Viêm khớp bàn chân: Dấu hiệu và cách điều trị

Viêm khớp bàn chân là một vấn đề phổ biến hiện nay, bệnh thường gây ra các cơn đau, sưng và cứng khớp, làm hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đọc bài viết sau đây để hiểu về nguyên nhân cũng như cách kiểm soát triệu chứng bệnh. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. 

1. Viêm khớp bàn chân là gì?

Viêm khớp là một thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng viêm, đau nhức và sưng tại các khớp và mô mềm xung quanh. Viêm khớp bàn chân xảy ra khi một hoặc nhiều khớp ở bàn chân bị tổn thương dẫn tới viêm khớp. Nguyên nhân chính gây viêm khớp ở bàn chân thường do tình trạng rối loạn hệ miễn dịch hoặc bàn chân bị biến dạng cơ học dẫn đến biến đổi mô.  

2. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp bàn chân

Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:  

  • Bệnh nhân bị đau ở khớp bàn chân, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy.
  • Sưng đỏ ở vùng bàn chân, khi chạm vào thì cảm nhận được vùng da nóng hơn so với bình thường.
  • Cảm giác cứng khớp và cần từ 15 - 20 phút xoa bóp thì bệnh nhân mới có thể vận động bình thường lại được.
  • Cơn đau có thể lan sang các khớp khác và thậm chí cả bàn chân.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, nóng và mệt mỏi.

3. Nguyên nhân gây đau khớp bàn chân

Viêm khớp bàn chân có thể bắt nguồn từ những bệnh lý về xương khớp, bệnh lý tự miễn hoặc rối loạn chuyển hoá:

  • Thoái hóa khớp: Đây là một bệnh mãn tính làm sụn khớp bị nứt vỡ và bào mòn. Một số người bị thoái hóa khớp còn đi kèm với tình trạng phì đại xương và các vấn đề khớp khác. Thoái hóa khớp thường gây đau nhức khi vận động, làm xuất hiện hiện tượng cứng khớp và sưng khớp.
  • Viêm khớp sau chấn thương: Các chấn thương đột ngột do tai nạn, chơi thể thao có thể làm tổn thương khớp và các mô mềm xung quanh, khiến khớp bị giảm hoặc mất chức năng tạm thời, cũng như gây đau và sưng viêm ở vị trí chấn thương.
  • Viêm khớp vảy nến: Đây là một dạng bệnh tự miễn, có triệu chứng như sưng phồng ở ngón tay, chân, đau nhức tại các điểm gân và dây chằng, cũng như đau ở gan bàn chân và sau gót chân. Bệnh diễn ra âm thầm hoặc bùng phát đột ngột, theo thời gian làm tổn thương khớp xung quanh
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là dạng bệnh tự miễn nghiêm trọng nhất, gây tổn thương cho màng hoạt dịch của khớp và làm bệnh nhân bị sưng đau. Bệnh kéo dài có thể làm biến dạng khớp, trong trường hợp chuyển biến nặng thì bệnh tiềm ẩn rủi ro gây tàn phế, làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể như tim, mạch máu, phổi...
  • Bệnh Gout: Là một loại bệnh do rối loạn chuyển hóa, do dư thừa axit uric trong cơ thể. Bệnh Gout gây đau âm ỉ và viêm ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân…
  • Hội chứng ống cổ chân: Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh ống cổ chân bị chèn ép, gây tê bì, làm bệnh nhân có cảm giác như bị kim châm ở gan bàn chân hoặc mắt cá chân. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ bị giảm khả năng gập duỗi bàn chân và các ngón chân.

4. Điều trị đau khớp bàn chân

4.1 Sử dụng thuốc trị viêm khớp bàn chân

Có các loại thuốc trị viêm khớp bàn chân như:

  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc chống trầm cảm: Được sử dụng khi cơn đau ảnh hưởng đến giấc ngủ, giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ và giảm đau.
  • Thuốc corticoid: Sử dụng cho những trường hợp viêm khớp bàn chân nặng hoặc liên quan đến rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến… Thuốc corticoid ức chế hệ miễn dịch, giúp giảm đau và phản ứng viêm. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống hay thuốc truyền tĩnh mạch.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Một số loại thuốc như hydroxychloroquine và methotrexate được chỉ định điều trị cho người bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm giúp giảm rối loạn miễn dịch, hạn chế viêm và ngăn bệnh phá hủy khớp.
  • Thuốc sinh học: Kết hợp với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm để tăng hiệu quả kháng viêm và ngăn bệnh phá hủy khớp, có khả năng điều chỉnh gen và những bất thường trong hệ miễn dịch.
  • Thuốc kháng sinh: Sử dụng khi bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân nhiễm trùng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng, các loại thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng với hoạt chất và liều lượng khác nhau. Thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn nhưng không có tác dụng giảm sưng, đau. Do đó, bệnh nhân cần kết hợp sử dụng loại thuốc khác để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Tiêm tại chỗ: Thuốc chống viêm được tiêm trực tiếp vào vị trí khớp bị viêm, thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc viêm khớp cấp tính.
  • Tiêm collagen: Nhằm bổ sung dịch nhờn cho khớp, giảm viêm và ngăn ngừa mô sụn bị phá hủy.
  • Tiêm huyết tương giảm tiểu cầu: Bác sĩ sẽ chỉ định cho các trường hợp viêm khớp mãn tính. 
Viêm khớp bàn chân là tình trạng một hoặc nhiều khớp thuộc bàn chân bị tổn thương dẫn tới viêm khớp.
Viêm khớp bàn chân là tình trạng một hoặc nhiều khớp thuộc bàn chân bị tổn thương dẫn tới viêm khớp.

4.2 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu được áp dụng nhằm hỗ trợ giảm đau, giảm viêm và cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân mắc viêm khớp bàn chân. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập đơn giản kết hợp với các liệu pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu...

Vật lý trị liệu có tác dụng làm dịu cảm giác đau, giảm viêm sưng khớp, hạn chế cứng khớp, đồng thời cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì sức khỏe hệ cơ xương khớp.

4.3 Nghỉ ngơi và liệu pháp thay thế

Trong một số trường hợp mắc viêm khớp bàn chân, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp, kết hợp sử dụng các liệu pháp thay thế như sau:

  • Nghỉ ngơi: Đối với những tình trạng viêm sưng hoặc viêm khớp bàn chân, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi, tránh cử động và đi lại nhiều. Việc nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên khớp và các mô mềm xung quanh, cũng như làm dịu cơn đau và hạn chế tổn thương phát triển. Bệnh nhân nên kê chân cao hơn tim để giảm sưng và đỏ khớp. Bên cạnh đó, sử dụng nẹp cố định khớp cũng có thể giảm phát sinh các cơn đau.
  • Xoa bóp: Việc xoa bóp nhẹ nhàng ở các ngón chân và lòng bàn chân giúp cải thiện khí huyết, giảm cứng và đau khớp, cũng như hạn chế căng cứng cơ và tăng tính linh hoạt cho bàn chân.
  • Châm cứu: Phương pháp châm cứu có thể giúp giảm đau cho bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân. Châm cứu sử dụng các cây kim nhỏ châm vào các huyệt. Mặc dù mang lại hiệu quả, nhưng biện pháp này nên được thực hiện bởi những người có chuyên môn.

4.4 Phẫu thuật điều trị viêm khớp bàn chân

Phẫu thuật điều trị viêm khớp bàn chân thường được chỉ định cho những trường hợp chuyển biến nặng và có những điều kiện như sau:

  • Đã thất bại trong quá trình điều trị bảo tồn.
  • Khớp bàn chân bị phá hủy và không thể hồi phục.
  • Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phẫu thuật loại bỏ một phần khớp hay thay khớp nhân tạo thì tốt hơn. 
Một số trường hợp người bệnh viêm khớp bàn chân cần được nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp.
Một số trường hợp người bệnh viêm khớp bàn chân cần được nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp.

5. Biện pháp chăm sóc bệnh nhân bị đau khớp bàn chân

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cũng cần biết cách chăm sóc bàn chân để giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị hiệu quả:

  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi và tránh vận động mạnh, làm việc gắng sức. Ngủ đủ giấc và hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu và thuốc lá để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp phát triển và giảm khả năng bùng phát các cơn đau khớp cấp tính.
  • Sử dụng nẹp khi cần: Một số trường hợp cần sử dụng nẹp khi ngủ hoặc khi thực hiện các hoạt động có thể gây tổn thương đến khớp bàn chân. Điều này giúp cố định khớp bị viêm, giảm đau và giảm tổn thương tiến triển.
  • Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng đối với bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân. Các loại thực phẩm lành mạnh hỗ trợ giảm viêm, đau và sưng, ngăn ngừa tổn thương tiến triển cũng như điều chỉnh nồng độ axit uric trong máu. Hơn nữa, việc tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin và canxi không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp phát triển mà còn duy trì sức khỏe xương. Các nhóm thực phẩm cần được bổ sung bao gồm rau xanh, trái cây, các loại trứng, hạt, thịt, cá, các loại đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa,...
  • Duy trì vận động: Bệnh nhân không nên ngồi và nằm yên một chỗ quá lâu. Khi triệu chứng sưng đau khớp bàn chân thuyên giảm, người bệnh nên đi lại quanh nhà và tập thể dục với các bài tập có cường độ thích hợp như yoga, dưỡng sinh… Duy trì vận động khớp thường xuyên và luyện tập đúng cách sẽ giúp bệnh nhân cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, tăng sức mạnh cơ bắp, thư giãn khớp xương và tăng cường khả năng vận động. Đồng thời, vận động mỗi ngày cũng hỗ trợ giảm đau và hạn chế cứng khớp
Yoga giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, giảm các triệu chứng viêm khớp bàn chân.
Yoga giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, giảm các triệu chứng viêm khớp bàn chân.

Tóm lại, viêm khớp bàn chân có nhiều dạng và mức độ nghiêm trọng mỗi dạng cũng khác nhau. Phần lớn các trường hợp đau khớp bàn chân đều có diễn biến phức tạp, với triệu chứng đa dạng và phương pháp điều trị được cá nhân hóa tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu như sưng, đau khớp, nóng đỏ vùng da quanh khớp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe