Các bệnh thường gặp ở tụy

Các bệnh thường gặp ở tụy bao gồm viêm tuỵ, ung thư tuỵ,... Bệnh ở tuyến tụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nội tiết và ngoại tiết của cơ thể con người. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp ở tụy sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về vấn đề sức khỏe này.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Chức năng của tuyến tụy

Để hiểu rõ hơn về các bệnh thường gặp ở tụy, hãy cùng tìm hiểu sơ lược về cấu tạo và chức năng của cơ quan này.

Tuyến tụy là một cơ quan hình lá, nằm phía sau phúc mạc, giữa tá tràng và lách, phía trước cột sống. Cơ quan này nằm ngay sau dạ dày và trước các mạch máu lớn. Tuyến tụy có chiều dài khoảng 16 - 20cm, cao 4 - 5cm và dày 2 - 3cm, gồm ba phần chính là đầu, eo, thân và đuôi tụy.

Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong cả chức năng nội tiết lẫn ngoại tiết của cơ thể. Với chức năng nội tiết, tuyến tụy tiết ra các hormone như insulin, glucagon, và somatostatin. Về phần ngoại tiết, tuyến tuỵ sẽ sản xuất ra các enzyme tiêu hóa giúp phân giải thức ăn trong ruột.  

Các enzyme và hormone này được vận chuyển từ tuyến tụy đến tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) qua ống tụy. Phần của tuyến tụy tiết hormone được gọi là tuyến tụy nội tiết, trong khi đó phần tiết enzyme được gọi là tuyến tụy ngoại tiết.

2. Các bệnh thường gặp ở tụy

2.1 Viêm tuỵ

Viêm tụy là một trong các bệnh thường gặp ở tụy, là tình trạng tuyến tụy bị viêm và tổn thương do các enzyme tiêu hóa bị kích hoạt sớm trước khi được giải phóng vào ruột non và tấn công tuyến tụy. Bệnh sẽ có hai dạng: Viêm tụy cấp và viêm tụy mạn.

2.1.1 Viêm tuỵ cấp

Viêm tụy cấp là một tình trạng y tế khẩn cấp trong đó tuyến tụy bị viêm đột ngột, thường kèm theo đau bụng trên nghiêm trọng. Cơn đau này có thể rất dữ dội và kéo dài vài ngày. Ngoài ra, các triệu chứng điển hình khác của viêm tụy cấp bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy hơi và sốt.

Sỏi mật là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm tụy cấp. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm tiêu thụ rượu trong thời gian dài, yếu tố di truyền, chấn thương vật lý, sử dụng một số loại thuốc, nhiễm trùng, bất thường về điện giải, mức lipid máu cao, rối loạn nội tiết, cũng như một số nguyên nhân chưa được xác định. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và nguyên nhân của viêm tụy cấp là rất quan trọng để điều trị kịp thời và hiệu quả. 

Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

2.1.2 Viêm tụy mạn

Viêm tụy mãn tính là một tình trạng viêm tụy kéo dài và tiến triển, dẫn đến sự phá hủy dần dần của tuyến tụy. Bệnh này thường gặp hơn ở nam giới và phát triển chủ yếu ở độ tuổi từ 30 đến 40. Ban đầu, các triệu chứng của viêm tụy mãn tính có thể giống với viêm tụy cấp, bao gồm đau bụng trên và tiêu chảy, khiến việc chẩn đoán ban đầu có thể khó khăn.

Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề như suy dinh dưỡng và sụt cân do tuyến tụy không thể sản xuất đủ enzyme tiêu hóa. Trong các giai đoạn sau, khi tuyến tụy bị tổn thương nặng, người bệnh có nguy cơ cao mắc phải bệnh đái tháo đường do thiếu sản xuất insulin.

Viêm tụy mãn tính thường xảy ra sau các đợt viêm tụy cấp tính, nhưng một nguyên nhân chính khác là do thói quen lạm dụng rượu. Tổn thương tuyến tụy do rượu có thể không biểu hiện triệu chứng trong nhiều năm, nhưng sau đó bệnh có thể bùng phát với các triệu chứng nghiêm trọng. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm xơ nang và các rối loạn di truyền khác ảnh hưởng đến tuyến tụy. 

Đau bụng là một trong những triệu chứng của các bệnh thường gặp ở tụy.
Đau bụng là một trong những triệu chứng của các bệnh thường gặp ở tụy.

2.2 Ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy là một dạng ung thư phát triển từ các tế bào của tuyến tụy và cũng là một trong các bệnh thường gặp ở tuỵ. Đến 95% các trường hợp ung thư tuyến tụy bắt nguồn từ tuyến tụy ngoại tiết, trong khi khối u xuất phát từ tuyến tụy nội tiết ít gặp hơn và thường là lành tính.

Nguyên nhân gây bệnh bao gồm nhiều yếu tố:  

  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư tuyến tụy có thể có liên quan đến yếu tố gia đình. Các thay đổi gen do tiếp xúc với các yếu tố môi trường như hút thuốc lá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh.
  • Độc tố môi trường: Tiếp xúc với các chất gây ung thư như thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm và các hóa chất trong luyện kim có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. Những gốc tự do được hình thành khi tiếp xúc với các độc tố này có thể gây hại cho tế bào và làm mất đi khả năng hoạt động bình thường của chúng, dẫn đến sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.

Một số yếu tố khác cũng được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh như:  

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy tăng đáng kể sau tuổi 60.
  • Xơ ganviêm gan,...
  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
  • Đái tháo đường.
  • Viêm tụy mãn tính.
  • Hút thuốc.
  • Thừa cân.
  • Chế độ ăn nhiều thịt đỏ và chất béo, nhưng ít rau quả cũng có thể làm tăng nguy cơ.
  • Lạm dụng rượu trong thời gian dài với nồng độ cao có thể dẫn đến viêm tụy mãn tính và tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy là một trong các bệnh thường gặp ở tuỵ rất nguy hiểm, thường được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" do bệnh không thường xuất hiện triệu chứng cho đến khi đã tiến triển đến giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Khi ung thư tuyến tụy phát triển, một số triệu chứng có thể xuất hiện như sau

  • Đau bụng: Đau thường cảm thấy ở vùng bụng và có thể lan ra sau lưng.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Chán ăn.
  • Đầy hơi, chướng bụng.
  • Tiêu chảy phân lỏng, màu sậm hoặc tiêu ra phân mỡ nổi trên mặt nước.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Ngứa da lòng bàn tay, bàn chân. 
Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tụy - một trong các bệnh thường gặp ở tuỵ.
Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tụy - một trong các bệnh thường gặp ở tuỵ.

3. Điều trị

các bệnh thường gặp ở tụy, người bệnh cần được khám cẩn thận để đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và phát hiện các vấn đề sức khỏe liên quan. Từ đó, bác sĩ mới có thể lập ra một kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

3.1 Điều trị viêm tuỵ  

Việc điều trị viêm tụy cấp và viêm tụy mạn như sau:

  • Viêm tụy cấp: Người bệnh sẽ được chỉ định truyền dịch, sử dụng thuốc giảm đau và cần được chăm sóc kỹ lưỡng tại bệnh viện. Trong trường hợp viêm tụy dẫn đến hoại tử, phẫu thuật sẽ được tiến hành để loại bỏ các phần tổ chức bị nhiễm trùng nặng. Nếu nguyên nhân của viêm tụy là do sỏi mật, bệnh nhân sẽ cần một ca phẫu thuật để loại bỏ sỏi. Việc theo dõi sức khỏe của bệnh nhân cần được thực hiện chặt chẽ, vì viêm tuyến tụy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan khác như tim, thận, gan và phổi.
  • Viêm tụy mãn tính: Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, bao gồm như giảm đau, cải thiện dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phương pháp bổ sung enzyme tuỵ sẽ được áp dụng để hỗ trợ tiêu hoá thức ăn. Trong khi đó, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó, việc kiêng rượu là một phần quan trọng trong điều trị để đảm bảo hiệu quả và an toàn sức khỏe.

3.2 Điều trị ung thư tuyến tụy  

Điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí và kích thước của khối u, giai đoạn của bệnh, và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Phương pháp này nhằm loại bỏ khối u và các mô lành tính xung quanh để ngăn chặn bệnh tái phát. Tuy nhiên, do khó phát hiện sớm, khoảng 80% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên không thể điều trị bằng phẫu thuật.
  • Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị không chỉ giảm triệu chứng như đau, vàng da mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tái phát sau phẫu thuật. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị liệu trong điều trị ung thư tuyến tụy.
  • Hóa trị: Nhằm tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Hóa trị có thể được áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật và đôi khi kết hợp với xạ trị.

Sau khi điều trị, bệnh nhân nên khám tổng quát định kỳ để theo dõi nguy cơ tái phát, nghỉ ngơi và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Có thể cần bổ sung enzyme tiêu hóa hoặc insulin nếu có chỉ định từ bác sĩ. 

Bệnh nhân ung thư tụy cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
Bệnh nhân ung thư tụy cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.

4. Các biện pháp phòng ngừa

Để bảo vệ và phòng ngừa các bệnh thường gặp ở tụy, mọi người cần chú ý thực hiện những biện pháp sau:

  • Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin nhằm tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giảm thiểu việc tiêu thụ rượu, bia và tránh hút thuốc lá cũng như các chất kích thích khác, bởi đây là những yếu tố chính gây nên bệnh viêm tụy cấp tính.
  • Kiểm soát cân nặng bằng cách giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì, duy trì cân nặng ở mức hợp lý để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Nếu có mức triglyceride cao, bệnh nhân cần áp dụng một chế độ ăn ít mỡ và kiểm soát lượng mỡ trong máu để giảm thiểu rủi ro sức khỏe.

Các bệnh thường gặp ở tụy có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được nhận biết và xử lý kịp thời. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh tuyến tụy, việc khám định kỳ là rất quan trọng để có thể chẩn đoán đúng đắn và tiến hành điều trị thích hợp ngay lập tức. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe