Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân đã chủ quan và không kiểm tra, dẫn đến bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Nếu phát hiện tình trạng bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, khả năng hồi phục có thể lên đến 90%.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Phân giai đoạn trong ung thư đại tràng
Năm 2018 đã có 14.733 trường hợp mới mắc ung thư đại tràng tại Việt Nam, trong đó có 7.856 ca tử vong. Vì vậy, nhận biết các triệu chứng của ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu có thể giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Sự tăng trưởng bất thường và mất kiểm soát của các tế bào ở đại tràng (một phần của ruột già) là nguyên nhân chính gây ra ung thư đại tràng. Ung thư đại tràng diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn Tis (còn được gọi là giai đoạn "0"): Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, khi tổn thương ác tính chưa vượt qua lớp niêm mạc của đại tràng.
- Giai đoạn I: Tổn thương ác tính đã vượt qua lớp niêm mạc, bắt đầu xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc và lớp cơ, nhưng chưa di căn đến các vùng lân cận.
- Giai đoạn II: Ung thư phát triển ra ngoài thành đại tràng, lan đến một số cấu trúc lân cận nhưng chưa xâm lấn vào các hạch vùng lân cận.
- Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã lan ra các hạch vùng lân cận, nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn xa đến một hoặc nhiều cơ quan khác trên cơ thể, như gan, phổi,...
2. Các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1
Các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 thường không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác. Điều này khiến bệnh nhân dễ bỏ qua và phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn. Những dấu hiệu của ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 có thể bao gồm:
2.1 Rối loạn đại tiện
- Người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường gặp các vấn đề về đại tiện như táo bón hoặc tiêu chảy thất thường. Những tình trạng này thường kéo dài, gây mệt mỏi và khó chịu cho bệnh nhân. Trong khi đại tiện, bệnh nhân thường cảm thấy đau bụng, mót rặn và phải đi vệ sinh nhiều lần.
- Phân thay đổi hình dạng và kích thước, có thể dẹt mỏng và hẹp hơn so với bình thường do đường tiêu hóa bị cản trở bởi ung thư đại tràng.
2.2 Đau bụng
Người bệnh ung thư đại tràng thường xuất hiện những dấu hiệu ban đầu như khó chịu và đau bụng. Bụng sẽ xuất hiện những cơn đau lâm râm hoặc đau quặn từng cơn. Tuy nhiên, đau bụng thường là dấu hiệu phổ biến ở các bệnh lý tiêu hóa, vì thế, bệnh nhân không nên chủ quan bỏ qua dấu hiệu này trước khi loại trừ được các nguyên nhân nguy hiểm.
2.3. Chán ăn, khó tiêu
Ăn không ngon miệng, cảm giác đầy bụng và khó tiêu sau khi ăn có thể là các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1. Trạng thái này kéo dài có thể gây suy nhược cơ thể và mệt mỏi.
2.4. Sụt cân bất thường
Khi cơ thể sụt cân đột ngột mà không có lý do rõ ràng (như ăn kiêng, tập luyện để giảm cân), đây là một vấn đề cần phải lưu ý. Sụt cân bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư đại tràng. Sự phát triển của khối u cùng với ăn uống kém và khó tiêu là một trong các nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư đại tràng sụt cân đột ngột.
2.5. Xuất huyết từ đường tiêu hóa thấp
Một số dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa thấp (xuất hiện dịch nhầy lẫn máu tươi hoặc phân đen khi đi đại tiện) là triệu chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên, đại tiện ra máu cũng có thể là dấu hiệu khi gặp phải bệnh lý khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn...
2.6. Mệt mỏi và suy nhược
Mệt mỏi và suy nhược là những dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 nhưng thường bị bỏ qua. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu trong ung thư đại tràng do mất máu rỉ qua đường tiêu hóa. Bệnh nhân thường trải qua cảm giác chóng mặt, mệt mỏi và kiệt sức ngay cả khi đã được nghỉ ngơi.
Như đã đề cập, ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 thường khó phát hiện do các triệu chứng thường mơ hồ và không rõ ràng. Do đó, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa và tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh, loại trừ các nguyên nhân khác.
3. Cách chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 1
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư đại tràng, bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng việc xem xét bệnh sử của bệnh nhân và thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác.
Các phương pháp cận lâm sàng được dùng chẩn đoán ung thư đại tràng bao gồm:
- Nội soi đại tràng và sinh thiết
- CT và MRI
- Siêu âm nội soi
- Xét nghiệm di truyền
4. Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1 của ung thư đại tràng, khối u đã phát triển sâu vào các lớp của thành đại tràng nhưng chưa lan ra bên ngoài hoặc xâm lấn vào các hạch bạch huyết gần đó.
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu có thể bao gồm các ung thư tại chỗ hoặc một phần của polyp. Trong trường hợp polyp được loại bỏ hoàn toàn sau quá trình nội soi đại tràng, đồng thời không xuất hiện các tế bào ung thư ở cạnh của phần được cắt bỏ, bệnh nhân có thể không cần phải điều trị thêm.
Trường hợp ung thư trong polyp thuộc loại có nguy cơ cao hoặc xuất hiện tế bào ung thư ở cạnh của polyp, bác sĩ thường khuyến nghị thực hiện phẫu thuật. Nếu không thể cắt bỏ hoàn toàn polyp hoặc việc nhận biết các tế bào ung thư trở nên khó khăn do phải cắt bỏ nhiều mảnh thì bệnh nhân sẽ được khuyên phẫu thuật thêm.
Đối với trường hợp ung thư không phải do polyp hoặc khó đánh giá được mức độ xâm lấn, phương pháp điều trị tiêu chuẩn sẽ là phẫu thuật cắt bỏ một phần của đại tràng ung thư, đồng thời vét các hạch vùng (hạch bạch huyết gần đó). Bệnh nhân thường không cần thiết phải điều trị bổ trợ trong trường hợp này.
5. Phòng ngừa ung thư đại tràng
Để phòng tránh và ngăn ngừa các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh:
- Hạn chế ăn thịt đỏ (như thịt heo, thịt bò, thịt cừu…) và chế biến thực phẩm bằng các phương pháp như chiên, nướng, xông khói… Việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ có thể tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Bổ sung chất xơ từ rau xanh và trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày để cải thiện lưu thông tiêu hóa, hạn chế nguy cơ ứ đọng phân trong ruột và giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Hạn chế tiêu thụ các loại thức uống chứa cồn vì đây là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Tránh hút thuốc lá kết hợp tiêu thụ rượu: Việc kết hợp hai loại này có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
- Hoạt động thể lực và tập luyện thường xuyên để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Thực hiện các cuộc kiểm tra sàng lọc ung thư đại tràng định kỳ, đặc biệt là đối với những đối tượng nguy cơ cao như người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị đa polyp đại trực tràng.
Bằng việc tuân thủ các biện pháp trên, có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.