Những tác động của việc ghép tế bào gốc đơn nhân tủy xương lên chất lượng cuộc sống của trẻ bại não

Nguyễn Thanh Liêm 1 , Nguyễn Hoàng Phương 1, Nguyễn Trung Kiên 1

1 Viện Nghiên Cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, Hà Nội, Việt Nam

Tác giả chịu trách nhiệm: Nguyễn Thanh Liêm

Tạp chí: Health and Quality of Life Outcomes 2018; 16:164

Công bố ngày: 2018-08-14

Link: https://hqlo.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12955-018-0992-x

Bối cảnh nghiên cứu : Chất lượng cuộc sống (QOL) là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả điều trị trẻ bị bại não (CP). Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của ghép tế bào gốc đơn nhân tự thân từ tủy xương (BM MNCs) lên chất lượng cuộc sống của trẻ bại não.

Phương pháp: Từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016, 30 trẻ em bại não tuổi từ 2 đến 15 được nhận 2 lần ghép tế bào gốc đơn nhân tự thân từ tủy xương (BM MNCs), cách nhau 3 tháng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Chức năng vận động và trương lực cơ của bệnh nhi được đánh giá bằng Thang đo Chức năng Vận động Thô (GMFM)-88 và Thang điểm Ashworth cải tiến. Chất lượng cuộc sống của trẻ được đánh giá tại thời điểm trước ghép tế bào gốc và 6 tháng sau lần ghép đầu tiên bằng Bảng hỏi Đánh giá Chất lượng Cuộc sống của Trẻ Bại não (CP QOL-Child). Bảng hỏi này bao gồm 7 lĩnh vực chính và được hoàn thành bởi cha mẹ trẻ. Tổng số 19 bà mẹ (độ tuổi trung bình: 32,9±4,9 tuổi) và 11 ông bố (độ tuổi trung bình: 36,1±6,8 tuổi) được mời tham gia để hoàn thành bảng hỏi CP QOL-Child trước và sau khi ghép tế bào gốc. Kiểm định thống kê t- ghép cặp và phân tích hồi quy đa biến được sử dụng để đánh giá sự thay đổi của điểm Chất lượng cuộc sống và GMFM, đồng thời xác định các yếu tố chính có liên quan đến điểm Chất lượng cuộc sống của trẻ.

Kết quả : Những cải thiện đáng kể về chức năng vận động thô và trương lực cơ của trẻ đã được minh chứng bằng tổng điểm GMFM-88, điểm số cho từng lĩnh vực, điểm phần trăm GMFM-66 và trương lực cơ (P < 0,001). Sáu tháng sau khi ghép tế bào gốc, điểm Chất lượng cuộc sống của trẻ bại não tăng lên đáng kể (P < 0,001) hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ lĩnh vực tiếp cận dịch vụ. Kết quả của phân tích hồi quy đa biến cho thấy mối tương quan thuận giữa tuổi của trẻ và sự tăng lên của Chất lượng Cuộc sống ngoại trừ lĩnh vực cảm giác về chức năng, lĩnh vực đau và ảnh hưởng của tàn tật. Mức độ bại não theo Hệ thống phân loại Chức năng Vận động Thô (GMFCS) có mối tương quan nghịch với điểm số của lĩnh vực đau và ảnh hưởng của tàn tật, trong khi điểm GMFM-88 có mối tương quan thuận với Chất lượng cuộc sống ở lĩnh vực cảm giác về chức năng và sức khỏe gia đình (P < 0,05).

Kết luận: Chất lượng Cuộc sống của trẻ bại não đã tăng lên đáng kể sau 6 tháng ghép tế bào gốc đơn nhân tự thân từ tủy xương và kèm theo những cải thiện về chức năng vận động thô và trương lực cơ.

Từ khóa : Chất lượng Cuộc sống, Bại não, Ghép tế bào Gốc

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe