Ung thư phổi giai đoạn 3 và những điều cần biết về bệnh

Ung thư phổi giai đoạn 3 là giai đoạn nghiêm trọng, khi tế bào ung thư đã lan ra ngoài phổi. Vì vậy, bệnh nhân cần nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ vị trí và kích thước của khối u cho đến các phương pháp điều trị. Điều này sẽ giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình điều trị sắp tới. Hãy cùng Vinmec tìm hiểu chi tiết về vấn đề này trong bài viết dưới đây!

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Tổng quan về bệnh

Tiên lượng của bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn 3 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, loại ung thư phổi là một yếu tố quan trọng. Khoảng 15% bệnh nhân mắc ung thư phổi là loại ung thư phổi tế bào nhỏ, trong khi 85% còn lại mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Loại ung thư không tế bào nhỏ thường phát triển chậm hơn và có tiên lượng tốt hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ.

Ngoài ra, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh. Ung thư phổi ở giai đoạn 1 và 2 thường không có triệu chứng rõ ràng, do đó, nhiều bệnh nhân không phát hiện ra bệnh sớm và không được chẩn đoán chính xác. Vì vậy, khoảng một phần ba bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 3.

Tuỳ thuộc vào loại ung thư phổi mắc phải, tiên lượng của người bệnh có thể khác nhau .
Tuỳ thuộc vào loại ung thư phổi mắc phải, tiên lượng của người bệnh có thể khác nhau .

2. Dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn 3 cần lưu ý

Tương tự như ở hai giai đoạn đầu của bệnh, ung thư phổi đã ở giai đoạn 3 thường không có dấu hiệu rõ ràng và gây tử vong cho nhiều người. Bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như ho kéo dài, ho sâu, ho có đờm hoặc thậm chí ho ra máu. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khác như:

  • Thở khò khè, thở gấp, khó thở.
  • Giọng nói trở nên khàn và đặc hơn.
  • Đau ngực thường xuyên mà không rõ nguyên nhân.
  • Thường xuyên bị đau đầu.
  • Sụt cân nhanh chóng.
  • Đau xương, đặc biệt là cột sống và thắt lưng, cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm.
Có nhiều cách để mô tả các giai đoạn của ung thư, nhằm cụ thể hoá tình trạng khối u và mức độ di căn của bệnh.
Có nhiều cách để mô tả các giai đoạn của ung thư, nhằm cụ thể hoá tình trạng khối u và mức độ di căn của bệnh.

3. Những điều cần biết về ung thư phổi giai đoạn 3

Thông thường, việc phân giai đoạn ung thư phổi dựa vào hệ thống phân loại TNM, trong đó:

  • Tumor (T): Mô tả kích thước và mức độ xâm lấn của khối u.
  • Nodes (N): Mô tả mức độ lan của ung thư đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • Metastasis (M): Mô tả sự di căn của ung thư đến các cơ quan khác, chẳng hạn như phổi bên kia hoặc gan.

Giai đoạn bệnh được xác định dựa trên sự phát triển tại chỗ của khối u, mức độ xâm lấn vào các cấu trúc lân cận, tình trạng di căn hạch vùng và di căn xa. Việc xác định chính xác giai đoạn giúp bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Diễn tiến của ung thư thường được phân chia như sau:

  • Tại chỗ: Ung thư chỉ tồn tại tại vị trí ban đầu và chưa lan ra ngoài.
  • Tại vùng: Ung thư đã lan sang các cấu trúc lân cận hoặc di căn đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • Di căn: Ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như xương, gan hoặc não.

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), bác sĩ phân chia bệnh thành các giai đoạn từ 0 đến 4, trong đó giai đoạn 0 là sớm nhất và giai đoạn 4 là muộn nhất. Ung thư phổi giai đoạn 3 là giai đoạn khối u đã phát triển mạnh tại chỗ, xâm lấn các cấu trúc xung quanh và di căn đến các hạch bạch huyết gần đó. Giai đoạn 3 được chia thành ba mức độ: 3A, 3B và 3C, tùy vào kích thước của khối u và mức độ di căn hạch.

Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, bác sĩ sử dụng một hệ thống phân loại khác, chia thành hai giai đoạn chính:

  • Giai đoạn khu trú: Ung thư chỉ ảnh hưởng đến một bên phổi và các hạch bạch huyết cùng bên.
  • Giai đoạn lan tràn: Khối u đã lan xa, có thể di căn đến các cơ quan khác.
Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp nhiều lần so với người không hút.
Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp nhiều lần so với người không hút.

4. Triển vọng và điều trị

Trong những năm gần đây, các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã giúp nâng cao tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi đã tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, ung thư phổi giai đoạn 3 vẫn được coi là khó điều trị vì ung thư đã lan rộng trước khi bệnh nhân nhận ra các triệu chứng. Đối với ung thư phổi giai đoạn 3, bác sĩ thường áp dụng phương pháp điều trị kết hợp nhiều phương thức, bao gồm:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật chỉ được áp dụng khi ung thư chưa lan rộng. Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần thùy hoặc một thùy phổi và nạo vét các hạch bạch huyết gần đó. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể chỉ cần theo dõi định kỳ hoặc được chỉ định hóa trị bổ sung, điều trị nhắm trúng đích hoặc điều trị miễn dịch tùy vào kết quả sau mổ.
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho ung thư nói chung. Hóa trị thường được chỉ định khi bệnh đã tiến triển hoặc di căn xa. Phương pháp này cũng có thể được kết hợp với xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) để điều trị ung thư giai đoạn III, đặc biệt khi không thể phẫu thuật hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
  • Xạ trị: Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị để kiểm soát sự phát triển của khối u ở giai đoạn tiến triển tại chỗ mà không thể phẫu thuật.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Phương pháp này nhắm vào các yếu tố đặc thù như gen, protein hoặc các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư, giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
  • Đặt stent nội soi: Trong trường hợp khối u chèn ép, gây tắc nghẽn đường thở, bác sĩ có thể chỉ định đặt stent qua nội soi để giúp duy trì sự thông thoáng cho đường thở của bệnh nhân.
Ung thư phổi giai đoạn 3 được coi là rất khó điều trị, vì lúc này tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể
Ung thư phổi giai đoạn 3 được coi là rất khó điều trị, vì lúc này tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể

Mặc dù điều trị ung thư phổi ở giai đoạn 3 là một thách thức lớn và cần sự phối hợp của nhiều phương pháp, hiệu quả điều trị vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, việc khám sàng lọc định kỳ là rất quan trọng để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị sẽ có hiệu quả cao hơn. Điều này giúp tránh việc phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn tiến triển (giai đoạn III-IV), lúc này hiệu quả điều trị giảm đi đáng kể.

Bệnh nhân nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để nhận được sự tư vấn và chăm sóc thích hợp. Chụp CT phổi liều thấp hoặc chụp X-quang phổi định kỳ là các phương pháp hiệu quả để phát hiện ung thư phổi sớm.

Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện khám sàng lọc hàng năm đối với những người từ 50-80 tuổi có một trong các yếu tố sau:

  • Có tiền sử hút thuốc lá nặng (1 gói/ngày trong 20 năm hoặc 2 gói/ngày trong 10 năm).
  • Đang hút thuốc.
  • Đã từng hút thuốc và đã cai thuốc trong vòng 15 năm qua.

Như vậy những thông tin trên đã giải đáp một số câu hỏi về ung thư phổi giai đoạn 3. Nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc ung thư phổi, việc đi khám là rất quan trọng. Để phát hiện và điều trị ung thư phổi kịp thời, cách tốt nhất là thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và đăng ký tham gia các chương trình tầm soát, sàng lọc ung thư.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe