Bài viết được viết bởi Chuyên viên Y tế Nguyễn Thị Yến - Âm ngữ trị liệu – Khoa Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
“Con chậm nói”, “Con chưa có ngôn ngữ” hay “Con không biết giao tiếp” là những câu nói chúng ta thường nghe thấy khi ai đó nói về sự phát triển chậm trễ ngôn ngữ của một em bé. Vậy “ngôn ngữ”, “lời nói” và “giao tiếp” có khác nhau không? Làm thế nào để tôi biết một trẻ có nguy cơ gặp khó khăn về ngôn ngữ, lời nói, giao tiếp?
1. “Ngôn ngữ”, “lời nói”, “giao tiếp” khác nhau như thế nào?
Hãy cùng xem cách “Xử lý tình huống khi đói” của hai đứa trẻ 3 tuổi như sau:
Trẻ thứ nhất: Trẻ đang chơi đồ chơi, vì quá đói nên trẻ đã đi tới bàn ăn, với lấy một gói bánh. Vì không tự mở được nên trẻ đã tìm đến mẹ, đưa cho mẹ bánh và nói: “Mẹ bóc cho con ăn”.
Trẻ thứ hai: Trẻ đang chơi đồ chơi, vì quá đói nên trẻ đã đi tới bàn ăn, trẻ cố gắng bóc bánh nhưng không được. Trẻ nhìn bánh rồi nhìn mẹ, nhưng lúc đó mẹ bé đang mải làm việc mà không nhìn thấy. Trẻ chạy lại gần kéo tay mẹ dúi vào cái bánh, mẹ nhắc “bây giờ không ăn bánh”. Trẻ ném bánh đi và bắt đầu gào khóc dữ dội.
Hãy cùng xem cách “Xử lý tình huống khi đói” của hai đứa trẻ 3 tuổi như sau:
Chúng ta hãy cùng nhau phân tích cách xử lý của 2 em bé trong cùng một tình huống này:
- Cả hai em bé đều đang “giao tiếp” với mẹ để thể hiện nhu cầu muốn được ăn bánh.
- “Ngôn ngữ” mà em bé thứ nhất sử dụng là cử chỉ đưa cho mẹ và lời nói “Mẹ bóc cho con ăn”.
- “Ngôn ngữ” mà em bé thứ hai sử dụng là ánh mắt nhìn mẹ, cử chỉ kéo tay mẹ và hành vi “gào khóc”.
Có thể thấy, cùng một tình huống, trẻ có thể ứng xử khác nhau tùy thuộc vào năng lực “ngôn ngữ” của mình. Mọi trẻ em đều đang cố gắng giao tiếp bằng việc sử dụng ngôn ngữ (lời nói hoặc phi lời nói) của mình. Có trẻ sử dụng thành thục ngôn ngữ có lời và không lời; cũng có trẻ chỉ sử dụng một vài cử chỉ, điệu bộ đơn giản để giao tiếp. “Lời nói” hay “cử chỉ” đều là một trong những “phương thức” giúp trẻ giao tiếp với người khác.
2. Làm thế nào để tôi biết một trẻ có nguy cơ gặp khó khăn về ngôn ngữ?
Dân gian có câu “Trẻ lên ba – cả nhà học nói” với ý nghĩa 3 tuổi là giai đoạn tốt để trẻ phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, với những trẻ em được cho là “chậm nói” thì sao? Có phải cần đợi đến 3 tuổi mới xác định được khó khăn về ngôn ngữ, lời nói, giao tiếp của trẻ. Câu trả lời là KHÔNG.
Những trẻ có khó khăn về ngôn ngữ hay giao tiếp thường có những “dấu hiệu” nhận biết từ rất sớm, tuy nhiên, chúng ta rất dễ vô tình bỏ qua nó. Một số dấu hiệu cờ đỏ cho việc chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ dưới 2 tuổi bạn có thể lưu ý:
- 9 tháng: không nói bập bẹ.
- 15 tháng: không có từ đầu tiên.
- 18 tháng: không có từ nào nhất quán.
- 24 tháng: không biết kết hợp từ.
- Phát triển giọng nói chậm hoặc trì trệ.
- 24 tháng tuổi: gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của con bạn ở 24 tháng tuổi.
- 36 tháng tuổi: người lạ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của trẻ.
- Ở bất cứ độ tuổi nào: trẻ không quan tâm đến việc giao tiếp hoặc các kỹ năng mất dần đi.
Điểm mấu chốt trong việc phát hiện sớm nguy cơ gặp khó khăn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ là hãy “QUAN SÁT” trẻ khi bạn “TẠO CƠ HỘI GIAO TIẾP” cho con. Thông qua việc quan sát cách con chơi, con tương tác với người lớn hoặc với trẻ khác, bạn sẽ biết được liệu con mình có đang thực sự “quan tâm” và “tham gia” giao tiếp với người khác hay không. Dù con chưa nói nhưng con có “nỗ lực” để giao tiếp bằng cách sử dụng cử chỉ, điệu bộ hoặc phát ra các âm thanh hay không.
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, họ hiểu con của mình dù bé chưa nói. Họ biết khi con đi ra cửa và lấy đôi dép, có nghĩa là con đang muốn đi chơi. Phụ huynh quan sát cách con chơi, con nói và nhớ lại những gì mà đứa con lớn của họ đã làm và nói ở cùng độ tuổi. Hoặc họ tự so sánh con với những đứa trẻ khác... Cũng có phụ huynh, khi nhận thấy con dường như “ít nói” hơn các bạn cùng độ tuổi, họ thường trò chuyện với người thân hoặc những cha mẹ khác.
Câu trả lời họ nhận được có thể là: “Con tôi cũng chậm nhưng bây giờ nói nhiều lắm rồi” hoặc “đừng lo, đến tuổi nói con sẽ nói thôi” hoặc “hồi bố nó còn bé, bố có cũng chậm nói như thế”. Những điều này có thể đúng, cũng có thể không đúng. Chúng ta không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt khi con của bạn còn bé.
Tất cả những lo ngại của phụ huynh về sự phát triển ngôn ngữ, lời nói của con là bình thường. Tuy nhiên, hãy chắc chắn bạn hiểu rõ về sự phát triển của con và không bỏ lỡ cơ hội cho con được “Can thiệp sớm”. Đừng do dự hay ngần ngại mà hãy liên hệ với một chuyên gia về ngôn ngữ trị liệu để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời khi bạn có bất cứ mối lo lắng nào về sự phát triển ngôn ngữ của con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.