Bài viết được viết bởi Chuyên viên Thiền Yoga trị liệu Chu Thị Nhã - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Chắc chắn trong mỗi chúng ta đều có những lúc cảm thấy bực bội, khó chịu, buồn bã, thất vọng, .... và mỗi người lại có những cách phản ứng lại với những căng thẳng, cảm xúc không mong muốn đó khác nhau.
Tuy nhiên, có một bài tập hữu ích không chỉ với các kích thích mà còn với các tình huống chúng ta phải đương đầu với các cảm xúc tiêu cực hay đau đớn. Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách “Search Inside Yourself” của Chade-Meng Tan mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, chúng ta có thể thực hành theo bài tập hữu ích như sau:
Bài tập này có năm bước:
- Dừng lại (Stop)
- Hít thở (Breath)
- Chú ý (Notice)
- Kiểm điểm (Reflect)
- Phản ứng (Respond)
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là dừng lại. Bất cứ khi nào bạn thấy mình bị kích thích, hãy dừng lại. Tạm ngưng ngay từ phút giây đầu tiên bị kích thích là một kỹ năng quan trọng và rất hiệu quả. Đừng phản ứng gì cả, chỉ trong một khoảnh khắc thôi. Khoảnh khắc này được người ta gọi là khoảng tạm dừng thần thánh. Nó là điều kiện tạo nên tất cả các bước còn lại. Nếu bạn chỉ nhớ được một bước trong bài tập này thì hãy nhớ bước này. Gần như trong mọi trường hợp, bước này là đủ để tạo nên sự khác biệt.
Bước tiếp theo là hít thở. Bằng cách tập trung tâm trí vào hơi thở, chúng ta củng cố khoảng tạm dừng thần thánh. Ngoài ra, việc hít thở một cách có ý thức, đặc biệt là hít thở thật sâu, khiến cơ thể và tâm trí an bình.
Sau hít thở, hãy chú ý. Trải nghiệm cảm xúc bằng cách mang sự chú ý đến hơi thở. Nó có cảm giác như thế nào trên cơ thể? Trên mặt, cổ, vai, ngực và lưng? Hãy chú ý đến những thay đổi trong mức độ căng thẳng và nhiệt độ. Hãy áp dụng thiền bằng cách trải nghiệm nó trong từng khoảnh khắc mà không phán xét. Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là cố gắng trải nghiệm sự khó chịu về cảm xúc như thể nó đơn giản chỉ là một hiện tượng sinh lý, chứ không phải là một hiện tượng về bản thể. Ví dụ, nếu bạn đang trải nghiệm sự tức giận thì quan sát của bạn không phải là “Tôi tức giận” mà là “Tôi đang trải nghiệm sự tức giận trên cơ thể tôi”
Giờ đến kiểm điểm. Cảm xúc đó đến từ đâu? Có một câu chuyện đằng sau nó không? Có liên quan đến một sự nhìn nhận bản thân lệch lạc nào không? Đừng phán xét nó là đúng hay sai, chúng ta hãy chỉ mang sự khách quan này vào trong tình huống. Nếu trải nghiệm này liên quan đến một người khác, hãy đặt mình vào trong người đó và nhìn lại bản thân. Hãy nghĩ đến những điều này:
- Ai cũng muốn hạnh phúc.
- Người này nghĩ rằng hành động như vậy sẽ khiến anh ta hạnh phúc theo một cách nào đó.
Một lần nữa, hãy nhận thức mà không phán xét nó là đúng hay sai.
Cuối cùng, chúng ta phản ứng. Hãy đưa vào tâm trí những cách bạn có thể phản ứng với tình huống này để tạo được kết quả tích cực. Bạn không thực sự phải làm việc đó – chỉ cần tưởng tượng phản ứng tích cực nhất, giàu tình thương nhất thôi. Nó như thế nào?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.