng cá đỏ và những người mà tiền căn gia đình có người mắc trứng cá đỏ thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nhưng thường bệnh diễn biến nặng hơn ở nam giới.

2. Mụn trứng cá đỏ xảy ra do nguyên nhân nào?

Cho đến hiện nay thì nguyên nhân chính xác gây ra trứng cá đỏ vẫn chưa được xác định rõ, các nhà khoa học nghiên cứu về hướng do yếu tố di truyền và môi trường sinh sống. Ngoài ra có một số nguyên nhân được coi là tác nhân gây ra triệu chứng trứng cá đỏ nặng nề hơn như:

  • Ăn thực phẩm cay nóng.
  • Sử dụng thức ăn có chứa tinh chất cinnamaldehyde, ví dụ như quế, chanh, cà chua, socola.
  • Uống cà phê hay trà nóng.
  • Nhiễm phải vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc Bacillus oleronicus.
  • Cơ thể bị ký sinh trùng nang lông (Demodex) tấn công.

Cho đến hiện nay thì nguyên nhân chính xác gây ra trứng cá đỏ vẫn chưa được xác định rõ
Cho đến hiện nay thì nguyên nhân chính xác gây ra trứng cá đỏ vẫn chưa được xác định rõ

3. Biểu hiện của mụn trứng cá đỏ

Bệnh lý trứng cá đỏ xuất hiện chủ yếu ở mặt và da đầu với 4 giai đoạn gồm:

3.1. Giai đoạn tiền trứng cá đỏ

Giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy vùng bị tổn thương trên gương mặt có cảm giác nóng bừng kèm theo đỏ mặt và có cảm giác châm chích khó chịu. Một số các tác nhân gây ra đợt bùng phát có thể do ánh nắng mặt trời, stress, gió, chế độ ăn uống. Những triệu chứng này vẫn còn tồn tại trong những giai đoạn khác của bệnh.

3.2. Giai đoạn mạch máu

Trên mặt xuất hiện những mảng ban đỏ kèm theo phù nề và giãn mao mạch nhỏ trên da do quá trình vận mạch có nhiều rối loạn.

3.3. Giai đoạn viêm

Xuất hiện tình trạng sẩn và có thể kèm theo các nốt mụn mủ vô khuẩn làm cho một số trường hợp bị chẩn đoán nhầm thành bệnh lý mụn trứng cá ở người lớn.

3.4. Giai đoạn muộn

Đây là giai đoạn có thể xảy ra ở một số bệnh nhân với sự tăng sinh tuyến bã kết hợp với viêm mô mô ở má và mũi gây ra hiện tượng mũi sư tử.

Mụn trứng cá đỏ xuất hiện ở vùng quanh mắt thường kết hợp với trứng cá đỏ mặt và kết hợp với viêm kết mạc màng mắt, viêm mống mắt, viêm kết mạc và giác mạc, phù mắt.

Hiện nay có 4 thể bệnh của trứng cá đỏ và mỗi thể có những đặc điểm khác nhau về tổn thương:

  • Trứng cá đỏ thể giãn mạch (Erythematotelangiectatic rosacea): có biểu hiện là đỏ bừng da mặt, mạch máu, da nhạy cảm dễ tổn thương, cảm giác châm chích, khô ráp, tróc vảy.
  • Trứng cá đỏ thể sẩn hoặc mụn mủ (Papulopustular or rosacea): Đây là thể bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với mụn trứng cá do có triệu chứng khá giống và xảy ra ở phụ nữ tuổi từ 40-50. Biểu hiện với tình trạng da đỏ, da nhờn, nhạy cảm và có thể nhìn thấy những mạch máu dưới da rất rõ.
  • Trứng cá đỏ thể mũi to (rhinophyma): Đây là thể bệnh hiếm gặp với biểu hiện da dày kèm theo sần ở vùng mũi, lỗ chân lông to và các mạch máu giãn rộng. Thể này thường gặp ở nam giới và có xu hướng kết hợp với các thể khác của trứng cá đỏ.
  • Trứng cá đỏ thể kèm theo biểu hiện mắt (ocular rosacea): Biểu hiện chủ yếu là mắt đỏ kèm theo chấm xuất huyết, cảm giác khô nóng và châm chích vùng mắt, có thể nhạy cảm với ánh sáng hoặc suy giảm thị lực.

4. Chẩn đoán mụn trứng cá đỏ

Do bệnh không có những triệu chứng đặc trưng, nên việc chẩn đoán trứng cá đỏ vào giai đoạn đầu của bệnh đôi khi rất khó. Có 4 tiêu chuẩn cơ bản để chẩn đoán gồm:

  • Rối loạn vận mạch.
  • Xuất hiện ban đỏ ở mặt.
  • Có sẩn mủ.
  • Có hiện tượng giãn mạch.

Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như cảm giác châm chích, bỏng rát vùng mặt, khô da, phù mặt, tổn thương ở vùng mắt. Cần chú ý những bệnh nhân sau khi điều trị với corticoid rất dễ xuất hiện bệnh trứng cá đỏ, đặc biệt những người tự mua thuốc về để bôi mà không có chỉ định của bác sĩ và đây là thể khó điều trị do phải phụ thuộc vào thuốc.

Chẩn đoán phân biệt bệnh trứng cá đỏ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Cần phân biệt với các bệnh như mụn trứng cá thông thường, viêm da đầu, lupus ban đỏ hệ thống.


Sử dụng các loại sữa rửa mặt có độ pH trung tính để mụn trứng cá đỏ
Sử dụng các loại sữa rửa mặt có độ pH trung tính để mụn trứng cá đỏ

5. Điều trị mụn trứng cá đỏ như thế nào?

Mụn trứng cá đỏ là một loại bệnh mạn tính tiến triển theo thời gian qua nhiều tháng nhiều năm. Bệnh có thể được điều trị nếu loại bỏ đi các yếu tố nguy cơ, đồng thời kết hợp sử dụng thêm các thuốc bôi tại chỗ và toàn thân giúp làm giảm các cơn bốc hỏa vùng mặt, làm khô sẩn mủ và cải thiện thẩm mỹ da.

5.1. Điều trị tại chỗ

  • Sử dụng các loại sữa rửa mặt có độ pH trung tính kèm theo các loại dung dịch xịt khoáng hằng ngày.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm kem dưỡng có nhiều thành phần nhân tạo dễ gây ra kích ứng da.
  • Tránh những sản phẩm có chứa các loại bột kim loại, acid palmelic, acid oleic,... với tác dụng làm sáng da.
  • Không sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm cũ đã sử dụng hơn 6 tháng
  • Những bệnh nhân phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên thì cần sử dụng kem chống nắng hàng ngày.
  • Có thể dùng thuốc bôi tại chỗ như Metronidazole hoặc một số loại thuốc như benzoyl pezoxyde, kem permethrine 5% có tác dụng diệt ký sinh trùng demodex theo chỉ định của bác sĩ.

5.2. Điều trị toàn thân

Sử dụng các nhóm kháng sinh toàn thân như nhóm cycline, macrolides, metronidaziole. Đối với bệnh nhân bị nhiễm nhiều demodex có thể sử dụng Ivermectine theo chỉ định của bác sĩ.

Có thể sử dụng phương pháp trị liệu bằng laser như KTP, argon, Vbeam hoặc phục hồi lạnh cho những bệnh nhân giãn mạch, có nhiều u xơ.

6. Cần làm gì để hạn chế các triệu chứng của trứng cá đỏ?

Đối với người mắc phải mụn trứng cá đỏ, cần lưu ý một số điều để hạn chế sự tiến triển triệu chứng bệnh bằng cách:

  • Nên tránh dùng rượu, bia thường xuyên.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Dùng các sản phẩm làm sạch da và dưỡng da dịu nhẹ có chứa thành phần chủ yếu là nước, tránh những sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh.
  • Khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Khi thực hiện các phương pháp điều trị da cần đến những cơ sở y tế uy tín được thực hiện bởi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe