Ung thư đại tràng tái phát là một thách thức lớn trong lĩnh vực y học hiện đại, đặc biệt đối với những bệnh nhân đã từng trải qua quá trình điều trị căn bệnh này. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Hãy cùng bài viết tìm hiểu định nghĩa, triệu chứng cũng như các phương pháp điều trị bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Khoa Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư đại tràng tái phát là gì?
Ung thư đại trực tràng tái phát sau khi đã được điều trị thành công là một trong những nỗi lo lớn nhất của những người mắc phải căn bệnh này. Khi đã được tuyên bố là khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân vẫn phải sống trong tình trạng lo lắng không biết bao giờ bệnh có thể quay trở lại.
Bệnh có thể xuất hiện trở lại tại nhiều vị trí khác nhau, gây thách thức trong chẩn đoán và điều trị. Đầu tiên, bệnh ung thư đại tràng tái phát có thể xuất hiện ngay tại chính vị trí mà bệnh nhân từng được chẩn đoán lần đầu, được gọi là tái phát tại chỗ.
Nếu ung thư tái phát ngay tại các hạch bạch huyết gần vị trí ban đầu, đây được gọi là tái phát tại vùng. Trong trường hợp tế bào ung thư tái phát ở các bộ phận xa hơn như gan hoặc phổi sẽ được gọi là tái phát xa hoặc di căn.
Đôi khi, rất khó để xác định đây là ung thư đại trực tràng tái phát hay tình trạng bệnh đã tiến triển nặng hơn. Điểm khác biệt quan trọng là thời gian xuất hiện của bệnh. Ung thư đại tràng tái phát thường xuất hiện ít nhất một năm sau khi hoàn thành đợt điều trị ban đầu. Nếu bệnh tái phát chỉ sau vài tháng, đó là do tế bào ung thư ban đầu chưa được loại bỏ hoàn toàn và tiến triển xấu.
2. Triệu chứng
Triệu chứng của ung thư đại trực tràng tái phát thường tương tự như những triệu chứng ban đầu mà người bệnh đã trải qua gồm đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy và sụt cân không rõ nguyên nhân.
Người bệnh cũng có thể cảm thấy mệt mỏi bất thường. Tùy thuộc vào mức độ và vị trí mà ung thư đã lan rộng, các triệu chứng khác có thể bao gồm đau vùng chậu hoặc lưng, khó thở và chán ăn.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ung thư tái phát không gây ra các triệu chứng nào. Khi đó, khả năng di căn của tế bào ung thư đến các bộ phận khác trên cơ thể thấp hơn. Chính vì vậy, việc theo dõi sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm ung thư, ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng
3. Chẩn đoán
Việc phát hiện sớm ung thư đại tràng tái phát có thể tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám định sau khi hoàn tất đợt điều trị ung thư đầu tiên, từ 3 đến 6 tháng một lần.
Trong các lần kiểm tra định kỳ này, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát và nội soi đại tràng. Nội soi là quá trình bác sĩ sử dụng ống soi mềm có độ linh hoạt cao, được trang bị camera để bác sĩ quan sát bên trong đại tràng và trực tràng của bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ của kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) - loại protein thường tăng cao ở những người mắc ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, nồng độ CEA cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với ung thư đại trực tràng.
Để phát hiện các khối u mới, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi. Trong trường hợp nếu nghi ngờ về ung thư đại tràng tái phát, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm sinh thiết, đây là thủ thuật thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u hoặc khu vực nghi ngờ ung thư để xét nghiệm dưới kính hiển vi.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) của dạ dày, ngực, xương chậu để xác định xem ung thư có lan rộng hay không và mức độ di căn của tế bào ung thư.
4. Phương pháp điều trị
Trước khi đưa ra kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố bao gồm:
Thời gian tái phát.
Vị trí tái phát.
Khối u có di căn hay không.
Tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng các loại thuốc hóa trị hoặc điều trị toàn thân khác như liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích khác so với đợt điều trị trước do các tế bào ung thư có thể đã phát triển khả năng kháng các thuốc cũ.
Việc điều trị ung thư đại tràng tái phát thường cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm thuốc, xạ/ hoá trị và phẫu thuật. Nếu trong trường hợp người bệnh không thực hiện xạ trị trong đợt điều trị đầu tiên, bác sĩ có thể cân nhắc thêm phương pháp này vào kế hoạch điều trị tiếp theo nếu có chỉ định tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc hoặc điều chỉnh lịch trình hóa trị, để phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại người bệnh.
Đôi khi, bác sĩ cũng có thể sử dụng các loại thuốc nhắm đích hoặc liệu pháp miễn dịch khác nhau. Các loại thuốc này có tác dụng phụ khác biệt so với thuốc hóa trị và chỉ hiệu quả đối với một số loại khối u nhất định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.