Viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp: Điểm khác biệt cần biết

Viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp là hai tình trạng sức khỏe khác nhau ảnh hưởng đến khớp, gây ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh. Mặc dù đều ảnh hưởng đến xương khớp, nhưng cả hai có nguyên nhân và triệu chứng khác nhau. Bài viết này sẽ so sánh từ nguyên nhân, triệu chứng đến ảnh hưởng mà cả hai loại viêm khớp này gây ra đối với sức khỏe của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Sự khác biệt giữa viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA)

Viêm khớp dạng thấp không chỉ là một căn bệnh thông thường mà còn là hệ quả của sự tấn công sai lệch từ chính hệ miễn dịch của cơ thể. Thay vì bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus, hệ miễn dịch ở người bệnh lại nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh trong khớp là kẻ thù, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm sưng tấy, đau nhức và dần dần phá hủy sụn khớp.

Điều đáng lo ngại là viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. 

Người lớn tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn so với các lứa tuổi khác.
Người lớn tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn so với các lứa tuổi khác.

Ngược lại, viêm xương khớp không phải là một bệnh tự miễn mà là hậu quả của quá trình thoái hóa tự nhiên. Viêm xương khớp xuất hiện khi sụn - lớp mô đệm giữa các khớp, bị mòn dần theo thời gian. Khi sụn bị tổn thương, các xương liền kề bị ảnh hưởng, gây ra sự thay đổi cấu trúc và dẫn đến đau khớp. Điều này khiến bệnh trở nên phổ biến hơn ở những người lớn tuổi.

Ở Anh, tình trạng phổ biến của viêm xương khớp so với viêm khớp dạng thấp là rất khác biệt. Khoảng 1/3 người trên 45 tuổi đã từng tìm kiếm điều trị cho viêm xương khớp, phản ánh mức độ phổ biến của căn bệnh này trong dân số lớn tuổi.

Trong khi đó, chỉ khoảng 1% dân số Anh bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp, cho thấy tính chất hiếm gặp hơn của bệnh tự miễn này so với bệnh thoái hóa.

2. Triệu chứng

Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như ở tay và chân và điển hình là gây ra cứng khớp vào buổi sáng, có thể kéo dài hơn một giờ. Đặc điểm này là một trong những yếu tố giúp phân biệt viêm khớp dạng thấp với viêm xương khớp.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ và hình thành các nốt thấp khớp dưới da - những đặc điểm không thường thấy ở người bệnh viêm xương khớp.  

Trong khi đó, viêm xương khớp thường liên quan đến các khớp hoạt động nhiều nhất như tay và cột sống, cũng như các khớp chịu trọng lượng như hông và đầu gối. Các triệu chứng chính bao gồm đau khớp, sưng khớp và các âm thanh như tiếng nứt hoặc mài khi di chuyển khớp. Điều này cho thấy rằng, bệnh viêm xương khớp liên quan nhiều hơn đến sự thoái hóa khớp do sử dụng nhiều hoặc tuổi tác.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp  

Cả viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm xương khớp (OA) đều có chung một vài yếu tố gây bệnh nhưng cũng có những điểm khác biệt đáng kể trong nguyên nhân dẫn đến viêm. Một vài yếu tố chung ảnh hưởng đến bệnh bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Tương tự như nhiều bệnh lý khác, nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-3 lần so với người bình thường.
  • Béo phì: Thừa cân không chỉ làm tăng áp lực lên các khớp chịu trọng lượng như đầu gối và hông mà còn có thể gây ra tình trạng viêm, từ đó tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh.

Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh khớp như:  

  • Tuổi tác.
  • Lạm dụng khớp.
  • Chấn thương khớp.
  • Các khớp bị biến dạng.

Viêm khớp dạng thấp có vài đặc điểm riêng biệt liên quan đến các yếu tố gây bệnh như:

  • Nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới.
  • Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến viêm khớp dạng thấp.
  • Phản ứng tự miễn.

4. Các vị trí khớp thường bị ảnh hưởng

Viêm khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí khớp nào nhưng thường là ở các khu vực thường bị chấn thương hoặc hoạt động nhiều như đầu gối, hông, lưng, cổ, ngón tay cái và ngón chân cái. 

Cả viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp đều ảnh hưởng lên đầu gối.
Cả viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp đều ảnh hưởng lên đầu gối.

Viêm xương khớp (OA) thường ảnh hưởng đến các khớp chịu trọng lượng nhiều như đầu gối và hông, cũng như các khớp khác như lưng, cổ, ngón tay cái và ngón chân cái, đặc biệt là những khớp được sử dụng nhiều hoặc từng bị thương.

Trong khi đó viêm khớp dạng thấp (RA) thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ của tay và chân, có thể lan rộng đến các khớp lớn hơn như vai, khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân. Bệnh cũng có thể gây viêm ở các bộ phận khác của cơ thể, không chỉ giới hạn ở khớp.

5. Phương pháp điều trị

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn cho cả viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm xương khớp (OA). Khi người bệnh có các dấu hiệu của cả hai bệnh viêm khớp trên, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chức năng khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Việc sử dụng thuốc để điều trị viêm khớp cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Việc sử dụng thuốc để điều trị viêm khớp cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Các loại thuốc thường được kê đơn giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Giúp giảm đau và viêm.
  • Corticosteroid: Là loại thuốc chống viêm hiệu quả, đồng thời giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch.
  • Thuốc điều trị bệnh (thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh truyền thống hoặc DMARD và thuốc sinh học): Làm chậm quá trình bệnh tiến triển.
  • Acetaminophen: Giúp giảm đau nhưng không giảm viêm.

Các loại thuốc giảm các triệu chứng của viêm xương khớp:

  • Kem hoặc gel bôi lên có tác dụng giảm đau
  • NSAID
  • Thuốc giảm đau như acetaminophen
  • Thuốc chống trầm cảm duloxetine (Cymbalta) có thể làm giảm cơn đau mãn tính
  • Tiêm khớp

Thuốc giảm đau có opioid thường không được khuyến khích sử dụng lâu dài do nguy cơ phát triển tác dụng phụ như lệ thuộc và các vấn đề khác như táo bón hoặc mệt mỏi quá mức. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, các triệu chứng cụ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe