Công dụng của thuốc Amdepin Duo

Tăng huyết áp và rối loạn lipid là hai bệnh lý phổ biến hiện nay và là nguyên nhân dẫn tới các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Amdepin Duo có hai hoạt chất chính là amlodipin và atorvastatin, có thể sử dụng để điều trị tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.

1. Thuốc Amdepin Duo là thuốc gì?

Amdepin Duo có hai thành phần chính là amlodipin 5mg và atorvastatin 10mg. Tác dụng của thuốc phụ thuộc vào công dụng của từng hoạt chất chính. Cơ chế của các hoạt chất cụ thể như sau:

1.1 Amlodipin

Amlodipin là thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi. Nó là dẫn chất của dihydropyridin có tác dụng chẹn kênh calci tuýp L ở cơ trơn động mạch và tim nên làm giảm Ca nội bào, từ đó ngăn chặn sự co thắt cơ trơn mạch máu. Amlodipin có tác dụng hạ huyết áp bằng cách làm giãn cơ trơn động mạch ngoại biên và ít có tác dụng hơn trên kênh calci ở cơ tim. Vì vậy thuốc không ảnh hưởng tới dẫn truyền nhĩ thất và sức co cơ tim. Amlodipin cũng có thể làm giảm sức cản mạch máu thận, do đó làm tăng lưu lượng máu tới thận và cải thiện chức năng thận. Amlodipin không tác động xấu đến nồng độ lipid trong máu hoặc chuyển hóa glucose, do đó có thể dùng amlodipin để điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường.

1.2 Atorvastatin

Atorvastatin là một thuốc thuộc nhóm statin. Thuốc ức chế chọn lọc enzym HMG-CoA-reductase do gan sản xuất, ngăn chặn sự tạo thành acid mevalonic là tiền chất trong quá trình tổng hợp cholesterol nội sinh. Thuốc còn giúp tăng biểu hiện thụ thể lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) trên bề mặt tế bào, làm giảm cholesterol toàn phần, LDL, giảm sản xuất VLDL, triglyceride và có thể làm tăng HDL (loại cholesterol có tác dụng vận chuyển cholesterol từ các mô ngoại biên về gan).

Việc phối hợp cả hai hoạt chất trên có hiệu quả làm giảm huyết áp và giảm LDL-C phụ thuộc liều và không thay đổi tác dụng của bất kỳ thành phần nào so với khi sử dụng từng chất riêng lẻ.


Thuốc Amdepin Duo được dùng trong điều trị một số bệnh lý tim mạch
Thuốc Amdepin Duo được dùng trong điều trị một số bệnh lý tim mạch

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Amdepin Duo

2.1 Chỉ định

Thuốc Amdepin Duo có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

2.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Amdepin Duo trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân suy tim không ổn định.
  • Quá mẫn với amlodipine, atorvastatin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan tiến triển hoặc tăng men gan (> 3 lần mức bình thường) dai dẳng không rõ nguyên nhân.
  • Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp
  • Bệnh nhân đang dùng các thuốc gồm telaprevir, tipranavir + ritonavir.

3. Liều dùng của thuốc Amdepin Duo là gì?

Bạn có thể sử dụng thuốc Amdepin Duo vào bất kỳ thời điểm nào không phụ thuộc vào bữa ăn. Liều khuyến cáo thường là 1 viên/ngày. Tuy nhiên, liều dùng sẽ thay đổi tùy theo khả năng dung nạp của từng cá nhân, mức độ nặng của bệnh. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân theo đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ.


Để phát huy công dụng của thuốc amdepin duo thì người bệnh nên uống thuốc theo hướng dẫn
Để phát huy công dụng của thuốc amdepin duo thì người bệnh nên uống thuốc theo hướng dẫn

4. Làm gì khi dùng quá liều thuốc Amdepin Duo?

4.1 Amlodipin

Quá liều amlodipin có thể gây giãn mạch ngoại vi quá mức và có thể kèm theo nhịp tim nhanh. Hậu quả có thể tụt huyết áp quá mức hay thậm chí là sốc gây tử vong. Sự hấp thu amlodipin giảm đáng kể khi dùng than hoạt ngay hoặc cho đến 2 giờ sau khi uống amlodipin 10mg ở người tình nguyện khỏe mạnh. Trong vài trường hợp có thể cần phải rửa dạ dày. Các bệnh nhân bị hạ huyết áp nặng do quá liều amlodipin, cần phải có các biện pháp hỗ trợ tim mạch tích cực bao gồm việc theo dõi thường xuyên chức năng tim mạch và hô hấp, chú ý đến thể tích tuần hoàn và lượng nước tiểu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc co mạch để phục hồi trương lực mạch máu và huyết áp. Do amlodipin gắn kết nhiều với protein huyết tương nên điều trị bằng thẩm phân không mang lại hiệu quả.

4.2 Atorvastatin

Hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu khi quá liều atorvastatin, vì vậy khi nghi ngờ quá liều thuốc, bệnh nhân cần lập tức đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Do thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương (trên 98%), nên thẩm phân cũng không làm giảm đáng kể nồng độ atorvastatin.

Trong trường hợp quên liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp theo như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều.

5. Tác dụng phụ của thuốc Amdepin Duo là gì?

Các tác dụng không mong muốn khi dùng Amdepin Duo bao gồm:

  • Tiêu hoá: Táo bón, buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy.
  • Thần kinh: Mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, suy giảm nhận thức (như giảm trí nhớ, lú lẫn...).
  • Hô hấp: Hội chứng giống như cúm, viêm hầu, viêm xoang
  • Tim mạch: Đánh trống ngực, hạ huyết áp, tim nhanh
  • Hệ cơ xương khớp: Đau lưng, đau khớp, đau cơ, tiêu cơ.
  • Toàn thân: Phản ứng dị ứng, phù cổ chân, đỏ bừng mặt, chóng mặt.
  • Chuyển hóa: Tăng đường huyết, tăng HbA1c.
  • Khác: Tăng men gan,

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Amdepin Duo là gì?

  • Sử dụng ở bệnh nhân suy tim: Trong một nghiên cứu dài hạn có đối chứng với giả dược sử dụng amlodipin trên những bệnh nhân bị suy tim độ III và VI theo phân loại của NYHA, amlodipin được báo cáo là có liên quan tới việc gia tăng tỷ lệ phù phổi.
  • Ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Cũng tương tự như tất cả các thuốc chẹn kênh calci khác, thời gian bán thải của amlodipin bị kéo dài ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan, do đó cần phải được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân này. Atorvastatin có thể làm tăng men gan, gây tổn thương gan nghiêm trọng với tần suất 1,2 người/100000 người dùng thuốc sau 3-4 tháng điều trị. Do đó cần theo dõi chức năng gan trước khi bắt đầu điều trị và khi bệnh nhân có các dấu hiệu gợi ý tăng men gan (vàng da, nước tiểu sậm màu, mệt mỏi, sụt cân,...)
  • Sử dụng cho người cao tuổi: Thanh thải amlodipin có khuynh hướng giảm ở bệnh nhân cao tuổi do đó dẫn đến hệ quả là tăng AUC và thời gian bán thải của thuốc. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng amlodipin với liều giống nhau cho người già và người trẻ.
  • Bệnh nhân đái tháo đường: Tăng HbA1c và đường huyết lúc đói đã được báo cáo khi sử dụng atorvastatin.
  • Ảnh hưởng trên cơ: Điều trị với statin có nguy cơ gây ra tình trạng đau cơ, bệnh cơ và hiếm khi xảy ra tiêu cơ vân cấp. Cần theo dõi creatine kinase (CK) khi bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện gì của bệnh cơ như đau cơ, yếu cơ, chuột rút. Có thể xét nghiệm CK trước khi điều trị, đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, nhược giáp, tiền sử bệnh gan, uống nhiều rượu, tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh cơ di truyền, tiền sử bị bệnh cơ do sử dụng statin hoặc fibrat trước đó, bệnh nhân cao tuổi có các yếu tố nguy cơ bị đau cơ/tiêu cơ vân,...Trong các trường hợp này cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trên lâm sàng để kịp thời xử trí. Nếu kết quả CK > 5 lần giới hạn trên của giá trị bình thường, không nên bắt đầu điều trị bằng statin cho bệnh nhân. Lưu ý dặn bệnh nhân theo dõi các triệu chứng về cơ như đau cơ, yếu cơ,... Khi có các biểu hiện này, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc do nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Vì vậy cần thận trọng khi bắt đầu điều trị thuốc.
  • Bệnh nhân mang thai: Atorvastatin bị chống chỉ định trong thai kỳ. Có những báo cáo về dị tật bẩm sinh sau khi mẹ sử dụng thuốc statin thai kỳ. Việc ngừng thuốc hạ lipid máu tạm thời trong thời kỳ mang thai được cho là không có tác động đáng kể đến kết quả lâu dài của điều trị tăng cholesterol máu nguyên phát. Atorvastatin nên ngừng ngay lập tức nếu xảy ra mang thai ngoài ý muốn trong khi điều trị.
  • Bệnh nhân đang cho con bú: Hiện vẫn không rõ liệu atorvastatin có trong sữa mẹ hay không. Tuy nhiên lưu ý chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Tương tác thuốc: Một số thuốc khi dùng đồng thời với Amdepin Duo có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi. Ví dụ như phối hợp một số thuốc có thể làm tăng nồng độ Atorvastatin trong máu từ đó dẫn tới nhiều biến cố bất lợi (Erythromycin, clarithromycin, kháng nấm ketoconazol, itraconazol,...). Nồng độ atorvastatin trong huyết thanh cũng có thể tăng lên khi uống nước bưởi chùm. Tốt nhất bạn phải thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn thích hợp.
  • Bảo Quản: Nên bảo thuốc ở nơi khô ráo, dưới 30°C, tránh ánh sáng trực tiếp.

Tóm lại, thuốc Amdepin Duo chứa 2 hoạt chính có tác dụng hạ lipid và hạ huyết áp. Do đó thuốc có thể dùng trong trường hợp tăng huyết áp và rối loạn lipid. Bạn không được tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe