Dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát

Một tỷ lệ ung thư đại tràng sau khi đã được điều trị triệt để có khả năng tái phát. Do đó, việc theo dõi sau điều trị ung thư đại tràng có ý nghĩa hết sức to lớn để phát hiện các dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát hay di căn xa và có kế hoạch điều trị lại.

1. Nguyên nhân ung thư đại tràng tái phát

Ung thư đại tràng sau điều trị vẫn có tỷ lệ tái phát nhất định. Ung thư tái phát thường được phát hiện trong vòng 2 - 3 năm sau khi kết thúc điều trị, một số trường hợp tái phát sau một thời gian dài, có khi hàng chục năm.

1.1. Nguyên nhân khách quan

Quá trình điều trị ung thư đại tràng trước đó có thể được xem là thành công. Thế nhưng một số tế bào ung thư siêu nhỏ còn sót lại mà các phương tiện chẩn đoán, các xét nghiệm tầm soát định kỳ không phát hiện thấy, rất có thể đây chính là nguyên nhân ung thư đại tràng tái phát ngay tại vị trí cũ hoặc di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.

Một đặc điểm thường thấy là các tế bào ung thư còn sót lại này sẽ không phát triển trong một khoảng thời gian (“ngủ đông”), sau đó chúng sẽ nhân lên không kiểm soát khiến cho ung thư tái phát.

1.2. Nguyên nhân chủ quan

Sự tái phát ung thư đại tràng có thể xuất phát từ việc bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao khiến bệnh tái phát:

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
  • Lười vận động
  • Sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá
  • Không tái khám và tầm soát định kỳ sau điều trị

Ung thư đại tràng có thể tái phát tại chỗ (tại vị trí tổn thương đại tràng cũ), tái phát tại vùng (di căn hạch lân cận) hoặc di căn xa đến cơ quan khác trong cơ thể.

2. Ung thư đại tràng tái phát có biểu hiện gì?

Bệnh nhân sau khi được điều trị triệt để ung thư đại tràng cần nhận biết các dấu hiệu ung thư đại tràng tái phát để được thăm khám, kiểm tra kỹ và có kế hoạch can thiệp, điều trị trở lại.

Các triệu chứng của ung thư đại tràng tái phát tại chỗ, tại vùng bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: Cũng như các triệu chứng khi bắt đầu khởi bệnh, bệnh nhân ung thư đại tràng tái phát có thể biểu hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy thất thường.
  • Đại tiện ra máu, phân mỏng hẹp: Bệnh nhân ung thư đại tràng tái phát có thể xuất hiện triệu chứng đại tiện ra máu lẫn nhầy, biến dạng phân như phân mỏng dẹt.
  • Đau bụng, hay đầy bụng, chướng hơi: Đây là các dấu hiệu có thể gặp ở bệnh nhân tái phát ung thư đại tràng sau điều trị, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
  • Chán ăn, suy nhược, sụt cân: Bệnh nhân ung thư đại tràng sau khi đã điều trị triệt để và khỏe mạnh trong một thời gian đột nhiên chán ăn trở lại thì cần gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và loại trừ ung thư đại tràng tái phát. Chán ăn kéo dài khiến bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi, sụt cân.

Ngoài tái phát tại chỗ và tại vùng, ung thư đại tràng cũng có thể tiến triển di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, phổi,... Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu:

  • Đau tức mạn sườn phải
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Vàng da, vàng kết mạc mắt
  • Phù, bụng chướng
  • Ho, khó thở

3. Làm gì khi phát hiện ung thư đại tràng tái phát?

Điều cần thiết là khi phát hiện các dấu hiệu bất thường là đến bệnh viện ngay để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân khi phát hiện ung thư đại tràng tái phát cần bình tĩnh đối mặt với tình trạng không mong muốn này và trao đổi với bác sĩ về hướng điều trị sắp đến. Bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra các chỉ định như hóa chất, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp ức chế tăng sinh mạch để điều trị ung thư đại tràng tái phát.

4. Các biện pháp phòng tránh tái phát sau điều trị ung thư đại tràng

Một số biện pháp bệnh nhân ung thư đại tràng cần lưu ý sau khi được điều trị bệnh triệt để:

  • Theo dõi định kỳ ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: Việc tái khám, theo dõi định kỳ giúp bệnh nhân được kiểm tra sau điều trị và tầm soát ung thư đại tràng tái phát. Bệnh nhân sau phẫu thuật triệt để ung thư đại tràng được yêu cầu tái khám định kỳ mỗi 3-6 tháng trong 3 năm đầu. Tần suất tái khám sẽ giảm dần xuống 1 năm/lần khi bệnh ổn định và bước sang năm thứ 4.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chưa có một chế độ dinh dưỡng cụ thể nào giảm nguy cơ tái phát ung thư đại tràng, tuy nhiên một thực đơn gồm nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc bên cạnh cá, thịt gà, hay thịt đỏ sử dụng ở mức hợp lý được cho là phù hợp hơn đối với bệnh nhân sau phẫu thuật đại tràng khi so sánh với những người ăn chế độ nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều thịt đỏ hay đồ ăn chế biến sẵn.
  • Bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất thiết yếu như: Vitamin D, Calci. Bổ sung thêm Vitamin D và calci giúp bệnh nhân sau điều trị ung thư đại tràng giảm nguy cơ tái phát bệnh
  • Nâng cao thể trạng với thói quen vận động, tập luyện: Điều này không chỉ tăng cường sức khỏe cho những bệnh nhân ung thư đại tràng đã điều trị, mà còn giúp bệnh nhân có tinh thần lạc quan, giảm căng thẳng trong cuộc sống.
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu: Thuốc lá, rượu bia là các yếu tố có liên quan nhiều đến nguy cơ mắc các loại ung thư nói chung và ung thư đại tràng nói riêng, do đó bệnh nhân ung thư đại tràng cần hạn chế sử dụng bia rượu hay các thức uống có cồn ở mức thấp nhất có thể, song song với việc bỏ thuốc lá, để tránh ung thư đại trực tràng tái phát sau điều trị.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe