Bại não là một bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Trẻ bị bại não có dấu hiệu cảnh báo trước, phụ huynh cần chăm sóc cẩn thận và chú ý các hoạt động của trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị giảm thiểu các triệu chứng bệnh.
1. Tổng quan về bệnh bại não
Bệnh bại não (cerebral palsy) là một hội chứng ảnh hưởng đến vận động, trương lực cơ hoặc tư thế. Nó được gây ra do các tổn thương não đang trong thời kỳ phát triển (não chưa trưởng thành), gặp ở thai nhi trước giai đoạn được sinh ra.
Dấu hiệu của bệnh bại não xuất hiện sớm, trong thời kỳ sơ sinh hoặc độ tuổi mẫu giáo. Thông thường, bệnh bại não làm giảm khả năng vận động liên quan đến các phản xạ bất thường, các chi trở nên mềm nhũn hoặc co cứng, tư thế bất thường, khó vận động, đi lại không vững, hoặc kết hợp các triệu chứng trên.
Những người bị bại não có thể gặp vấn đề về nuốt, mất cân bằng cơ mắt, trong đó mắt không có khả năng tập trung vào một đối tượng. Bệnh cũng có thể làm giảm phạm vi hoạt động của các khớp do co cứng cơ.
Biểu hiện của bệnh bại não trên mỗi cơ thể là khác nhau. Một số người có thể đi lại bình thường, trong khi số khác cần sự giúp đỡ. Một số người phát triển trí tuệ bình thường hoặc tương đối bình thường, trong khi số khác bị thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, người bệnh bại não còn có nguy cơ bị động kinh, mù lòa và điếc.
2. Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh bại não
Ở bé 3 đến 6 tháng tuổi
- Đầu ngã ngửa khi bạn bế em bé lên từ tư thế nằm ngửa
- Co cứng tay chân
- Cơ thể mềm nhũn
- Quá căng lưng và cổ khi bế trẻ trong tay
- Chân bị cứng, chéo chân giống cái kéo khi bế trẻ lên
Ở trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi
- Không lăn theo cả hai hướng
- Không thể chắp tay
- Khó khăn khi đưa tay lên miệng
- Vươn tay chỉ bằng một tay trong khi giữ tay kia
Ở trẻ lớn hơn 10 tháng tuổi
- Bò một cách chậm chạp, đẩy ra bằng một tay và chân trong khi kéo tay và chân đối diện
- Mông và đầu gối hoạt động bình thường nhưng không bò trên tất cả bốn chi
Nhìn chung, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bại não liên quan đến vấn đề vận động và phối hợp bao gồm:
- Trương lực cơ bất thường, chẳng hạn như quá cứng hoặc quá mềm
- Cơ bắp co cứng và phản xạ quá mức
- Cơ bắp co cứng với phản xạ bình thường
- Thiếu cân bằng và phối hợp cơ bắp (mất điều hòa)
- Vận động và có biểu hiện rung bất thường
- Chuyển động chậm, khó khăn
- Chậm vận động so với tuổi, chẳng hạn như đẩy tay lên, ngồi hoặc bò
- Vận động một bên của cơ thể nhiều hơn như vận động một tay hoặc kéo một chân trong khi bò
- Đi bộ khó khăn, chẳng hạn như đi bằng ngón chân, dáng đi khom người, dáng đi như kéo với đầu gối bắt chéo, dáng đi rộng hoặc dáng đi không cân xứng
- Chảy nước dãi quá mức hoặc gặp vấn đề về nuốt
- Khó khăn khi bú hoặc ăn
- Chậm phát triển giọng nói hoặc nói khó
- Khó khăn trong học tập
- Khó khăn với các kỹ năng vận động như cài nút quần áo hoặc nhặt đồ dùng
- Động kinh
Bất thường não liên quan đến bại não cũng có thể góp phần vào các vấn đề thần kinh khác, bao gồm:
- Khó nghe
- Thiểu năng trí tuệ
- Động kinh
- Bất thường về xúc giác, đặc biệt là cảm giác đau
- Bệnh răng miệng
- Rối loạn tâm thần
- Tiểu không tự chủ
Bại não có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, hoặc bị giới hạn ở một chi hoặc một bên của cơ thể. Rối loạn não gây bại não vĩnh viễn, vì vậy các triệu chứng thường không trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, một số triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn hoặc ít đi. Co cứng cơ có thể xấu đi nếu không được điều trị tích cực.
3. Những điều cần biết về bệnh bại não
- Bại não (CP) là một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, duy trì thăng bằng và tư thế của một người.
- Bại não là khuyết tật vận động phổ biến nhất của thời thơ ấu. Khoảng 1 trong 345 trẻ em đã được xác định mắc bại não theo ước tính từ Cơ quan giám sát khuyết tật và tự kỷ (ADDM) và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC.
- Bại não xuất hiện ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái và phổ biến hơn ở trẻ da đen hơn so với trẻ da trắng.
- Hầu hết (khoảng 75% -85%) trẻ bị bại não có bại não co cứng. Điều này có nghĩa là cơ bắp bị cứng, gây khó khăn trong quá trình vận động.
- Hơn một nửa (khoảng 50% -60%) trẻ em bị bại não có thể đi lại độc lập.
- Nhiều trẻ em bị bại não mắc nhiều bệnh lý kèm theo, được gọi là điều kiện cùng xảy ra. Ví dụ, khoảng 4/10 trẻ bị bại não cũng bị động kinh và khoảng 1/10 trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
- Hầu hết bại não có liên quan đến tổn thương não xảy ra trước hoặc trong khi sinh và nó được gọi là bại não bẩm sinh. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bại não bẩm sinh:
- Sinh ra quá nhỏ
- Sinh quá sớm
- Sinh đôi hoặc sinh nhiều con
- Được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc công nghệ hỗ trợ sinh sản khác
- Mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai.
- Bị kernicterus (một loại tổn thương não có thể xảy ra khi vàng da sơ sinh nặng không được điều trị)
- Tai biến khi sinh
- Một tỷ lệ nhỏ bại não được gây ra bởi tổn thương não xảy ra hơn 28 ngày sau khi sinh. Các yếu tố sau đây có thể làm tăng rủi ro cho bại não mắc phải:
- Bị nhiễm trùng não, chẳng hạn như viêm màng não
- Bị chấn thương đầu nghiêm trọng
- Nguyên nhân cụ thể của bại não ở hầu hết trẻ em là không rõ.
- Bại não thường được chẩn đoán trong năm đầu tiên hoặc năm thứ 2 sau khi sinh. Nếu triệu chứng xuất hiện ở mức độ nhẹ, đôi khi rất khó để chẩn đoán cho đến khi trẻ được vài tuổi.
- Với các dịch vụ và hỗ trợ phù hợp, trẻ em và người lớn bị bại não có thể sống tốt, hoạt động và hòa nhập cộng đồng.
4. Nguyên nhân gây bại não
Bại não là do sự bất thường hoặc gián đoạn trong giai đoạn phát triển não bộ, thường gặp nhất là trước khi trẻ được sinh ra. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân không được biết đến. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về não bao gồm:
- Đột biến gen dẫn đến não phát triển bất thường
- Nhiễm trùng ở mẹ ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển
- Đột quỵ thai nhi, gián đoạn cung cấp máu cho não đang phát triển
- Chảy máu não trong bụng mẹ hoặc khi mới sinh
- Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh gây viêm trong hoặc xung quanh não
- Chấn thương đầu cho trẻ sơ sinh do tai nạn xe máy hoặc ngã
- Thiếu oxy lên não liên quan đến chuyển dạ hoặc sinh nở khó khăn, mặc dù chứng ngạt liên quan đến sinh thường ít khi gây ra bại não.
5. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bại não
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bại não.
5.1 Sức khỏe của mẹ
Một số bệnh nhiễm trùng hoặc phơi nhiễm độc hại trong thai kỳ có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bại não cho em bé. Nhiễm trùng đặc biệt quan tâm bao gồm:
- Vi rút Cytomegalovirus: Loại virus phổ biến này gây ra các triệu chứng giống như cúm và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu người mẹ bị nhiễm trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Rubella: Nhiễm virus này có thể được ngăn ngừa bằng vắc-xin.
- Mụn rộp sinh dục: Bệnh có thể được truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, ảnh hưởng đến tử cung và nhau thai. Viêm gây ra bởi nhiễm trùng có thể làm hỏng hệ thống thần kinh đang phát triển của thai nhi.
- Giang mai: Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây qua đường tình dục.
- Toxoplasmosis: Nhiễm trùng này là do ký sinh trùng tìm thấy trong thực phẩm bị ô nhiễm, đất và phân của mèo bị nhiễm bệnh.
- Nhiễm virus Zika: Trẻ sơ sinh bị nhiễm Zika của mẹ khiến kích thước đầu của chúng nhỏ hơn bình thường (microcephaly) có thể bị bại não.
- Các nguy cơ khác: Các nguy cơ khác bao gồm các vấn đề về tuyến giáp, thiểu năng trí tuệ hoặc co giật và tiếp xúc với chất độc như thủy ngân, methyl.
5.2 Trẻ sơ sinh bị bệnh
Bệnh ở trẻ sơ sinh có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh bại não bao gồm:
- Viêm màng não do vi khuẩn: Nhiễm vi khuẩn này gây ra viêm trong màng bao quanh não và tủy sống.
- Viêm não virut: Nhiễm virus này tương tự gây viêm ở màng bao quanh não và tủy sống.
- Vàng da nặng hoặc không được điều trị: Vàng da xảy ra khi các sản phẩm phụ nhất định của các tế bào máu "đã sử dụng" không được lọc ra khỏi cơ thể.
- Chảy máu não: Tình trạng này thường được gây ra bởi em bé bị đột quỵ não trong bụng mẹ.
5.3 Các yếu tố khác của thai kỳ và sinh nở
Các yếu tố mang thai hoặc sinh nở có liên quan đến tăng nguy cơ bại não bao gồm:
- Sinh ngôi ngược: Trẻ bị bại não có nhiều khả năng ở tư thế chân thập thò cổ tử cung khi bắt đầu chuyển dạ thay vì đầu.
- Cân nặng khi sinh thấp: Những em bé nặng dưới 5,5 pounds (2,5 kg) có nguy cơ mắc bệnh bại não cao hơn. Nguy cơ này tăng lên khi cân nặng càng thấp.
- Sinh nhiều con: Nguy cơ bại não tăng theo số lượng thai nhi trong tử cung. Nếu một hoặc nhiều thai nhi chết, nguy cơ bại não của những người sống sót sẽ tăng lên.
- Sinh non: Trẻ sinh ra dưới 28 tuần có thai có nguy cơ bại não cao hơn. Trẻ sinh ra càng sớm, nguy cơ bại não càng lớn.
6. Phòng ngừa bệnh bại não
Hầu hết các trường hợp bại não không thể được ngăn chặn, nhưng bạn có thể giảm thiểu rủi ro. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, bạn có thể thực hiện các bước sau để giữ sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng khi mang thai:
- Hãy chắc chắn rằng bạn đã được tiêm phòng: Tiêm vắc-xin chống lại các bệnh như rubella, tốt nhất là trước khi mang thai, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng gây ra các tổn thương não của thai nhi.
- Chăm sóc bản thân: Bạn càng khỏe mạnh khi mang thai, bạn càng ít có khả năng bị nhiễm trùng dẫn đến bại não.
- Tìm kiếm chăm sóc trước khi sinh sớm và liên tục: Khám sức khỏe thường xuyên khi mang thai là một cách tốt để giảm rủi ro sức khỏe cho bạn và thai nhi. Gặp bác sĩ thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa sinh non, nhẹ cân và nhiễm trùng.
- Thực hành các biện pháp bảo vệ trẻ an toàn: Ngăn ngừa thương tích ở đầu bằng cách cung cấp cho con bạn một chỗ ngồi trên xe, mũ bảo hiểm xe đạp, rào chắn an toàn trên giường và giám sát thích hợp.
- Tránh rượu, thuốc lá và ma túy bất hợp pháp: Những điều này đã được liên kết với nguy cơ bại não.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Cdc.gov