Vì sao người đái tháo đường dễ bị gãy xương là một câu hỏi quan trọng trong việc hiểu rõ tác động của bệnh lý này đối với sức khỏe toàn diện của người bệnh. Bài viết này sẽ giải thích những cơ chế sinh lý và yếu tố nguy cơ khiến người đái tháo đường dễ bị gãy xương, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Tổng quan về đái tháo đường
Trước khi lý giải câu hỏi vì sao người đái tháo đường dễ bị gãy xương, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết tăng cao do cơ thể bị suy giảm khả năng tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Khi đường huyết cao kéo dài, bệnh có thể gây rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo, dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan như tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.
- Đái tháo đường type 1: Do các tế bào beta trong tuyến tụy bị phá hủy, khiến cơ thể thiếu insulin hoàn toàn.
- Đái tháo đường type 2: Xảy ra khi các tế bào beta trong tuyến tụy giảm chức năng trên nền kháng insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: Thường được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ ở những phụ nữ không có tiền sử mắc đái tháo đường trước đó.
Ngoài ra, đái tháo đường có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc/hóa chất (như glucocorticoid, thuốc điều trị HIV/AIDS) hoặc sau phẫu thuật cấy ghép.

2. Cơ chế khác nhau giữa 2 loại đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường không chỉ làm tình trạng thưa xương (điểm T từ -1 đến -2,5) và loãng xương (điểm T ≤ -2,5) trở nên nghiêm trọng hơn, mà còn là một trong những nguyên nhân gây yếu xương. Tuy nhiên, mức độ suy yếu xương giữa bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2 sẽ khác nhau.
Ở đái tháo đường type 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin), tình trạng thiếu insulin sẽ gây ra tình trạng tăng đường huyết, thường xảy ra ở người trẻ. Ngoài các biến chứng thần kinh, bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 thường có khối lượng xương thấp ở các vị trí như khớp hông, cổ xương đùi và cột sống, làm tăng nguy cơ gãy xương.
Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường type 2 (đái tháo đường không phụ thuộc insulin), có mật độ xương ở cổ xương đùi cao hơn. Tuy nhiên, một số báo cáo khác lại chỉ ra rằng mật độ xương ở hông của người bệnh đái tháo đường type 2 lại thấp hơn so với người bình thường cùng lứa tuổi.
Ngoài ra, người mắc đái tháo đường type 2 có nguy cơ gãy xương cao hơn tại các vị trí như cột sống và khớp hông. Các vụ gãy xương và té ngã này có thể do các vấn đề như suy giảm thị lực (do bệnh võng mạc đái tháo đường và đục thủy tinh thể), mất cân bằng dáng đi (do bệnh lý thần kinh ngoại biên) và thừa cân, những vấn đề thường gặp ở người đái tháo đường type 2.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên ở đái tháo đường type 2 cũng có thể làm tổn thương xương ở các khớp chịu trọng lượng (như mắt cá chân và bàn chân), gây ra bệnh xương khớp Charcot, dẫn đến đau, gãy xương và biến dạng khớp.
Đái tháo đường type 1 thường xuất hiện ở người trẻ, trước khi bộ xương đạt được khối lượng xương tối đa. Trong khi đó, đái tháo đường type 2 thường xảy ra ở người trưởng thành, khi khối lượng xương đạt đỉnh. Vì vậy, tác động của đái tháo đường type 1 và type 2 đối với xương có sự khác biệt rõ rệt.
Cụ thể, mật độ xương ở cổ xương đùi của người mắc đái tháo đường type 1 thấp hơn nhiều so với người mắc đái tháo đường type 2, ở cả nam và nữ. Sự khác biệt này có thể do bệnh nhân đái tháo đường type 1 thiếu insulin, một yếu tố quan trọng trong quá trình tạo xương, giúp kích thích sự tăng sinh và biệt hóa tế bào tạo xương.
Hơn nữa, thời gian mắc bệnh của đái tháo đường type 1 và type 2 cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ tổn thương xương và kết quả điều trị, dẫn đến những khác biệt trong tiên lượng bệnh.

3. Vì sao người đái tháo đường dễ bị gãy xương hơn người bình thường?
Ngoài mật độ khoáng xương thấp, một số yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, trọng lượng cơ thể, tiền sử gãy xương, hút thuốc lá, sử dụng corticosteroid và viêm khớp dạng thấp cũng là những yếu tố nguy cơ gãy xương do loãng xương. Cả hai loại đái tháo đường đều có các yếu tố nguy cơ này, góp phần làm tăng khả năng gãy xương.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, nguy cơ gãy xương có thể tăng từ 1,3 đến 3 lần cho bất kỳ gãy xương nào và tăng 2,4 lần đối với gãy xương bàn chân. Đặc biệt, nguy cơ gãy xương hông có thể tăng lên từ 6 đến 9 lần.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2, thuốc hạ đường huyết nhóm Thiazolidinediones (TZD) đã được ghi nhận là làm tăng nguy cơ gãy xương ở cả nam và nữ. Các thuốc này tác động trực tiếp lên quá trình hình thành xương bằng cách định hướng các tế bào gốc trung mô là tế bào mỡ thay vì tế bào tạo xương.
Thêm vào đó, tình trạng cường cận giáp thứ phát ở bệnh thận đái tháo đường cũng làm tăng chu chuyển xương và giảm mật độ khoáng xương, làm cho bệnh nhân dễ bị gãy xương hơn. Bệnh thần kinh ngoại biên ở đái tháo đường còn gây hạn chế khả năng vận động và làm giảm mật độ xương, trong khi bệnh thần kinh tự trị có thể dẫn đến hạ huyết áp tư thế, tăng nguy cơ ngã và gãy xương.

Tóm lại, đái tháo đường là một bệnh lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Cả hai loại đái tháo đường type 1 và type 2 đều làm tăng nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương. Mặc dù cơ chế gây bệnh có sự khác biệt, nhưng cả hai loại bệnh đều làm suy yếu sức mạnh của bộ xương, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cung cấp dịch vụ tầm soát loãng xương, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ gãy xương cho người bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.