15 cách để hạn chế cơn bùng phát bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến (PsA) là bệnh lý tự miễn dịch suốt đời có thể gây viêm da, khớp, cột sống và gân. Mặc dù thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh được các đợt bùng phát. Nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bùng phát và biết cách kiểm soát các triệu chứng có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu. Bài viết này sẽ đưa ra các cách để hạn chế cơn bùng phát bệnh viêm khớp vảy nến.

1. Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một bệnh viêm mãn tính của khớp, vị trí gân và dây chằng kết nối với xương. Giống như bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến có liên quan đến các tình trạng sức khỏe liên quan (bệnh đi kèm).

Viêm khớp vảy nến có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi từ 30 đến 50. Đối với nhiều người, bệnh bắt đầu khoảng 10 năm sau khi bệnh vảy nến phát triển, nhưng một số phát triển bệnh viêm khớp vảy nến đầu tiên hoặc không bao giờ phát triển hoặc nhận thấy bệnh vảy nến.

Mặc dù không có cách chữa trị, nhưng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị để giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, giảm đau, bảo vệ khớp và duy trì phạm vi vận động. Nếu bạn có hoặc nghi ngờ mình có thể bị bệnh viêm khớp vảy nến, điều cực kỳ quan trọng là phải đi khám để tìm ra phương án điều trị phù hợp.


bệnh viêm khớp vảy nến có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào
bệnh viêm khớp vảy nến có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào

2. Các cách để hạn chế cơn bùng phát bệnh viêm khớp vảy nến.

Để đối phó với các triệu chứng viêm khớp vảy nến khi bùng phát, bạn có thể áp dụng các cách biện pháp sau:

2.1. Chườm lạnh

Túi chườm lạnh là cứu cánh khi các khớp tay, chân sưng tấy, đau nhức. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần cho đá viên vào túi có khóa zip hoặc chỉ cần lấy một túi rau đông lạnh nhưng hãy nhớ rằng bạn luôn quấn một chiếc khăn trước khi đắp lên da và không chườm quá 10 phút mỗi lần. Đối với cơn đau chân, nó sẽ thuyên giảm nếu lăn chân qua lại trên một chai nước đông lạnh.

2.2. Làm ấm các khớp

Ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc chườm nóng lên các khớp bị đau. Hơi nóng làm giảm sưng tấy, cải thiện lưu lượng máu và tạo cảm giác thoải mái cho bạn. Nhưng đừng để nước tắm quá nóng hoặc ở trong bồn tắm quá lâu, vì nó có thể làm khô da và khiến tình trạng phát ban của bệnh vảy nến trở nên trầm trọng hơn. Khi bạn tắm, hãy thêm bột yến mạch hoặc muối biển để làm dịu làn da bị viêm, ngứa của bạn.

2.3. Hạn chế đồ ăn vặt

Tránh thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và muối vì chúng có thể khiến bạn cảm thấy uể oải. Thay vào đó, hãy ăn các loại thực phẩm chống viêm, như trái cây tươi, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho bệnh viêm khớp vảy nến mà còn có thể giúp bạn giảm cân.

2.4. Quản lý căng thẳng

Bạn thường cảm thấy mình bị áp lực? Nó có thể tạo nên các đợt bùng phát bệnh. Cố gắng dành thời gian cho một việc gì đó thư giãn mỗi ngày như tham gia một lớp học yoga, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè đi uống cà phê hoặc đọc sách trong 30 phút. Nói chuyện với một nhà trị liệu cũng có thể hữu ích.

2.5. Cố gắng vận động

Tập thể dục thường xuyên có thể làm dịu cơn đau, cải thiện tâm trạng, nâng cao mức năng lượng và giúp bạn ngủ ngon hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đi bộ hàng ngày quanh khu nhà. Các bài tập thể dục khác tốt cho bệnh viêm khớp vảy nến là bơi lội và đạp xe. Lưu ý là bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu và đảm bảo rằng bạn thực hiện vận động nhẹ nhàng lúc đầu trước khi tăng cường độ tập.

Khi bạn trong giai đoạn bệnh cấp tính, bạn nên giảm cường độ vận động, đảm bảo rằng bạn được nghỉ ngơi và yêu cầu trợ giúp nếu bạn cần. Điều quan trọng nhất lúc này là lắng nghe cơ thể và chăm sóc bản thân.


Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm khớp vảy nến
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh viêm khớp vảy nến

2.6. Đặt giấc ngủ thành ưu tiên

Điều tối quan trọng là phải nghỉ ngơi đầy đủ khi đợt bệnh bùng phát. Nếu các triệu chứng của bạn khiến bạn khó nhắm mắt, một vài thay đổi đơn giản có thể giúp bạn ngủ ngon hơn:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày.
  • Ngủ trong phòng tối và mát mẻ.
  • Cắt giảm caffeine sau bữa trưa.
  • Không sử dụng đồ điện tử trong phòng ngủ.

2.7. Thử các phương pháp châm cứu

Một số người nói rằng phương pháp châm cứu đông y giúp họ giảm đau khớp mặc dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu. Các giải thiết chỉ ra rằng cơ thể tiết ra chất giảm đau tự nhiên như serotonin khi đưa những chiếc kim siêu nhỏ vào da. Ngoài ra, châm cứu cũng rất tốt để thư giãn và giảm căng thẳng.

2.8. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ

Bộ công cụ phù hợp có thể hữu ích khi trong giai đoạn bùng phát của bệnh khiến các hoạt động hàng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn. Có những thiết bị giúp bạn tắm hoặc đi vệ sinh dễ dàng hơn hoặc thoải mái hơn khi ngồi trên ghế. Nói chuyện với bác sĩ của bạn để được gợi ý.

2.10. Chia sẻ với mọi người về tình trạng bệnh của bạn

Mọi người có thể không rõ ràng rằng bạn đang trong đợt cấp của bệnh. Hãy cho gia đình và bạn bè của bạn biết rằng bạn cần nghỉ ngơi, giảm bớt công việc cho đến khi các triệu chứng bệnh được kiểm soát. Bạn cũng có thể tham gia nhóm hỗ trợ để nhận được lời khuyên từ những người khác hiểu rõ những gì bạn đang trải qua.

2.11. Bài tập kéo giãn

Nếu bạn cảm thấy căng cứng và đau nhức khi thức dậy hoặc sau khi ngồi vào bàn làm việc một lúc thì một vài động tác vươn vai nhẹ nhàng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn cách thực hiện tại nhà hoặc tại cơ quan để giữ cho cơ bắp của bạn mềm mại và các khớp của bạn linh hoạt. Yoga là một lựa chọn tốt, những chuyển động nhẹ nhàng của yoga có thể khiến bạn thả lỏng. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về cách tìm các lớp học hướng đến những người cần kiểm soát cơn đau.

2.12. Giảm cân nếu cần

Cân nặng tăng thêm có thể gây áp lực hơn cho các khớp và khiến các triệu chứng khó kiểm soát hơn. Ngoài ra, thuốc cũng không hiệu quả nếu bạn nặng hơn mức cần thiết. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về một kế hoạch ăn uống có thể giúp bạn giảm cân.

2.13. Mang giày phù hợp

Đau ở bàn chân là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bệnh viêm khớp vảy nến của bạn có thể đang bùng phát. Hãy tạm dừng những đôi giày khiến ngón chân đau nhức, sưng tấy của bạn bị co cứng, chẳng hạn như giày cao gót hoặc bất kỳ loại giày nào có mũi nhọn. Hãy tìm những loại có đế đệm tốt và hỗ trợ vòm tốt. Một miếng đệm chỉnh hình cũng có thể hữu ích.

2.14. Quay lại với việc sử dụng thuốc

Đừng cắt giảm thuốc trị viêm khớp vảy nến ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn bởi vì các triệu chứng của bạn có thể đã được cải thiện nhưng không có nghĩa là bạn đã khỏi bệnh. Nếu bạn đã ngừng dùng thuốc, điều đầu tiên bạn cần làm là đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc trở lại.

2.15. Giải quyết cơn đau

Thuốc chống viêm như ibuprofen thường có thể làm cho các khớp đau nhức của bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn không nên tự sử dụng thuốc mà nên trao đổi với bác sĩ. Nếu cơn đau nặng, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc kê thêm kháng viêm mạnh như corticoid.

Như vậy, nếu bị viêm khớp vảy nến, bạn có thể áp dụng các cách để hạn chế cơn bùng phát bệnh viêm khớp vảy nến như đã trình bày ở trên. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe