Xương mác chân bị lệch là một trong những tình trạng chấn thương rất hay gặp. Xương mác chân và xương chày là hai xương cấu tạo nên cẳng chân nhưng xương bị lệch, gãy nhiều hơn lại là xương mác vì có kích thước nhỏ. Vì vậy, khi bị lệch xương mác, nhiều người bệnh đã tự hỏi rằng liệu tình trạng này có thể tự khỏi hay không.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Bác sĩ Phục hồi chức năng, Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tổng quan về xương mác chân
Xương mác chân là một xương phụ, có cấu tạo dài, mảnh khảnh và nằm ở ngoài cẳng chân. Vì là xương phụ, người bệnh có thể cắt bỏ tới ⅔ của xương mác mà không ảnh hưởng gì đến chức năng của chi dưới.
Đây là xương rất dễ liền lại, vì thế đây cũng là xương lành nhanh hơn nếu bệnh nhân bị gãy cả hai xương cẳng chân. Tuy nhiên, sự liền lại nhanh chóng của xương này lại cản trở quá trình lành lặn của xương chày.
Ngoài ra, do là xương phụ nên xương chỉ có thể chịu lực nhỏ. Do đó, nếu bị gãy xương mác mà bệnh nhân không bị ảnh hưởng tới khả năng vững cổ chân, người bệnh hoàn toàn có thể di chuyển bình thường. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bó bột nếu xương mác không di lệch quá nhiều.
Nếu bó bột, bệnh nhân cần được bó bột trong khoảng 6 đến 8 tuần. Sau đó, người bệnh có thể bắt đầu tập đi lại và vận động có nạng đỡ. Sau khi không còn thấy đau, bệnh nhân có thể bỏ nạng để đi từng đoạn ngắn sau đó đi dài hơn. Lúc này, bệnh nhân cần tránh vận động bằng chân bị đau quá sớm để tránh tình trạng xương liền không tốt vì lúc này can xương chưa chắc.
2. Xương mác chân bị lệch có tự lành được không?
Bệnh nhân mắc phải tình trạng xương mác chân bị lệch theo thời gian sẽ tự hồi phục trở lại. Tuy nhiên, có những trường hợp người bệnh đã phục hồi sau chấn thương nhưng xương mác lại cong do không phải bệnh nhân nào cũng có xương mác thẳng.
Tuy vậy, xương mác nếu bị gãy và can lệch cũng không ảnh hưởng tới khả năng vận động của người bệnh. Trong trường hợp lệch ít chỉ vài milimet, can xương có thể mọc nối qua hai đầu xương và không để lại di chứng gì.
Thời gian liền xương trung bình là từ 1 đến 2 tháng tuỳ vào các yếu tố như:
- Mức độ gãy.
- Có nhiễm trùng hay không.
- Bệnh nhân có đang bị tiểu đường không.
- Có béo phì, suy dinh dưỡng hay không.
- Độ tuổi của người bệnh.
- Bệnh nhân có hút thuốc lá hay không.
Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian lành xương của bệnh nhân.
Đối với vấn đề dinh dưỡng, người bệnh có xương mác chân bị lệch cũng không cần phải kiêng cử bất kỳ thức ăn gì và chỉ cần không hút thuốc. Hút thuốc lá có thể khiến tình trạng lành xương trở nên lâu hơn. Cùng với đó, bệnh nhân nên tránh uống đồ có cồn để tránh té ngã do say xỉn.
Việc tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng canxi cao như hải sản hay uống thêm thuốc/sữa bổ sung canxi cũng không được chứng minh là tăng khả năng liền xương hay rút ngắn thời gian liền xương ở người bệnh trước đây khỏe mạnh.
Vì thế, ăn uống đủ chất là phương pháp tốt nhất cho người bệnh. Quá trình liền xương không chỉ cần canxi mà còn cần các vi khoáng chất, vitamin, đạm cùng một số chất khác. Cùng với đó, nếu bệnh nhân đang gặp các vấn đề xương khớp cũng không được chủ quan. Lúc này, hãy đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị đúng lúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.