Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, thường xảy ra sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, đạm hoặc uống rượu bia. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hoại tử tụy, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Lê Nguyễn Hồng Trâm - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy xảy ra khi dịch tiêu hóa hoặc enzyme tự tấn công tuyến tụy, khiến tuyến tuỵ bị viêm sưng và đỏ.
Viêm tụy được phân thành 2 loại: viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mãn tính.
- Viêm tụy cấp là tình trạng các nhu mô tụy bị viêm nhiễm cấp tính, dẫn đến tổn thương các cơ quan lân cận và thậm chí tử vong.
- Viêm tụy mãn tính là tình trạng viêm tuyến tụy kéo dài, thường do tái phát viêm tụy cấp nhiều lần. Gây ra các biến chứng mãn tính như tiểu đường, rối loạn nội tiết, ung thư tụy.
Viêm tụy cấp là tình trạng các men tụy tự hủy mô. Bình thường, các men tụy amylase, lipase, trypsin được tuyến tụy tiết để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.
Ban đầu, các men được tiết ra dưới dạng không hoạt động, chỉ khi đến tá tràng, các enzyme này mới được hoạt hóa và có tác dụng. Tuy nhiên, một lý do nào đó làm các tế bào nang tuyến tuỵ tăng nhạy cảm đáp ứng với axit, cholecystokinin, acetylcholine, khiến các men này hoạt hóa ngay trong lòng ống tụy, chuyển thành dạng hoạt động, tấn công và phá hủy các mô của tuyến tụy, dẫn đến viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp có thể được chia thành ba thể chính:
- Thể phù nề;
- Thể xuất huyết;
- Thể xuất huyết hoại tử: Tỷ lệ tử vong cao, lên đến 80-90%.
2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp có thể do nhiều nguyên nhân:
- Phổ biến nhất là do rượu bia.
- Tăng mỡ máu.
- Sỏi mật gây tắc nghẽn ống dẫn chung hoặc cơ vòng Oddi, khiến dịch tụy ứ đọng, kích hoạt men tụy tự phá hủy cấu trúc tuyến tụy.
- Một số nguyên nhân khác bao gồm chấn thương dập vùng tụy, rối loạn chuyển hóa và bệnh tự miễn.
- Xấp xỉ 10-15% ca viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân cụ thể.
3. Triệu chứng viêm tụy cấp
Triệu chứng viêm tụy cấp không điển hình nhưng bệnh nhân có thể gặp phải những dấu hiệu sau:
- Đau bụng cấp: Đau dữ dội, đột ngột vùng thượng vị sau khi ăn nhiều đạm, mỡ hoặc sau khi uống bia rượu. Cơn đau có thể kéo dài liên tục hoặc từng cơn, lan ra sau lưng hoặc hai bên hạ sườn. Đau do viêm tụy cấp thường dễ bị nhầm với đau dạ dày.
- Nôn, buồn nôn: Cảm giác buồn nôn thường xuất hiện sau khi đau bụng và không liên quan đến cơn đau. Bệnh nhân thường nôn ra dịch mật, dịch dạ dày hoặc nôn ra máu.
- Chướng bụng, bí trung tiện: Đây là triệu chứng thường gặp ở những trường hợp viêm tụy cấp thể hoại tử nặng.
- Triệu chứng kèm theo: Bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức, tụt huyết áp, thiểu niệu...
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.4. Bệnh viêm tụy cấp có nguy hiểm không?
Nếu viêm tụy cấp không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều cơ quan và gây tử vong. Với những trường hợp hoại tử nặng, khi các biện pháp hồi sức không còn hiệu quả, phẫu thuật cắt bỏ mô hoại tử là biện pháp tối ưu. Dưới đây là những diễn biến nguy hiểm của viêm tụy cấp:
- Sốc: Đây là một trong những biến chứng sớm, có thể xảy ra ngay trong những ngày đầu tiên bùng phát bệnh. Sốc có thể do nhiễm khuẩn nặng hoặc xuất huyết. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn, vào khoảng tuần thứ 3 sau khi khởi phát các triệu chứng viêm tụy.
- Xuất huyết: Có thể xảy ra ngay tại tuyến tụy, trong xoang bụng, ống tiêu hóa hoặc các cơ quan khác, gây tổn thương các mạch máu. Biến chứng này thường xảy ra trong tuần đầu tiên của bệnh và đa phần bệnh nhân có tiên lượng xấu.
- Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Thường xuất hiện vào cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Đây là nguyên nhân chính hình thành ổ áp xe ngay tại tuyến tụy, gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Trường hợp này cũng khiến bệnh nhân có tiên lượng xấu.
- Suy hô hấp cấp: Biến chứng này có tiên lượng nặng.
- Nang giả tụy: Nang giả tụy là một túi chứa dịch, enzyme tuyến tụy và mảnh vỡ nhu mô tuyến tụy, hình thành do quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương tại nhu mô tụy, thường xuất hiện trong tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh. Hầu hết nang giả tụy sẽ tự thu dọn hoặc dẫn lưu vào đường tụy và biến mất sau 4-6 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nang có thể tiến triển thành áp xe hoặc gây bội nhiễm.
5. Bệnh có chữa được không?
Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy đột ngột bị viêm sưng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tin vui là bệnh hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị sớm.
6. Các phương pháp chẩn đoán
- Siêu âm bụng là phương pháp đầu tiên được lựa chọn để chẩn đoán nguyên nhân viêm tụy cấp như sỏi mật và giúp phân biệt với các bệnh lý khác như viêm ruột thừa, viêm túi mật, v.v.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu giúp bác sĩ chẩn đoán xác định viêm tụy cấp, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh (urea, dung tích hồng cầu, CRP, v.v.) và thậm chí xác định nguyên nhân gây bệnh (triglyceride máu, calci máu, v.v.).
- Chụp X-quang bụng: Phương pháp này giúp phân biệt viêm tụy cấp với các bệnh như bán tắc ruột, thủng tạng rỗng, v.v.
- Chụp CT có thuốc cản quang: Được sử dụng trong các trường hợp chẩn đoán không rõ ràng hoặc bác sĩ nghi ngờ viêm tụy.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Được chỉ định cho những trường hợp dị ứng với thuốc cản quang, suy thận, đang mang thai hoặc viêm tụy tái phát nhiều lần.
7. Điều trị viêm tụy cấp
Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp giảm đau, bù dịch, đồng thời kiểm soát mức mỡ máu (triglyceride) và xử lý các nguyên nhân gây viêm tụy như sỏi mật hay chấn thương. Nếu có nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị viêm tụy cấp bằng kháng sinh. Người bệnh có thể ăn uống trở lại sau 1 đến 3 ngày.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ lượng nước tiểu, dung tích hồng cầu và nồng độ urea trong máu để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết nhằm tránh tình trạng truyền dịch quá nhiều hoặc quá ít.
8. Biện pháp phòng ngừa
- Hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá.
- Ăn nhiều rau và đảm bảo thực phẩm sạch sẽ.
- Tránh nhiễm ký sinh trùng.
- Giảm thiểu ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Nếu mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu cao hoặc sỏi mật, bệnh nhân cần khám định kỳ để tránh biến chứng gây viêm tụy.
9. Viêm tụy nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ ăn uống cân bằng và ít chất béo rất quan trọng trong quá trình phục hồi sau viêm tụy. Người bệnh nên hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm sau:
- Thịt đỏ
- Đồ chiên
- Sữa béo
- Thực phẩm nhiều đường
- Nước ngọt
- Caffeine
- Rượu bia
Ngoài ra, người bệnh nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, ăn thực phẩm giàu protein, chất chống oxy hóa, bổ sung vitamin và uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
Viêm tụy cấp là một tình trạng cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có nhiều biến chứng nguy hiểm với tiên lượng xấu. Các biến chứng này bao gồm giảm thể tích tuần hoàn, hoại tử nhu mô tụy, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết, và liệt ruột cơ năng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng toàn thân như trụy tim và suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Đặc biệt, chảy máu trong tụy có thể gây nguy cơ tử vong ngay trong những ngày đầu bùng phát bệnh.
Bà thực hiện nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày và đại tràng như phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, và phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa. Ngoài ra, bác sĩ Trang còn thực hiện các ca nội soi điều trị như cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, và cắt polyp đường tiêu hóa qua nội soi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.