Tập thể dục cường độ cao và bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một chứng rối loạn viêm mãn tính, có thể gây ra nhiều tác động nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Do đó, việc áp dụng một chế độ tập thể dục phù hợp theo hướng dẫn của chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân cải thiện hiệu quả tình trạng viêm khớp của mình.

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh tự miễn, đặc trưng bởi quá trình rối loạn viêm mãn tính, có thể gây ảnh hưởng đến các khớp trong cơ thể. Căn bệnh này thường xảy ra khi các khớp khỏe mạnh bị nhầm lẫn là tác nhân gây bệnh và bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể.

So với những tình trạng viêm khớp khác, bệnh viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng chủ yếu tới lớp niêm mạc khớp, khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức và gặp khó khăn trong việc đi lại. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, viêm khớp dạng thấp có thể gây hao mòn xương và làm biến dạng khớp.

Bên cạnh tình trạng đau khớp, dạng viêm khớp này cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực cho nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như mắt, phổi, da, tim và các mạch máu. Người bệnh sẽ có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề sức khỏe đáng lưu ý sau:

  • Khó thở kèm ho và thở rít do tình trạng viêm lan đến phổi.
  • Đau ngực – một dấu hiệu cảnh báo phổi đang bị tổn thương do viêm mãn tính.
  • Đau vai, kèm tiếng kêu lục cục khi người bệnh cử động. Ngoài ra khả năng vận động của vùng vai – cổ cũng bị hạn chế.
  • Khô mắt, có cảm giác ngứa hoặc cộm ở mắt.
  • Khô miệng, gây cản trở lớn cho việc ăn uống và khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng ở khoang miệng.
  • Đau khớp cổ tay do các khớp ở đây bị viêm.
  • Các ngón tay có thể bị sưng đỏ, có cảm giác đau tăng lên mỗi khi cử động.
  • Bị sưng và cứng khớp gối, cơn đau trở nặng vào buổi sáng.

2. Tập thể dục cường độ cao có tốt cho bệnh viêm khớp dạng thấp không?

Có một số ý kiến cho rằng, những người bị viêm khớp dạng thấp (RA) không nên thực hiện các bài tập thể dục cường độ cao, chẳng hạn như chạy bộ. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, loại hình tập thể dục này thực sự mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nếu được tập luyện đúng cách.

Tập thể dục cường độ cao ngắt quãng (HIT) là hình thức tập luyện tiết kiệm thời gian nhất, bao gồm sự xen kẽ giữa các khoảng tập cường độ cao và thấp với nhau. Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nên lựa chọn tập HIT bởi nó có thể làm giảm tình trạng viêm mãn tính và cải thiện thể lực hô hấp rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, các bài tập thể dục cường độ cao cũng giúp bệnh nhân RA ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạchđái tháo đường tuýp 2. Do đó, rất nhiều chuyên gia khuyến khích người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên thực hiện các bài tập thể dục này.

Một số thử nghiệm đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân mắc RA khi tập luyện thường xuyên các bài tập thể dục cường độ cao có thể đạt được những chuyển biến tích cực về sức khỏe hệ tim mạch và cải thiện đáng kể tình trạng viêm toàn thân trong cơ thể. Mặt khác, các bài tập HIT cũng góp phần thay đổi chất nền trao đổi chất đến cơ xương, giúp tăng cường tổng hợp oxy hoá chất béo và protein trong cơ thể, từ đó giúp giảm các triệu chứng đau khớp do viêm nhiễm gây ra.


Nhiều chuyên gia khuyến khích người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên tập thể dục cường độ cao
Nhiều chuyên gia khuyến khích người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên tập thể dục cường độ cao

3. Người bị viêm khớp dạng thấp nên tập thể dục cường độ cao như thế nào?

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, những người mắc viêm khớp dạng thấp nên thực hiện các bài tập thể dục cường độ cao như chạy bộ, đạp xe hoặc rèn luyện sức mạnh,... ít nhất 2 lần / tuần để cải thiện tình trạng viêm khớp cũng như khả năng vận động của mình.

Trước khi bắt đầu thực hiện các bài tập HIT, người mắc RA nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ dẫn cụ thể và lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. Các bài tập được lựa chọn sẽ dựa trên vị trí khớp bị ảnh hưởng, bao gồm:

  • Các khớp chịu trọng lượng của cơ thể bị tổn thương (khớp ở chi dưới), bệnh nhân nên tránh thực hiện các bài tập thể dục cường độ cao như thể dục nhịp điệu hoặc chạy bộ.
  • Các khớp ở chi trên bị tổn thương, bệnh nhân cần tránh thực hiện các bài tập cần đến sức mạnh của những khớp này, chẳng hạn như đấm bốc hoặc nâng tạ nặng.

Khi bắt đầu tập các bài HIT, bệnh nhân RA nên thực hiện từ từ các bài tập thể dục cơ bản kết hợp với rèn luyện sức mạnh, sức bền và sự linh hoạt, chẳng hạn như đi bộ, và sau đó tập luyện tăng dần theo thể trạng của mình.

4. Các bài tập cường độ cao cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Nhiều người băn khoăn rằng viêm khớp dạng thấp nên tập môn gì để cải thiện các triệu chứng của bệnh và giúp tăng cường sự linh hoạt cho các cơ khớp. Người bệnh có thể tham khảo một số bài tập thể dục cường độ cao dưới đây để hỗ trợ giảm đau và cứng khớp hiệu quả, bao gồm:

4.1. Chạy bộ

Người mắc viêm khớp dạng thấp có thể cải thiện tối đa các biểu hiện đau nhức xương khớp thông qua một lịch trình chạy bộ đều đặn. Chạy bộ với cường độ cao xen kẽ với các khoảng nghỉ ngắn sẽ giúp người bị RA tăng phạm vi chuyển động của các khớp và cải thiện tình trạng cứng khớp.

Trong những lần tập chạy bộ đầu tiên, bệnh nhân nên bắt đầu các động tác làm nóng người, sau đó thực hành hình thức đi bộ chậm và từ từ nâng cao sang đi bộ nhanh và cuối cùng là chạy bộ. Thời gian chạy bộ lý tưởng cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là từ 20 – 45 phút, khoảng 3 – 4 lần một tuần.

Nếu không có thời gian chạy bộ bên ngoài trời, bạn có thể chọn chạy trên máy tập. Khi chạy bộ, hãy cố gắng giữ tư thế thẳng lưng, đồng thời để hai tay đưa thoái và tự do theo nhịp chạy, mắt hướng về phía trước.

4.2. Đi xe đạp

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một tình trạng viêm mãn tính, có thể gây ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch và làm tăng nguy cơ dẫn đến cơn đau tim. Do đó, người mắc bệnh RA có thể tham khảo bài tập thể dục cường độ cao với xe đạp để tăng cường sức mạnh cho chức năng tim và cơ xương khớp.

Mặt khác, đi xe đạp cũng góp phần cải thiện các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra. Hơn nữa, hình thức tập thể dục này cũng giúp hỗ trợ tăng sức mạnh cho bàn chân và sức bền tổng thể của người bệnh.

Bạn có thể thực hiện đi xe đạp bên ngoài trời hoặc trong phòng tập thể dục. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu đau hơn hoặc mệt mỏi, hãy tạm dừng và nghỉ ngơi một vài ngày, sau đó tiếp tục tập luyện lại.


Thời gian chạy bộ lý tưởng cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là từ 20 – 45 phút
Thời gian chạy bộ lý tưởng cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là từ 20 – 45 phút

4.3. Tập các môn thể thao dưới nước

Nước là một yếu tố có thể hỗ trợ rất tốt cho trọng lượng cơ thể của con người. Vì vậy, các bài tập thể dục dưới nước rất phù hợp cho những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, giúp giảm áp lực lên các khớp bị đau.

Bệnh nhân RA có thể thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục nhịp điệu hoặc bơi lội dưới nước để tăng phạm vi chuyển động, tăng tính linh hoạt và hỗ trợ cải thiện sức mạnh cơ bắp cũng như chức năng của hệ tim mạch. Mặt khác, các bài tập dưới nước cũng góp phần mang lại tâm trạng thoải mái cho bệnh nhân, giúp xoa dịu cảm giác khó chịu khi cơn đau do viêm khớp gây ra.

5. Một số lưu ý khi thực hiện các bài tập cường độ cao cho người bị RA

Nhằm giúp tránh những rủi ro và tổn thương ngoài ý muốn khi thực hiện các bài tập thể dục cường độ cao, người mắc viêm khớp dạng thấp cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Nếu cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu khi tập luyện, người bệnh nên điều chỉnh cường độ tập và tăng dần theo thời gian.
  • Thực hiện xen kẽ các bài tập với thói quen thường ngày, giúp tránh tạo áp lực căng thẳng lên các khớp và cơ bắp.
  • Chọn giày phù hợp cho các bài tập thể dục cường độ cao như chạy bộ và đạp xe. Ngoài ra, nên chọn các trang phục đem lại sự thoải mái khi tập luyện.
  • Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng sau khi tập, bệnh nhân nên ngừng tập và đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân cũng như có biện pháp khắc phục sớm.

Có thể thấy tập thể dục đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm khớp dạng thấp nói riêng. Tuy nhiên, người bệnh RA nên hỏi ý kiến bác sĩ để duy trì được thói quen tập luyện với các bài tập phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe