Gãy xương sườn: Những điều cần biết

Gãy xương sườn là một dạng chấn thương phổ biến khi một hoặc nhiều xương trong khung sườn bị nứt hoặc gãy. Nguyên nhân chính thường là do các chấn động mạnh đến vùng ngực, chẳng hạn như ngã, tai nạn giao thông hoặc va đập khi tham gia các hoạt động thể thao.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Các tổn thương do chấn thương ngực kín có thể gặp

Trong nhiều tình huống, xương sườn có thể chỉ bị rạn, không gây nguy hiểm như trường hợp bị gãy xương sườn, mặc dù vẫn gây đau đớn. Tuy nhiên, một số trường hợp gãy xương sườn có thể làm tổn thương các cơ quan xung quanh như phổi, dẫn đến suy hô hấp và thậm chí tử vong. Ngoài ra, gãy nhiều xương sườn có thể tạo thành mảng sườn di động, làm suy giảm chức năng hô hấp và tuần hoàn.

1.1 Gãy xương sườn

  • Điểm đau khu trú: Khi bệnh nhân thở hoặc bác sĩ khám tìm điểm đau có thể xảy ra cảm giác đau. Để xác định điểm đau chói, bác sĩ sẽ dùng ngón tay trỏ ấn dọc theo xương sườn từ trước ra sau hoặc dùng lòng bàn tay ấn nhẹ lên xương ức của bệnh nhân để phát hiện các điểm đau chói trên xương sườn bị gãy.
  • Điểm biến dạng xương sườn: Bằng cách sờ dọc theo bờ sườn từ phía trước ra phía sau, bác sĩ có thể phát hiện được điểm gãy xương sườn bị nhô lên hoặc xương sườn mất đi sự liên tục. Tại vị trí này, khi đặt ngón tay lên và yêu cầu bệnh nhân hít thở, bác sĩ sẽ xác định được các triệu chứng di động bất thường và cảm giác "lạo xạo" của đầu xương sườn gãy.

1.2 Mảng sườn di động

Mảng sườn di động là một loại gãy xương sườn đặc thù, trong đó có tối thiểu ba xương sườn liền kề bị gãy ở cả hai đầu, các điểm gãy ở mỗi đầu nằm gần như trên cùng một đường thẳng qua các điểm gãy tương ứng của các xương sườn kế cận.

Bên cạnh các triệu chứng thông thường của gãy xương sườn, mảng sườn di động còn có những biểu hiện đặc trưng khác như sau:

  • Di động ngược chiều của mảng sườn di động so với cử động hô hấp chung của lồng ngực: Khi hít vào, cả lồng ngực mở rộng nhưng mảng sườn di động lại co vào. Ngược lại, khi thở ra, lồng ngực xẹp lại nhưng mảng sườn di động lại lồi lên.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu suy tuần hoàn và suy hô hấp nặng.

1.3 Tràn khí dưới da

Tràn khí dưới da thường xảy ra khi xương sườn gãy, chọc rách lá thành màng phổi cũng như nhu mô phổi. Khí từ phổi sẽ thoát qua khoang màng phổi, đi qua vết rách lá thành màng phổi và tràn vào tổ chức dưới da của thành ngực.

  • Vùng ngực bị phình to và biến dạng do khí bị tràn dưới da. Đôi khi, tình trạng tràn khí có thể lan rộng đến vùng cổ và mặt làm cho những vị trí này bị biến dạng nặng nề, trông rất đáng sợ. Tuy nhiên, tình trạng này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
  • Dưới vùng da bị tràn khí xuất hiện âm thanh “lép bép” khi ấn vào.

1.4 Tràn máu khoang màng phổi

Tràn dịch màng phổi phát sinh khi máu chảy vào khoang màng phổi từ các mạch máu thành ngực, trung thất hoặc từ nhu mô phổi bị tổn thương.

  • Hội chứng tràn dịch khoang màng phổi: Rung thanh giảm, tiếng rì rào phế nang giảm và âm thanh gõ đục (hội chứng ba giảm) suy giảm. Lồng ngực căng và các khe liên sườn mở rộng.
  • Chọc hút thăm dò khoang màng phổi: Thường chọc ở liên sườn VII trên đường nách giữa hoặc liên sườn VIII đường nách sau.

1.5 Tràn khí khoang màng phổi

Khí vào trong khoang màng phổi thường từ nhu mô phổi hoặc phế quản bị tổn thương.

  • Các dấu hiệu của Hội chứng tràn khí trong khoang màng phổi bao gồm: giảm rung thanh, rì rào phế nang giảm và âm thanh vang trống khi gõ ngực (tam chứng Galliard). Lồng ngực căng phồng, các khe liên sườn mở rộng.
  • Biểu hiện tràn khí dưới da ở vùng ngực bị tổn thương.
  • Thủ thuật chọc hút khoang màng phổi thường được chọc ở vị trí liên sườn thứ hai đường giữa đòn.

1.6 Tràn khí màng phổi van

Bệnh lý này là một thể đặc biệt của tràn khí màng phổi, khi khí tràn vào màng phổi thông qua vết thương phế quản trong khi hít vào, nhưng không thể thoát ra được khi thở ra, dẫn đến tăng áp lực và tràn khí khoang màng phổi.

  • Nhanh chóng xuất hiện hội chứng tràn khí màng phổi nghiêm trọng.
  • Gõ thấy vùng đục của tim và trung thất bị lệch về phía lành. Nghe phổi có thể nghe thấy tiếng rít do khí đi qua vết thương khí quản trong khi hít vào.  
  • Bệnh nhân gãy xương sườn trong trường hợp này thường phát triển suy hô hấp và suy tuần hoàn nghiêm trọng và nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

1.7 Tràn khí trung thất

Khí thoát ra từ phế quản bị tổn thương có khả năng tràn vào trung thất, gây chèn ép lên các mạch máu và tim trong vùng cổ và trung thất.

  • Bệnh nhân thường có dấu hiệu cổ to lên, các tĩnh mạch ở vùng cổ căng lên. Gương mặt của bệnh nhân bị sưng nề và bầm tím. Khi sờ cảm nhận được tình trạng "lép bép" dưới da ở vùng nền cổ và cổ.
  • Ngoài ra, bệnh nhân gãy xương sườn thường xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp nghiêm trọng.

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

Hình ảnh gãy xương sườn.
Hình ảnh gãy xương sườn.

2. Chẩn đoán

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng ấn vào xương sườn, lắng nghe phổi và quan sát sự di chuyển của khung xương lồng ngực khi thở.

Các xét nghiệm hình ảnh được bác sĩ yêu cầu bao gồm một hoặc nhiều trong các loại sau:

  • X-quang: Bác sĩ sẽ sử dụng X-quang để xem qua tình trạng của xương. Tuy nhiên, phương pháp này thường không đủ hiệu quả để chẩn đoán các vết gãy xương sườn gần đây, đặc biệt là khi xương chỉ bị nứt. X-quang cũng hữu ích trong quá trình chẩn đoán xẹp phổi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này thường có khả năng phát hiện những vết gãy xương sườn mà không thể thấy được khi sử dụng phương pháp chụp X-quang. Ngoài ra, các tổn thương ở mô mềm và mạch máu cũng dễ dàng nhận thấy trên hình ảnh CT. Kỹ thuật này sử dụng nhiều góc độ chụp X-quang và kết hợp lại để tạo ra các hình ảnh cắt ngang của cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này dùng để kiểm tra các mô mềm và các cơ quan xung quanh xương sườn để phát hiện có gãy xương sườn hay không. MRI cũng có khả năng phát hiện các gãy xương sườn khó thấy bằng cách sử dụng kết hợp năng lượng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang.
  • Xạ hình xương: Xạ hình xương rất hiệu quả trong quá trình phát hiện các vết gãy xương do chấn thương lặp đi lặp lại. Trong quá trình xạ hình xương, các bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào máu. Chất này sẽ tập trung vào xương, đặc biệt là những vị trí xương đang hồi phục và có thể được nhìn thấy bằng máy quét.
Chụp cộng hưởng từ có thể giúp phát hiện dấu vết gãy xương sườn khó thấy.
Chụp cộng hưởng từ có thể giúp phát hiện dấu vết gãy xương sườn khó thấy.

3. Điều trị gãy xương sườn

Đầu tiên, người gãy xương sườn sẽ được cấp cứu để chống sốc, suy hô hấp và suy tuần hoàn:

  • Đảm bảo đường hô hấp thông thoáng: Đặt bệnh nhân ở tư thế dễ thở, hút sạch miệng, hầu họng và khí phế quản (có thể sử dụng đèn soi thanh quản, đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản để hút và duy trì sự thông thoáng của đường thở nếu cần).
  • Đảm bảo lượng Oxy và khí trao đổi trong phổi: Cung cấp Oxy cho bệnh nhân. Nếu cần, bác sĩ sẽ tiến hành thông khí phổi nhân tạo.
  • Phục hồi khối lượng máu tuần hoàn: Truyền dịch, truyền máu, trợ tim...
  • Giảm đau: Sử dụng các thuốc giảm đau toàn thân hoặc phong bế thần kinh liên sườn.
  • Xử lý các tổn thương: Cố định xương sườn bị gãy, hút hết máu và khí trong khoang màng phổi để phổi có thể nở ra hoàn toàn.
  • Sử dụng kháng sinh, nâng đỡ tình trạng toàn thân…

Phương pháp điều trị cụ thể bao gồm:  

3.1 Gãy xương sườn

Nếu chỉ gãy vài xương sườn, tình trạng này thường chỉ cần dùng băng dính để cố định. Xương sườn thường tự lành trong khoảng sáu tuần. Để tăng tốc quá trình lành vết thương và giảm đau, người bệnh nên hạn chế hoạt động và thường xuyên chườm lạnh lên vết thương.

3.2 Mảng sườn di động

Khi phát hiện mảng sườn di động, các biện pháp tạm thời cần thực hiện ngay lập tức bao gồm: áp chặt lên mảng sườn bằng tay để cố định, đặt bệnh nhân nằm nghiêng để đè lên mảng sườn di động, đặt đệm bông lên vị trí mảng sườn và băng vòng quanh lồng ngực, sử dụng kìm có mấu để kẹp mảng sườn và giữ bằng tay...  

Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp điều trị như: kết xương sườn bằng kim loại, kéo liên tục mảng sườn, khâu cố định trên khung hoặc khâu cố định các sườn gãy vào nhau, và thở máy.

Bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp điều trị gãy xương sườn như: kết xương sườn bằng kim loại, kéo liên tục mảng sườn.
Bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp điều trị gãy xương sườn như: kết xương sườn bằng kim loại, kéo liên tục mảng sườn.

3.3 Tràn máu và khí trong khoang màng phổi

Bác sĩ cần tiến hành hút hết máu trong khoang màng phổi và thúc đẩy phổi giãn ra gần thành ngực. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chọc hút hoặc lưu khoang màng phổi.

  • Chọc hút khoang màng phổi là một phương pháp điều trị đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu sự theo dõi chặt chẽ và thực hiện nhiều lần để đảm bảo phổi mở rộng gần đến thành ngực.
  • Dẫn lưu khoang màng phổi tối thiểu giúp cho phổi có thể nở rộng gần sát thành ngực nhanh chóng hơn, thông qua việc sử dụng ống dẫn lưu có thể theo dõi sự tiến triển của chảy máu trong ngực. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi điều kiện vô khuẩn tốt, máy hút liên tục và sự theo dõi chặt chẽ.

4. Gãy xương sườn bao lâu thì lành?

Thời gian phục hồi sau khi gãy xương sườn dao động từ 1 đến 6 tháng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mức độ tổn thương. Quá trình này cũng phụ thuộc vào chế độ tập luyện và dinh dưỡng. Nếu gãy xương sườn có kèm các tổn thương đồng thời ở các cơ quan như phổi, gan, lách, thận,... thì thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe