Cách lột da hóa học chống lão hóa da

Lão hóa da là một quá trình tự nhiên của cơ thể và không có cách nào có thể ngăn lại. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể làm chậm lại quá trình này như lột da hóa học. Đây là một liệu pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ giúp cho làn da trắng sáng, loại bỏ nếp nhăn và chống lão hóa.

1. Tác dụng của lột da hóa học trong ngăn ngừa lão hóa

Da lão hóa là một tiến trình tự nhiên theo tình trạng lão hóa chung của cơ thể, với các biểu hiện thường gặp đó là xuất hiện các nếp nhăn trên da, da chảy xệ, các đám sắc tố, các tổn thương u lành tính và ác tính, dày sừng. Lão hóa da gây ra bởi nhiều yếu tố như các yếu tố nội sinh do di truyền, do gen, các rối loạn chuyển hóa,... hay các yếu tố ngoại sinh như ánh nắng mặt trời, thói quen sinh hoạt, sự ô nhiễm môi trường.

Lột da hóa học hay còn gọi là peel da hóa học là một liệu pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ có từ lâu đời. Peel da hóa học thường được thực hiện trên mặt, cổ hoặc tay có tác dụng làm trẻ hóa da không can thiệp phổ biến trên thế giới. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp này để làm giảm và loại bỏ các nếp nhăn, mang đến một làn da khỏe mạnh, sáng và trẻ trung. Bên cạnh đó, lột da hóa học còn có tác dụng như:

  • Cải thiện sẹo lõm
  • Điều trị một số loại mụn trứng cá
  • Giảm các đốm đồi mồi, tàn nhang và các vết đốm đen
  • Một số tổn thương tiền ung thư như dày sừng ánh sáng, dày sừng da đầu

XEM THÊM: Cách chọn sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa


Lột da hóa học giúp cải thiện làn da lão hóa
Lột da hóa học giúp cải thiện làn da lão hóa

2. Cách lột da hóa học chống lão hóa

2.1 Lựa chọn phương pháp và mức độ lột da hóa học

Lột da hóa học chống lão hóa cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Phương pháp lột cũng như chăm sóc da sau thủ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của quá trình điều trị. Có nhiều phương pháp lột da hóa học khác nhau, tuy nhiên còn tùy thuộc tình trạng da và nhu cầu điều trị. Những mức độ lột da hóa học bao gồm:

  • Lột nông và rất nông: loại bỏ lớp sừng với độ sâu là 0,06 -0,45mm. Lột da mức độ nông được sử dụng để điều trị nếp nhăn nhỏ, khô, màu sắc không đều và mụn trứng cá. Dung dịch được sử dụng cho lột nông thường bao gồm acid alpha hydroxy như acid glycolic, acid lactic, acid salicylic,... Lột da nông là biện pháp rất phù hợp cho những người muốn cải thiện tình trạng da nhưng không có thời gian cần thiết để da phục hồi từ các thủ thuật lột da sâu hơn.
  • Lột mức độ trung bình: tiếp cận đến lớp biểu bì nhú với chiều sâu là 0,6mm. Đối với da bị tổn thương nhiều hơn do ánh nắng mặt trời được khuyến cáo sử dụng các quy trình lột trung bình để đưa sản phẩm ngấm sâu hơn. Tuy nhiên, mức độ lột da trung bình có thể gây đỏ da tùy thuộc và các vùng điều trị và da sẽ trở về bình thường sau 6-7 ngày điều trị.
  • Lột mức độ sâu: là loại bỏ da đạt đến lớp hạ bì trung bình với chiều sâu khoảng 0,8mm. Thủ thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ nếp nhăn sâu trên da mặt và sẹo trứng cá. Đây là thủ thuật mạnh và được thực hiện bởi những bác sĩ dày kinh nghiệm. Vì lột da sâu có thể làm giảm sắc tố hoặc làm trắng và thay đổi da nên việc kết hợp của lột sâu và trung bình thường được khuyên dùng.

Lột da hóa học được thực hiện bằng cách sử dụng các dung dịch acid khác như như acid salicylic, acid lactic, acid glycolic,... lên trên bề mặt da. Thông qua cơ chế thúc đẩy glucosaminoglicans, các nguyên bào sợi và tái tạo chất elastin và collagen để tẩy da chết, làm sạch và tái tạo da. Peel da hóa học có thể sử dụng đơn chất hoặc đa chất để làm tăng tác dụng của lột da với một số bệnh da liễu kèm theo khác nhau.

Ngoài ra, lột da hóa học chống lão hóa có thể được kết hợp với các biện pháp khác nhau như tẩy da chết sinh học, lột da cơ học, lăn kim và để làm tăng hiệu quả điều trị ngăn ngừa da lão hóa và các bệnh được chỉ định lột da. Trong lột da B-tox có sử dụng các sản phẩm lột da từ chất tự nhiên và chất khoáng từ loại san hô được đưa vào vi kim để dẫn thuốc qua lớp sừng nhằm tăng tác dụng lột và trẻ hóa làn da.

XEM THÊM: Retinoids cho da chống lão hóa

2.2 Quy trình lột da hóa học

Bước đầu tiên trong quy trình peel da hóa học đó là làm sạch da và gây tê nếu cần. Dung dịch tẩy da chết peeling gel sẽ được bôi lên da và giữ lại trong khoảng vài phút cho đến 1 giờ tùy thuộc vào loại và hiệu lực của dung dịch peel cũng như mức độ nhạy cảm của da. Bệnh nhân thường cảm thấy ngứa, nóng rát và châm chích mức độ từ nhẹ đến vừa.

Một khi đã hoàn tất công đoạn bôi peel gel, bác sĩ sẽ đắp một miếng gạc lạnh lên da để trung hòa acid. Sau đó vệ sinh sạch sẽ mặt, chườm nước mát và bôi kem dưỡng ẩm, kem chống nắng. Với các quy trình tẩy da chết peel mức nhẹ đến vừa, bạn có thể được gây tê tại chỗ để quá trình thực hiện trở nên dễ chịu hơn. Với những quy trình tẩy da peel rất sâu, bác sĩ thậm chí phải kết hợp gây tê tại chỗ cùng với thuốc an thần cho người bệnh.


Sau liệu trình lột da hóa học, bạn cần duy trì thói quen sử dụng kem chống nắng
Sau liệu trình lột da hóa học, bạn cần duy trì thói quen sử dụng kem chống nắng

2.3 Tần suất thực hiện lột da hóa học

Các quy trình peel da hóa học nhẹ có thể được điều trị lặp lại vài tuần 1 lần cho đến khi có kết quả như ý muốn. Peel da hóa học mức trung bình cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng hơn giữa các lần điều trị, nhưng các quy trình điều trị lặp lại sẽ giúp cải thiện và kéo dài kết quả. Một số chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên thực hiện quy trình peel da hóa học duy trì hằng năm để chống lão hóa.

Tóm lại, lão hóa da là một tiến trình tự nhiên theo tuổi tác và tình trạng lão hóa chung của cơ thể. Lột da hóa học là một phương pháp điều trị da liễu giúp làm chậm quá trình này, bên cạnh đó chúng có tác dụng loại bỏ tàn nhan, nếp nhăn và chống da lão hóa. Có nhiều mức độ lột da hóa học khác nhau và phụ thuộc vào tình trạng da cũng như nhu cầu điều trị. Vì vậy, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được tư vấn và có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe