Điều trị viêm khớp dạng thấp là một quá trình cần thiết để quản lý và kiểm soát các triệu chứng đau đớn và viêm nhiễm do bệnh gây ra. Để kiểm soát hiệu quả, người bệnh cần áp dụng nhiều phương pháp khác nhau vì đây là bệnh mãn tính, không thể chữa trị dứt điểm mà chỉ mang tính giảm nhẹ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mục tiêu của việc kiểm soát và điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mãn tính gây đau và viêm. Hầu như không có cách nào chữa trị tuyệt đối nhưng trong vài năm trở lại đây, những biện pháp điều trị mới đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các bác sĩ thường sẽ đề nghị kết hợp giữa dùng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh tốt hơn. Đôi khi, phẫu thuật và các liệu pháp điều trị khác cũng có thể cần thiết.
Việc điều trị viêm khớp dạng thấp mang tính toàn diện và tập trung vào giảm triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp, giảm đau hàng ngày và đảm bảo người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
2. Những phương pháp điều trị phổ biến
2.1. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Hiện nay, có nhiều loại thuốc được áp dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc có thể làm chậm tiến triển của bệnh, giảm viêm và giảm đau. Bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc và liều lượng phù hợp dựa trên tình trạng và phản ứng của người bệnh.
- Thuốc chống viêm khớp dạng thấp tác dụng chậm (DMARDs): Giúp ngăn ngừa tổn thương khớp, thường được dùng trong giai đoạn đầu điều trị. Một số loại phổ biến là Methotrexate, Leflunomide, Hydroxychloroquine và Sulfasalazine.
- Dược phẩm sinh học: Thường dùng kết hợp với DMARD nếu không đủ hiệu quả. Đây là hình thức tương đối mới, nhằm mục đích ngăn không cho hệ miễn dịch tấn công vào khớp. Các dược phẩm phổ biến là Etanercept và Infliximab.
- Thuốc ức chế Janus Kinase (JAK): Là một loại DMARD mới dành cho bệnh nhân không thích ứng với thuốc DMARD truyền thống hoặc tình trạng bệnh không có sự cải thiện. Phổ biến gồm có Tofacitinib và Baricitinib.
- Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID): Giúp giảm viêm và giảm đau khớp, phổ biến là ibuprofen hoặc Naproxen.
- Chất ức chế COX-2: Ít tác dụng phụ hơn và an toàn hơn khi sử dụng hàng ngày. Phổ biến có Celecoxib.
- Steroid: Được dùng dưới dạng tiêm hoặc dạng viên, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp do có tác dụng phụ nghiêm trọng.
2.2. Vật lý trị liệu và trị liệu nghề nghiệp
Chuyên gia vật lý trị liệu giúp giảm đau khớp thông qua mát-xa và kích thích cơ, đồng thời hướng dẫn thêm những bài tập ở nhà để tăng cường sức khỏe cũng như giảm đau. Trong khi đó, chuyên gia trị liệu nghề nghiệp là một khái niệm còn khá mới, với mục tiêu là hỗ trợ người bệnh duy trì khả năng tự mình thực hiện các hoạt động hàng ngày. Họ có thể đề xuất và hỗ trợ thiết bị nhằm giúp đỡ người bệnh.
Những dụng cụ hỗ trợ thường dùng là nẹp, niềng răng, dụng cụ hỗ trợ đi lại, tay nắm gắn trên chai lọ, tay nắm cửa, lan can cho cầu thang và thanh phòng tắm để hỗ trợ.
2.3. Phẫu thuật điều trị viêm khớp dạng thấp
Khi viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật có thể cần thiết để sửa chữa khớp bị hư hỏng. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Nội soi khớp và cắt bao hoạt dịch: Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có thể được sử dụng để thực hiện phẫu thuật cắt bao hoạt dịch, loại bỏ lớp niêm mạc bị viêm của khớp.
- Sửa chữa gân: Khắc phục các gân xung quanh khớp bị rách hoặc lỏng lẻo.
- Thay khớp: Biện pháp cuối cùng, thay thế toàn bộ phần khớp bị thương bằng khớp nhân tạo.
2.4. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Thay đổi chế độ dinh dưỡng có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Người bệnh nên tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, thành phần nhân tạo và carbohydrate. Thực phẩm hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm cá, quả mọng, bơ, ớt, rau lá màu xanh đậm, cà chua, dầu ô-liu nguyên chất và socola đen. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo thức ăn không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình dùng thuốc.
2.5. Thay đổi lối sống
Giống như việc ăn uống, thay đổi lối sống lành mạnh có thể góp phần làm giảm cơn đau và kiểm soát tình trạng viêm khớp dạng thấp tốt hơn.
- Tăng cường vận động: Duy trì việc vận động bằng các hình thức đơn giản như đi lên xuống cầu thang sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm khớp dạng thấp.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Có tác dụng giảm viêm, phục hồi năng lượng, đặc biệt quan trọng khi các cơn đau bùng phát.
- Điều trị nóng/lạnh: Tắm nước ấm, làm ấm chỗ ngủ có thể giúp dịu các khớp và cơ bắp hoặc sử dụng túi nước đá chườm lạnh giúp giảm đau do sưng khớp và giảm viêm.
2.6. Các bài tập bổ sung
Những bài tập bổ sung thường được áp dụng với các trường hợp đau khớp, viêm khớp. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu khẳng định tất cả đều sẽ hiệu quả trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Do đó tốt hơn hết là hãy trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân. Những bài tập bổ sung này thường bao gồm Mát-xa, tập Yoga, Tai Chi, chăm sóc chỉnh hình, châm cứu và ngồi thiền.
Điều trị viêm khớp dạng thấp đòi hỏi một chiến lược toàn diện kết hợp giữa dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, cải thiện lối sống. Bằng việc thực hiện đúng các phương pháp kiểm soát phổ biến và thường xuyên theo dõi sức khỏe cùng với bác sĩ, người bệnh có thể sống chung với viêm khớp dạng thấp một cách hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.