Hiểu về hóa trị

Hóa trị là gì?

Hóa trị là việc dùng thuốc để tiệu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Hóa trị hay còn gọi là điều trị hóa chất. Những thuốc này giết hoặc phá hủy tế bào ung thư nhưng cũng ảnh hưởng các tế bào bình thường dẫn tới việc bị tác dụng không mong muốn khi hóa trị.

Hóa trị thường là truyền thuốc qua catheter, nhưng đôi khi có thể là uống thuốc, bôi thuốc, hoặc tiêm thuốc vào một bộ phận trong cơ thể. Điều đó tùy thuộc vào loại ung thư và loại thuốc được dùng.

Ai quyết định việc tôi cần điều trị hóa chất?

Bạn sẽ được khám với bác sĩ nội ung bướu là một thành viên của Hội đồng ung bướu đa chuyên khoa (MTB) gồm các bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Hội đồng MTB làm việc để tìm cách điều trị tốt nhất cho bạn. Bạn có thể chỉ cần Hóa trị hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác chẳng hạn như hóa trị kết hợp với xạ trị. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết tác dụng của điều trị và những phản ứng phụ có thể gặp.

Tại sao tôi cần Hóa trị?

Bác sĩ chỉ định điều trị hóa chất để:

  • Chữa khỏi bệnh (hóa trị triệt để) hoặc giảm nhẹ bệnh.
  • Phối hợp với các phương pháp điều trị khác: Nếu hóa trị trước mục đích là làm cho khối u nhỏ lại tạo điều kiện cho điều trị tiếp theo (thường là phẫu thuật). Nếu hóa trị sau (điều trị bổ trợ), mục tiêu để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị có thể kết hợp với Xạ trị để tăng hiệu quả xạ trị (hóa xạ trị).
  • Kiểm soát ung thư.
  • Điều trị triệu chứng.
  • Ngăn ngừa ung thư tái phát.
     
Hiểu về hóa trị

Có phải mọi loại Hóa trị đều như nhau?

Không. Có nhiều thuốc khác nhau được dùng trong Hóa trị. Chúng hoạt động theo các cách khác nhau. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tùy loại ung thư. Và đôi khi với cùng một loại ung thư nhưng thuốc điều trị bệnh cũng có thể khác nhau.

Lựa chọn hóa chất điều trị phụ thuộc vào

  • Loại ung thư
  • Vị trí ung thư
  • Mục đích điều trị (chữa khỏi hay kiểm soát)
  • Toàn trạng của người bệnh.

Bác sĩ sẽ khuyến nghị phương án điều trị phù hợp cho bạn.

Tôi cần hóa trị trong bao lâu và khi nào?

Lịch điều trị hóa chất khác nhau tùy người bệnh. Bạn có thể được điều trị hàng ngày, hàng tuần, hoặc hàng tháng, tùy thuộc vào:

  • Loại ung thư và giai đoạn bệnh.
  • Mục tiêu điều trị (để chữa khỏi, kiểm soát bệnh tiến triển, hay kiểm soát triệu chứng)
  • Loại thuốc sử dụng trong Hóa trị.
  • Đáp ứng của cơ thể với thuốc.

Bạn có thể được điều trị hóa chất theo chu kỳ. Một chu kỳ điều trị hóa chất sẽ gồm một giai đoạn nghỉ. Chẳng hạn, bạn được vào thuốc chất một tuần, sau đó hai tuần nghỉ không vào thuốc – gọi là chu kỳ ba tuần. Thời gian nghỉ giúp cơ thể tái tạo tế bào bình thường.

Bác sĩ sẽ giải thích cho bạn kế hoạch điều trị, thời gian hóa trị.

Hiểu về hóa trị

Hóa trị được thực hiện ở đâu?

Đa số người bệnh được điều trị ngoại trú tại bệnh viện và ra viện trong ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải nhập viện. Người bệnh được điều trị bằng thuốc uống hoặc qua bơm di động có thể điều trị tại nhà.

Tôi có thể bỏ lỡ điều trị hóa chất được không?

Bạn cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bỏ lỡ hay trì hoãn hóa trị có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Đôi khi bạn có thể phải hoãn điều trị do tế bào máu giảm thấp hoặc bị tác dụng phụ. Khi đó bác sĩ cũng có thể phải cân nhắc điều chỉnh liều thuốc và sẽ thảo luận chi tiết với bạn.

Tôi có phải thay đổi chế độ ăn khi điều trị hóa chất không?

Nói chung bạn không cần điều chỉnh chế độ ăn trong quá trình hóa trị trừ khi bị tác dụng phụ.

Bạn cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Điều này giúp cơ thể bạn chống chọi với những tác dụng phụ do điều trị tốt hơn và chống lại vi khuẩn gây bệnh hiệu quả hơn.

Hóa trị có tác dụng phụ không?

Mọi người thường cho rằng điều trị hóa chất thường bị nhiều tác dụng phụ. Đúng là điều trị hóa chất thường gây nhiều loại tác dụng phụ nhưng hầu hết là tạm thời và có thể kiểm soát hoặc phòng ngừa.

Không phải ai cũng bị tác dụng phụ do hóa trị. Tác dụng phụ phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng thuốc, và bệnh kèm theo, chẳng hạn như khi bị tiểu đường hoặc bệnh tim đi kèm.

Các tác dụng phụ hay gặp:

  • Suy giảm miễn dịch
  • Thiếu máu
  • Chảy máu (giảm tiểu cầu)
  • Buồn nôn và Nôn
  • Mệt mỏi
  • Bệnh thần kinh ngoại biên, hoặc đau do tổn thương dây thần kinh
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Thay đổi khẩu vị
  • Rụng lông tóc
  • Vô sinh
  • Tổn thương miệng và họng
  • Triệu chứng giống cúm
  • Thay đổi da và móng.

Mẹo khi gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng

  • Lập sẵn danh sách các thắc mắc của bạn trước khi đến khám.
  • Đi cùng người thân, bạn bè đến khám/điều trị.
  • Hỏi và ghi chú lại.
  • Báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng bất kỳ tác dụng phụ nào bạn gặp phải.
  • Đề nghị cung cấp tài liệu về bệnh tình của bạn và phác đồ điều trị hóa chất áp dụng cho bạn.
  • Trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng về những thông tin bạn cần biết, khi nào bạn cần, và khi nào bạn đã hiểu rõ vấn đề.
  • Cách liên hệ với bác sĩ hoặc điều dưỡng trong trường hợp khẩn cấp.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe