Viêm khớp mạn tính ở tuổi thiếu niên

Viêm khớp mãn tính không chỉ là một bệnh lý xuất hiện ở người lớn tuổi mà thực tế, trẻ em ở tuổi thiếu niên cũng có thể mắc phải. Bệnh gồm các thể khác nhau và gây ra triệu chứng riêng biệt, vì thế bệnh nhân cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về bệnh viêm khớp này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Viêm khớp mãn tính thiếu niên là gì?

Viêm khớp mãn tính ở thiếu niên là tình trạng viêm khớp bắt đầu trước 16 tuổi và tiến triển trong ít nhất 3 tháng. Đây là nguyên nhân chính của các bệnh lý viêm khớp ở trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng này thường không nhận được sự quan tâm đúng mức từ người lớn do quan niệm sai lầm rằng chỉ có người già mới mắc các bệnh về khớp.

Bệnh viêm khớp tự phát ở thiếu niên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở các độ tuổi từ 6 - 7 và từ 12 - 15. Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định, các nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố gia đình có thể chiếm từ 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh.

2. Yếu tố nguy cơ gây ra viêm khớp mãn tính

Viêm khớp mãn tính có thể xuất hiện do các yếu tố nguy cơ sau:  

  • Di truyền: Trong gia đình có thành viên mắc viêm khớp mãn tính thì khả năng cao các thành viên còn lại sẽ mắc bệnh lý này.
  • Chấn thương ở khớp: Chấn thương khớp nhiều lần khiến khớp bị hỏng, tăng nguy cơ viêm khớp mãn tính.
  • Béo phì: Béo phì gây sức ép lên các khớp như đầu gối, cột sống và hông là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp.
  • Thói quen sinh hoạt: Thường xuyên ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm… gây ảnh hưởng đến các khớp dễ gây ra tình trạng thoái hóa khớp.
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp mãn tính.
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp mãn tính.

3. Các thể của viêm khớp mãn tính thiếu niên

Viêm khớp mãn tính ở thiếu niên bao gồm bốn thể khác nhau, được phân biệt dựa trên các triệu chứng của bệnh. Việc phân loại này hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

3.1. Thể bắt đầu cấp có biểu hiện nội tạng

  • Triệu chứng toàn thân: Thường xuất hiện ở trẻ em từ 5-7 tuổi và bắt đầu cấp tính với các biểu hiện như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể và vẻ mặt hốc hác, da xanh xao.
  • Triệu chứng ở khớp: Các khớp bị sưng, nóng và có thể chứa dịch, thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như cổ tay, cổ chân, đầu gối và khuỷu tay, nhưng ít gặp ở khớp ngón tay và khớp háng.

Triệu chứng ngoài khớp biểu hiện ra ngoài da hoặc nội tạng (gan, lách), bao gồm:

  • Ban đỏ trên da ở thân, các chi và lòng bàn tay là triệu chứng phổ biến và có tính đặc hiệu. Đây là các ban đỏ hồng nổi trên da, không gây đau ngứa, thường xuất hiện nhiều khi trẻ bị sốt cao và thuyên giảm dần sau vài giờ.
  • Ngoài ra, trẻ cũng có thể xuất hiện các hạt cứng dưới da ở vùng xung quanh khớp, không gây đau và thường biến mất sau một thời gian.
  • Trẻ có thể có hạch to lên ở nách hoặc bẹn, kích thước to vừa và không đau.
  • Gan và lách của trẻ có thể to ra và nhô lên mấp mé bờ sườn.
  • Các triệu chứng viêm màng khác như viêm màng phổi, viêm màng bụng và đặc biệt là viêm màng ngoài tim cũng có thể xảy ra.
Triệu chứng sưng, nóng có thể có nước chủ yếu ở các khớp nhỡ như cổ tay.
Triệu chứng sưng, nóng có thể có nước chủ yếu ở các khớp nhỡ như cổ tay.

3.2. Thể đa khớp mãn tính

  • Thường gặp ở trẻ em nữ từ 8-12 tuổi, với các triệu chứng biểu hiện từ từ và tăng dần.
  • Triệu chứng ở khớp: Thường có một khớp bị sưng, đau, phù nề và dần lan sang các khớp khác đối xứng hai bên cơ thể. Khớp gối thường bị sưng và có thể kèm theo tràn dịch. Các khớp gối, khuỷu tay, cổ tay và cổ chân là những khớp thường bị ảnh hưởng nhất.
  • Triệu chứng toàn thân và nội tạng: Trẻ có thể xuất hiện sốt nhẹ kéo dài, sụt cân và mệt mỏi cùng với sự xuất hiện của hạch nổi ở mặt trong của cánh tay.

Cần lưu ý ba vị trí viêm có thể xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng bao gồm:

  • Viêm khớp háng: Trẻ không đi lại được.
  • Viêm khớp thái dương hàm kéo dài hạn chế sự phát triển hàm dưới ở trẻ, khiến cằm trở nên lẹm và hàm dưới thụt ra sau (khuôn mặt giống chim).
  • Viêm các đốt sống cổ: Di chứng dính các đốt sống ở tư thế đưa ra phía trước.

3.3. Thể cột sống

Đây là một thể đặc trưng thường gặp ở trẻ nam từ 12 đến 16 tuổi, thường khởi phát với viêm khớp ở chi dưới như khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân. Ban đầu, các triệu chứng thường xuất hiện ở một bên của cơ thể và sau đó lan sang bên đối diện tạo thành sự đối xứng. Sau một thời gian dài, triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện ở cột sống.

3.4. Thể một hay vài khớp

  • Thể này thường gặp ở tuổi 8-10;
  • Nếu chỉ viêm một khớp thì thường là khớp gối bị ảnh hưởng, còn nếu viêm vài khớp thì thường dưới 4 khớp và không đối xứng.  
  • Trong 70% các trường hợp là viêm khớp gối, 15% là viêm khớp cổ chân và các khớp khác ít gặp hơn. Mặc dù khớp sưng và đau, người bệnh vẫn có thể đi lại và vận động được. Phần chi bị bệnh thường dài hơn do tổn thương viêm kích thích sụn nối tăng trưởng.

4. Các phương pháp chẩn đoán

Một số biện pháp được áp dụng để phát hiện viêm khớp mãn tính ở thiếu niên bao gồm:

  • Siêu âm.
  • Xét nghiệm dịch khớp.
  • Chụp X-quang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Xét nghiệm miễn dịch.
  • Chẩn đoán loại từ các bệnh lý có biểu hiện tương tự viêm khớp mãn tính như thấp khớp cấp, nhiễm trùng khớp…

5. Phương pháp điều trị viêm khớp mãn tính thiếu niên

Điều trị viêm khớp mãn tính ở thiếu niên đòi hỏi sự hợp tác giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chuyên khoa nhi, chuyên khoa khớp và chỉnh hình, phục hồi chức năng cũng như dinh dưỡng. Mục tiêu là phục hồi tối đa chức năng và cải thiện chất lượng sống cho trẻ.

Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Điều trị thuốc toàn thân: Bắt đầu với thuốc chống viêm không steroid dành cho trẻ em. Nếu viêm khớp kéo dài hơn 6 tháng, sẽ cân nhắc kết hợp methotrexate làm thuốc điều trị cơ bản đầu tiên. Nếu tình trạng viêm vẫn tiếp tục, có thể phối hợp thêm sulfasalazine làm thuốc điều trị cơ bản thứ hai. Hiện nay, điều trị sinh học cũng được áp dụng, sử dụng etanercept tiêm dưới da nếu trẻ không đáp ứng với methotrexate hoặc kết hợp cùng methotrexate để tăng hiệu quả điều trị.
  • Điều trị tại chỗ: Tiêm corticosteroid nội khớp để cải thiện chức năng của khớp và giảm đau tại chỗ. Sau khi điều trị này, có thể tiếp tục sử dụng thuốc điều trị cơ bản trong giai đoạn bệnh đang thuyên giảm.
  • Điều trị ngoại khoa: Dùng chủ yếu để điều trị biến dạng khớp.
  • Điều trị tâm sinh lý: Mục đích là đánh giá cải thiện chức năng vận động khớp của trẻ cũng như tác dụng phụ của thuốc và sự phát triển, biến đổi tâm sinh lý của trẻ.
  • Tiên lượng: Các thể bệnh liên quan đến khớp lớn thường có tiên lượng tốt hơn so với thể đa khớp, vì thể đa khớp có xu hướng phát triển thành viêm khớp dạng thấp ở người lớn (ở trẻ gái) và thể cột sống (ở trẻ trai).
Điều trị viêm khớp mãn tính tại chỗ bằng phương pháp tiêm corticosteroid nội khớp.
Điều trị viêm khớp mãn tính tại chỗ bằng phương pháp tiêm corticosteroid nội khớp.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chuyên điều trị các chấn thương và bệnh lý liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe