Ăn uống ở trẻ bại não

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Việc ăn uống của trẻ mắc bệnh bại não luôn gặp khó khăn và không theo kịp được các mốc phát triển cảm giác - vận động miệng so với những đứa trẻ bình thường. Khiếm khuyết ăn uống ở trẻ em mắc bệnh bại não được xếp vào nhóm rối loạn nuốt có nguồn gốc thần kinh.

1. Vấn đề ăn uống ở trẻ bại não

Vấn đề ăn uống có thể rất phức tạp đối với trẻ em bị bại não, trên thực tế, ước tính 35% trẻ em bị bại não bị suy dinh dưỡng. Các trẻ bại não thường gầy, suy dinh dưỡng do ăn uống kém, trẻ hay bị ốm, trẻ gồng cứng cả ngày làm tiêu hao nhiều năng lượng nên càng làm cho trẻ suy dinh dưỡng nặng hơn. Do vậy, việc chăm sóc cho trẻ bại não ăn uống là vấn đề rất cần thiết và quan trọng, trẻ bại não cần ăn gì, ăn như thế nào để tăng cân, không sặc, không bị táo bón...là câu hỏi rất nhiều cha mẹ đến khám bệnh và xin tư vấn bác sĩ.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, thành phần dinh dưỡng cân đối:

  • Protein: Thịt, cá, trứng, sữa...
  • Glucid: Gạo, ngũ cốc,khoai...
  • Lipid: Mỡ, dầu ăn
  • Vitamin, khoáng chất và chất xơ: Cân đối thành phần rau xanh, hoa quả...

Nên cho trẻ mắc bệnh bại não ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa, những món ăn đa dạng. Đối với trẻ bại não trong độ tuổi ăn dặm thì ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung thêm những thức ăn khác như cháo hoặc sữa, trường hợp trẻ kém ăn thì cần chia nhỏ ra làm nhiều bữa, ăn nhiều lần trong ngày.

Với những trẻ co cứng cơ nhiều, cử động miệng, lưỡi khó khăn cần tập luyện cho trẻ để tăng cường cơ miệng và sử dụng lưỡi hiệu quả hơn, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn, giảm nguy cơ sặc. Nếu việc tập luyện nhóm cơ nhai nuốt không thành công, trẻ ăn kém, hay nôn trớ thì việc phẫu thuật đặt ống nuôi dưỡng dạ dày để cho trẻ ăn là giải pháp cần tính đến để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Tư thế đúng khi chăm sóc trẻ bại não, cho ăn cũng rất quan trọng, để tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng nuốt thức ăn, tránh sặc, nôn trớ. Bế và nâng đỡ đầu trẻ cho hơi cúi, giúp mềm các nhóm cơ dựng sống, nhóm cơ cổ, khi đút thức ăn cho trẻ nên đưa thức ăn từ dưới lên, tránh kích thích trẻ nhìn ngược.

Có 3 vấn đề bất thường chính trong việc nuốt:

  • Chức năng của lưỡi kém
  • Trẻ không muốn nuốt
  • Giảm cử động hầu

Trong việc nhai, trẻ bại não cũng gặp phải khó khăn, phản xạ thè lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài nhưng đôi khi lưỡi lại được giữ chặt lên trên vòm cứng và làm cho thức ăn bị ép lại thay vì được nhai. Vì thế, khi thức ăn được đưa ra phía sau khoang miệng, không tạo được viên thức ăn để tạo phản xạ nuốt, dẫn đến kết quả là nôn và sặc. Bên cạnh những khó khăn trong kiểm soát tư thế, những khó khăn của vận động đầu cổ, chi trên, cầm nắm làm cho trẻ bại não khó đạt được những kỹ năng tự ăn uống.


Ăn thức ăn giàu protein có lợi cho trẻ bại não
Ăn thức ăn giàu protein có lợi cho trẻ bại não

2. Làm cách nào để trẻ bại não có thể ăn uống dễ dàng?

Vì tất cả những vấn đề và nguyên nhân trên, các nhà chuyên môn đưa ra các phương án xử trí với mục đích:

  • Đảm bảo dinh dưỡng và an toàn trong khi ăn, tránh hít sặc thức ăn
  • Hình thành mẫu hoạt động ăn uống đúng của môi, lưỡi, hàm
  • Giúp trẻ tự lập trong việc ăn uống, hình thành hành vi ăn uống tốt

2.1 Điều hòa cảm giác vùng môi miệng

  • Thu nhận cảm giác từ phần xa đến phần gần: 2 tay, mặt, miệng
  • Tiến hành xoa bóp bằng ngón tay 2 bên cơ má, bên trong má, trên lưỡi,và lợi của trẻ với lực thích hợp.
  • Nhiệt độ và kết cấu của thức ăn có vai trò cung cấp nhận thức và điều hòa cảm giác trong miệng. Thức ăn đặc và rắn cung cấp được nhiều thông tin về cảm giác nhiều hơn cho trẻ.

2.2 Tư thế bú đúng

Các tư thế tạo thuận cho ăn uống:

  • Tư thế ngồi vớ đầu và lưng thẳng, 2 tay hướng về đường giữa, bảo đảm sự thư giãn, thoải mái và tạo thuận cho hoạt động ăn uống.
  • Giữ đầu và tay trẻ gập đưa về trước, luôn luôn giữ thức ăn và thức uống từ phía dưới lên và từ phía trước tới.
  • Đặt trẻ ngồi hơi ngả sau để giữ thẳng bằng, đầu và lưng thẳng (tư thể cho trẻ ngồi trên đùi đối diện mẹ)
  • Khi trẻ thăng bằng tốt hơn hãy đặt trẻ ngồi thẳng, hông gập và dạng qua đùi của mẹ (mẹ và trẻ ngồi đối diện)
  • Kết hợp với sử dụng dụng cụ thích nghi như ghế ngồi đặc biệt dành riêng cho trẻ.

Cho trẻ bại não bú đứng để thuận lợi cho việc ăn uống
Cho trẻ bại não bú đứng để thuận lợi cho việc ăn uống

2.3 Kỹ thuật “điều khiển hàm”

Giúp tăng cường kiểm soát hàm bằng cách nâng đỡ hàm với mức độ nhiều hay ít tùy từng trường hợp.

  • 3 ngón tay người điều trị đặt vào môi dưới, hàm dưới và khớp thái dương hàm
  • Kỹ thuật “điều khiển hàm” sẽ giúp trẻ ngậm miệng, nhai và nuốt tốt hơn.
  • Sử dụng kỹ thuật này khi bé há miệng liên tục, chảy nước dãi và khả năng nhai nuốt kém.
  • Khi phản xạ cắn tăng: Người điều trị ấn với lực sâu trên khớp thái dương – hàm, dùng thìa (muỗng) nhựa phẳng để bảo vệ răng.
  • Khi trẻ thè lưỡi: Sử dụng kỹ thuật “điều khiển hàm” phối hợp với việc dùng đáy muỗng ấn đường giữa lưỡi khi đưa muỗng vào miệng trẻ. Tập các bài tập di chuyển lưỡi qua 2 bên.
  • Khi lưỡi trẻ bị kéo ra sau, chạm vào vòm cứng: vuốt trên lưỡi vớ một áp lực hướng từ sau ra trước, vỗ dưới cằm và duy trì tư thế đầu gập, cằm hướng xuống ngực trong lúc ngồi ăn.

2.4 Cách tập nhai

Đặt thức ăn vào giữa răng hàm

2.5. Tập tự xúc ăn: Giảm dần sự trợ giúp cho trẻ khi ăn uống

Hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ tự bốc, tự cầm thức ăn rồi hướng dẫn trẻ cho tay lên miệng để trẻ cảm nhận, trải nghiệm. Sau đó huấn luyện bằng muỗng, đũa...

Tư thế đúng khi cho trẻ ăn, đối với trẻ bại não có thể sử dụng ghế đặc biệt dành riêng cho trẻ.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe