Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại tràng?

Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng? Sàng lọc ung thư đại trực tràng ngày càng trở nên cần thiết do xu hướng trẻ hóa của căn bệnh này. Việc sàng lọc nhằm mục đích phát hiện sớm các polyp hoặc ung thư giai đoạn đầu, giúp can thiệp kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Loại bỏ polyp qua nội soi định kỳ có thể giảm tới 90% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.  

Bài viết được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ khoa Nội ung bướu - Trung tâm Ung bướu Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng

Hầu hết các trường hợp ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ các polyp tiền ung thư. Polyp là sự phát triển bất thường trong lớp niêm mạc của đại tràng, có thể phát hiện qua các phương pháp như nội soi đại tràng, nội soi đại tràng sigma hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan).  

Có hai loại polyp chính: polyp tuyến (adenomatous) và polyp tăng sản (hyperplastic). Trong đó, polyp tuyến có khả năng chuyển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Quá trình tiến triển này thường kéo dài ít nhất 10 năm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng:

1.1 Tiền sử gia đình

Người có người thân cấp 1 (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con) từng bị ung thư ở đại trực tràng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

1.2 Tiền sử cá nhân

Những người từng mắc ung thư đại trực tràng hoặc phát hiện polyp, đặc biệt nếu xảy ra trước 60 tuổi, có nguy cơ tái phát hoặc phát triển ung thư mới.

1.3 Tuổi tác

Nguy cơ mắc ung thư đại tràng tăng dần theo tuổi. Dù nguy cơ mắc bệnh trung bình ở người bình thường là 4,5%, nhưng có tới 90% các ca bệnh xảy ra ở những người trên 50 tuổi.

1.4 Lối sống

  • Chế độ ăn uống: Ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và ít chất xơ.
  • Thiếu vận động: Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng.
  • Sử dụng rượu: Tiêu thụ rượu quá mức làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
  • Béo phì: Thừa cân và béo phì liên quan mật thiết đến nguy cơ ung thư đại tràng.

Những yếu tố này có thể tác động riêng lẻ hoặc phối hợp làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Việc nhận biết và điều chỉnh lối sống lành mạnh để hạn chế các yếu tố nguy cơ kể trên có thể góp phần phòng ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả. 

Những người mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Những người mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

2. Một số bệnh làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

2.1 Bệnh đa polyp tuyến gia đình (Familial Adenomatous Polyposis - FAP)

Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Người mắc bệnh này thường có hàng trăm polyp phát triển trong đại tràng từ tuổi thiếu niên. Nếu không được phát hiện và can thiệp, gần như 100% bệnh nhân sẽ mắc ung thư đại tràng, thường xảy ra trước 50 tuổi.

2.2 Ung thư đại tràng không di truyền (Hereditary Nonpolyposis Colorectal Cancer - HNPCC)

Tình trạng này còn gọi là hội chứng Lynch, là một tình trạng di truyền phổ biến hơn so với FAP nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% các ca ung thư ở đại trực tràng. Khoảng 70% người mắc HNPCC sẽ phát triển ung thư đại tràng trước tuổi 65. Loại ung thư này thường xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn so với ung thư đại tràng thông thường. Ngoài ra, người mắc HNPCC còn có nguy cơ cao mắc các loại ung thư khác như ung thư tử cung, dạ dày, bàng quang, thận và buồng trứng.

2.3 Bệnh viêm ruột

Những người mắc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng. Nguy cơ này tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian mắc bệnh. Người bị viêm đại tràng kéo dài từ 10 năm trở lên là nhóm có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích không làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy sử dụng aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Nhận thức và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này có thể giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư ở đại trực tràng và cải thiện hiệu quả điều trị. Vậy tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại tràng ngay từ sớm?

3. Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng ngay từ sớm

Ung thư ở đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo số liệu của Globocan 2020 (cơ sở dữ liệu ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế), mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận hơn 6.000 ca ung thư đại tràng và hơn 9.000 ca ung thư trực tràng mới. Đây cũng là một trong 10 loại ung thư gây tử vong cao nhất hàng năm.

Tuy nhiên, nhận thức về việc sàng lọc và tầm soát ung thư đại trực tràng ở cộng đồng vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, làm giảm cơ hội điều trị thành công và ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng sống của bệnh nhân.

Lợi ích của việc sàng lọc ung thư đại trực tràng định kỳ như sau:

3.1 Phát hiện và điều trị sớm

  • Sàng lọc giúp phát hiện và loại bỏ các tổn thương tiền ung thư trước khi bệnh tiến triển thành ung thư ác tính.
  • Ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng điều trị thành công cao, giảm nguy cơ tử vong đáng kể.

3.2 Điều trị hiệu quả hơn

Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm thường chỉ cần các biện pháp điều trị đơn giản, ít xâm lấn, giúp giảm nguy cơ biến chứng.

3.3 Tiết kiệm chi phí

Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp giảm chi phí điều trị đáng kể so với điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, khi các biện pháp can thiệp phức tạp và tốn kém hơn.

3.4 Cải thiện tâm lý và chất lượng cuộc sống

Việc phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh giảm lo âu, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo tâm lý tích cực cho cả bệnh nhân và gia đình.

Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng ngay từ sớm là thắc mắc chung của nhiều người.
Tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng ngay từ sớm là thắc mắc chung của nhiều người.

Sàng lọc ung thư ở đại trực tràng không chỉ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng sống. Vì vậy, việc thực hiện sàng lọc định kỳ là một trong những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa ung thư hiệu quả.

4. Kế hoạch sàng lọc ung thư đại trực tràng

Ngoài câu hỏi tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng, cách xây dựng một kế hoạch sàng lọc hiệu quả cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Việc xây dựng kế hoạch sàng lọc, tầm soát ung thư đại trực tràng cần dựa trên mức độ nguy cơ của từng cá nhân, bao gồm nhóm nguy cơ trung bình và nhóm nguy cơ cao. 

Làm thế nào để xây dựng một kế hoạch sàng lọc hiệu quả là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Làm thế nào để xây dựng một kế hoạch sàng lọc hiệu quả là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu.

4.1 Nguy cơ trung bình

Những người có nguy cơ trung bình được khuyến cáo bắt đầu sàng lọc từ tuổi 50. Các phương pháp tầm soát ung thư đại tràng và trực tràng bao gồm:

  • Nội soi đại tràng: Thực hiện mỗi 10 năm một lần. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện và loại bỏ polyp tiền ung thư.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Thực hiện mỗi 5 năm một lần.
  • Nội soi đại tràng sigma: Thực hiện mỗi 5 năm một lần, có thể kết hợp với xét nghiệm phân.
  • Xét nghiệm phân tìm máu: Thực hiện hàng năm bằng phương pháp thông thường hoặc hóa mô miễn dịch.
  • Xét nghiệm DNA trong phân: Thực hiện mỗi 3 năm một lần.

4.2 Nguy cơ gia tăng

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao (ví dụ: có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng, tiền sử polyp hoặc mắc các bệnh lý như bệnh đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch) có thể cần:

  • Bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.
  • Thực hiện sàng lọc thường xuyên hơn.
  • Sử dụng các phương pháp sàng lọc có độ nhạy cao, như nội soi đại tràng định kỳ.
  • Kế hoạch sàng lọc tối ưu phụ thuộc vào việc bệnh nhân có các yếu tố tăng nguy cơ hay không.

4.3 Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng

Tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng trong đánh giá nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Việc sàng lọc cần được cá nhân hóa tùy thuộc vào mức độ quan hệ và độ tuổi chẩn đoán của thành viên trong gia đình.

4.3.1 Người có người thân cấp 1 mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến ở độ tuổi trẻ (trước 60 tuổi)

  • Người thân cấp 1 bao gồm cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái.
  • Khuyến cáo bắt đầu sàng lọc từ tuổi 40 hoặc sớm hơn 10 năm so với độ tuổi thành viên gia đình được chẩn đoán bệnh.
  • Phương pháp sàng lọc chủ yếu là nội soi đại tràng, thực hiện định kỳ 5 năm một lần.

4.3.2 Người có người thân cấp 1 mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến ở độ tuổi từ 60 trở lên hoặc có từ hai người thân cấp 2 trở lên mắc ung thư đại trực tràng

  • Người thân cấp 2 bao gồm ông bà, cô, dì, chú, bác.
  • Khuyến cáo nên bắt đầu sàng lọc trước tuổi 40, nhưng lịch sàng lọc có thể tuân theo quy trình áp dụng cho người có nguy cơ trung bình.

4.3.3 Người có họ hàng cấp 2 hoặc cấp 3 (ông bà cố, anh chị em họ) mắc ung thư đại trực tràng

Nhóm này được coi là có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở mức trung bình và kế hoạch sàng lọc sẽ áp dụng như nhóm nguy cơ trung bình.

4.4 Người mắc các bệnh lý viêm ruột

  • Những người mắc viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn có nguy cơ cao phát triển ung thư ở đại trực tràng.
  • Kế hoạch sàng lọc phụ thuộc vào mức độ viêm và thời gian mắc bệnh. Việc theo dõi cần được cá nhân hóa dựa trên mức độ ảnh hưởng của đại tràng, thường được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. 
Sàng lọc đúng thời điểm và đúng phương pháp có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư đại trực tràng ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Sàng lọc đúng thời điểm và đúng phương pháp có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư đại trực tràng ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Kế hoạch sàng lọc cụ thể cần được cá nhân hóa dựa trên đánh giá chi tiết về yếu tố nguy cơ của từng người. Sau khi đã hiểu rõ tại sao cần sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng, việc chủ động đi khám và nhận được sự vấn y khoa là vô cùng cần thiết. Lựa chọn phương pháp sàng lọc phù hợp và đảm bảo hiệu quả cao nhất sẽ giúp mọi người phòng ngừa hoặc phát hiện sớm ung thư, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: uptodate 2019

Chia sẻ