Thuốc Medrol là biệt dược có hoạt chất là methylprednisolon, đây là một glucocorticoid tổng hợp có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, chống tăng sinh tế bào. Thuốc Medrol được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh khác nhau, thuốc cần được kê đơn của Bác sỹ để được sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả.
1. Công dụng của thuốc Medrol
Thuốc Medrol với tác dụng chống viêm và chống dị ứng, ức chế miễn dịch, được chỉ định trong một số bệnh như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Một số thể viêm mạch, viêm động mạch thái dương và viêm quanh động mạch nốt, bệnh sarcoid
- Hen phế quản,
- Viêm loét đại tràng mạn
- Thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt
- Nhữngng bệnh dị ứng nặng gồm cả phản vệ; trong điều trị ung thư, dự phòng và điều trị thải ghép.
2. Cách sử dụng thuốc Medrol
Biệt dược Medrol có hai hàm lượng là 4mg và 16mg.
Liều dùng của thuốc thay đổi tùy thuộc vào bệnh điều trị và theo từng cá thể bệnh nhân. Khoảng liều có thể từ 4mg - 48mg/ ngày, hoặc ở một số bệnh có thể dùng liều rất cao như bệnh đa xơ cứng, phù não, ghép tạng.
Vì các biến chứng của việc điều trị bằng glucocorticoid phụ thuộc vào liều lượng và thời gian điều trị nên bác sỹ kê đơn luôn cân nhắc lợi ích/nguy cơ trong từng trường hợp cụ thể để quyết định liều lượng/thời gian điều trị cũng như chế độ liều hàng ngày hay ngắt quãng.
Methylprednisolon cũng như các corticosteroid khác đều được kê đơn với liều thấp nhất có thể và trong thời gian ngắn nhất có thể mà duy trì được tác dụng điều trị bệnh. Khi cần dùng những liều lớn trong thời gian dài, thuốc có thể được kê theo chế độ liều cách ngày sau khi đã kiểm soát được tiến trình của bệnh để ít gặp phải ADR của thuốc hơn. Nếu muốn ngưng thuốc sau khi điều trị dài ngày thì cần giảm liều từ từ, không ngừng thuốc đột ngột.
Thuốc nên được uống sau bữa ăn hoặc uống cùng bữa ăn/sữa để giảm tác dụng phụ có thể có trên đường tiêu hoá. Nếu thuốc được dùng 1 lần duy nhất trong ngày thì nên uống vào buổi sáng.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Medrol
Thuốc Medrol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đáng chú ý trên một số cơ quan:
- Ức chế tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận cấp độ 3)
- Ức chế sự phát triển của xương
- Tác động lên hệ thần kinh trung ương và tâm thần/hành vi
- Gây ra các tác dụng phụ có đặc điểm giống Cushing/Hội chứng Cushing (tích luỹ mỡ vùng thân, mặt, lưng cổ)
- Tác động lên đường tiêu hóa
- Tăng đường huyết
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng sau thời gian dài điều trị bằng methylprednisolone.
- Tác động lên thần kinh cơ và xương
- Tác động lên mắt: tăng áp lực nội nhãn, bệnh tăng nhãn áp (góc mở) và đục thủy tinh thể sau
Ngoài ra, nhiều tác dụng không mong muốn khác cũng đã được báo cáo với tần số liệt kê khác nhau trong mỗi hệ cơ quan: tim mạch, da, nội tiết và chuyển hoá, tiêu hoá, tiết niệu sinh dục, huyết học, gan, thần kinh, cơ xương, mắt, hô hấp.
Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Medrol mang lại. Tuy nhiên, khi dùng Medrol vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Do vậy, khi có biểu hiện những triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với những dấu hiệu kèm theo như chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, phát ban, sưng hoặc ngứa vùng mặt, cổ họng, lưỡi,... Trong trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để được can thiệp y tế ngay lập tức.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Medrol
Một số lưu ý khi sử dụng Medrol bao gồm:
- Chống chỉ định dùng Medrol với những bệnh nhân nhiễm nấm toàn thân, quá mẫn với Methylprednisolon hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Chống chỉ định sử dụng vắc xin sống hoặc vắc xin giảm độc lực cho bệnh nhân đang dùng liều corticoids ức chế miễn dịch.
- Khi sử dụng corticoid kéo dài trên trẻ em, nên theo dõi cẩn thận sử tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trẻ có thể chậm lớn khi dùng glucocorticoid hàng ngày trong thời gian dài, chỉ dùng cho chỉ định khẩn cấp nhất. Trẻ sơ sinh và trẻ em phải điều trị lâu dài, đặc biệt với liều cao, bằng corticosteroid có nguy cơ tăng áp lực nội sọ, viêm tuỵ.
- Trên phụ nữ có thai và cho con bú, thuốc chỉ nên dùng sau khi được cân nhắc thận trọng về mặt lợi ích – nguy cơ.
- Thuốc Medrol có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, do vậy cần thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm đặc biệt là máu và nước tiểu.
5. Tương tác thuốc Medrol
Methylprednisolon được chuyển hoá qua gan và chủ yếu bởi enzyme CYP3A4, một loại enzyme chính của hầu hết các phân họ CYP trong gan. Vì vậy Methylprednisolon có tương tác với khá nhiều thuốc.
Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc Medrol, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả những loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng bao gồm thuốc không kê đơn, vitamin, thuốc được kê theo đơn và các sản phẩm thảo dược. Khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ không nên tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào.
Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Medrol bao gồm:
- Isoniazid
- Rifampicin
- Thuốc chống đông đường uống
- Carbamazepin
- Phenobarbital
- Phenytoin
- Thuốc chẹn thần kinh cơ
- Thuốc ức chế enzym cholinesterase
- Thuốc chống tiểu đường
- Aprepitant
- Fosaprepitant
- Itraconazol
- Ketoconazol
- Aminogluthimid
- Diltiazem
- Ethinylestradiol/norethindron
- Cyclosporin
- Cyclophosphamid
- Tacrolimus
- Clarithromycin
- Erythromycin
- Troleandomycin
- Aspirin liều cao
- Thuốc làm giảm kali
- Thuốc ức chế HIV protease
6. Cách bảo quản thuốc Medrol
Bảo quản thuốc Medrol ở nhiệt độ phòng dưới 30oC, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.