Vị trí gãy xương đòn thường gặp nhất

Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp, đặc biệt ở trẻ em và người trẻ tuổi. Phần lớn các trường hợp gãy xương đòn là gãy 1/3 giữa xương đòn với tỷ lệ 69% - 82%. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gãy 1/3 trong hay 1/3 ngoài xương đòn, có hoặc không kèm theo các tổn thương khác như tổn thương mạch máu, dây thần kinh, chọc thủng da,...

1. Gãy xương đòn là gì?

Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp và chiếm khoảng 2.6% trong tất cả các trường hợp gãy xương. Xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh là một xương dài có hình chữ S, mỏng và dẹt nên rất dễ bị gãy. Xương đòn có một đầu đòn khớp với xương ức qua khớp đòn, đầu còn lại khớp với xương bả vai qua khớp cùng đòn vai từ đó xương cánh tay được treo vào qua khớp vai, nhờ đó giúp treo cánh tay vào thân mình giống như cánh máy bay gắn vào thân máy bay. Xương đòn mỏng, dẹt và nằm ở ngay dưới da. Bình thường khi mặc áo hở cổ có thể dễ dàng nhìn thấy rõ xương đòn. Gãy xương đòn bả vai có thể xảy ra do chấn thương trực tiếp và cả chấn thương gián tiếp.

2. Vị trí gãy xương đòn thường gặp nhất

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn là gãy 1/3 giữa xương đòn với tỷ lệ 69% - 82%. Đây là thể điển hình, thường gặp nhất và có đặc điểm sau:

  • Dễ chẩn đoán.
  • Đường gãy có thể chéo, ngang hay có mảnh thứ 3.
  • Di lệch nhiều và các di lệch thường gặp bao gồm chồng ngắn, sang bên: Đầu gần bị kéo lên do cơ ức đòn chũm, đầu xa bị kéo xuống dưới do các cơ ngực, cơ delta, cơ dưới đòn và trọng lực cánh tay.

Bệnh nhân cũng có thể bị gãy xương đòn ở các vị trí khác như gãy 1/3 trong hoặc 1/3 ngoài xương đòn. Trường hợp gãy 1/3 trong thường ít gặp và ít di lệch. Còn gãy 1/3 ngoài xương đòn ít di lệch nếu không đứt dây chằng quạ đòn, nhưng sẽ di lệch nhiều giống như trật khớp cùng đòn nếu đứt dây chằng này. Ngoài ra, bệnh nhân gãy xương đòn có thể kèm theo tổn thương khác như:

  • Tổn thương đám rối cánh tay do bị kéo căng hay đè ép, đặc biệt khi có kèm theo gãy xương sườn thứ nhất.
  • Tổn thương động mạch và tĩnh mạch dưới đòn.
  • Tổn thương đỉnh phổi gây tràn khí, tràn máu màng phổi.
  • Gãy xương sườn, đặc biệt là xương sườn thứ nhất.
  • Chọc thủng da trong trường hợp gãy xương hở.

3. Triệu chứng của gãy xương đòn

Bệnh nhân bị gãy xương đòn bả vai có thể có các triệu chứng sau:

  • Vùng xương đòn có vết bầm tím, sưng, đau.
  • Vùng vai bị sụp hẳn xuống hoặc chùng xuống vì xương đòn bị gãy, không còn thực hiện công dụng giữ và treo cánh tay với bả vai.
  • Cơn đau tăng lên nếu như bệnh nhân cố gắng cử động dang cánh tay.
  • Cơn đau tăng lên khiến tay bị tê và có cảm giác châm chích.
  • Bệnh nhân uống thuốc giảm đau nhưng không có hiệu quả.
  • Vùng vai bị biến dạng, xương đâm ra khỏi da. Trường hợp này cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để sớm điều trị.

3. Điều trị gãy xương đòn như thế nào?

Mặc dù gãy xương có tỷ lệ cao nhất trong các loại chấn thương xương nhưng cũng rất dễ lành. Phần lớn bệnh nhân gãy xương đòn được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. tiêu của điều trị bảo tồn là phục hồi lại chức năng của khớp vai giống như trước khi bị gãy xương. Điều trị bảo tồn thường được chỉ định ở những bệnh nhân gãy xương đòn không di lệch hay di lệch ít (dưới 15mm). Có một số kỹ thuật điều trị bảo tồn gãy xương đòn nhưng 2 phương pháp thông dụng nhất là treo tay và băng số 8. Điều trị bằng treo tay sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, tuy nhiên không có sự khác biệt về tỉ lệ liền xương giữa 2 kỹ thuật này. Bệnh nhân cần được bất động từ 2 - 6 tuần để tạo điều kiện cho quá trình liền xương. Sau 2 - 4 tuần bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng nhưng không nên đưa tay cao quá đầu. Các hoạt động nâng tay cao quá đầu, lao động nặng hoặc chơi thể thao chỉ được thực hiện sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ.

Trong một số trường hợp gãy xương đòn không thể điều trị bảo tồn thì phẫu thuật chính là liệu pháp tốt nhất giúp phục hồi chức năng xương cho người bệnh. Thông thường là các trường hợp sau đây sẽ được chỉ định phẫu thuật: Gãy xương đòn có đầu gãy di lệch ngay sát dưới da, có nguy cơ chọc thủng da, gãy xương đòn di lệch hoàn toàn, gãy di lệch chồng ngắn > 2cm, gãy phức tạp với mảnh di lệch xoay ngang, vết gãy gây chèn ép bó mạch, đám rối thần kinh, gãy đầu trong xương đòn với mảnh gãy chèn ép cấu trúc trung thất, gãy nhiều xương hoặc điều trị bảo tồn thất bại. Phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân sớm phục hồi chức năng và quay trở lại vận động sinh hoạt hàng ngày.

4. Gãy xương đòn nên làm gì để mau lành?

Để xương đòn nhanh chóng hồi phục, bệnh nhân nên vận động khuỷu, cổ, bàn tay một cách phù hợp, tránh các hoạt động gắng sức ngay sau khi bắt đầu điều trị bảo tồn hoặc ngay sau phẫu thuật. Các bài tập cần bắt đầu bằng vận động thụ động, tăng dần lên chủ động và có kháng trở. Bệnh nhân có thể áp dụng bài tập con lắc theo Codman: Cúi gập người khoảng 90 độ, tay lành tì lên bàn, tay tổn thương để thõng tự do đu đưa như con lắc. Cường độ hoạt động nên được cân nhắc và tư vấn từ các bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia phục hồi chức năng. Bệnh nhân nên đi tái khám một tuần một lần trong 2 tuần đầu và 2 tuần một lần trong 4 tuần tiếp theo hoặc cho đến khi hết đau và chức năng vận động đạt yêu cầu.

Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống để giảm đau và giúp xương mau lành. Bệnh nhân nên tránh các thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê và nước ngọt có thể làm giảm hấp thụ canxi và chậm quá trình liền xương. Rượu và một số thức uống có cồn cũng trì hoãn quá trình liền xương và cũng có thể khiến bệnh nhân đi đứng không vững, dễ bị té ngã và có nguy cơ bị thương và gãy xương nặng hơn. Bệnh nhân nên tăng cường bổ sung canxi. Các loại thực phẩm giàu canxi bao gồm măng tây, rau chân vịt, củ cải xanh, cải bắp, cải cúc, cải xoăn, lá su hào, sữa không béo, củ cải, bông cải xanh, cá hộp, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, sữa chua, hạnh nhân,.... Ngoài canxi, magie cũng là một yếu tố không thể thiếu để xương mau chóng phục hồi. Các loại thực phẩm giàu magie gồm sữa, đậu tương, bơ, thịt, mủ trôm, cá thu, lạc, rau ngót, rau mồng tơi, cải xanh, chuối, khoai lang....

Tóm lại, gãy 1/3 giữa xương đòn là thể lâm sàng thường gặp nhất. Khi có dấu hiệu gãy xương đòn, bệnh nhân cần tới khoa chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện để được thăm khám. Tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và tình trạng gãy xương, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe