Trứng từng là món ăn được các bác sĩ và chuyên gia dè chừng vì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch do hàm lượng cholesterol cao. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây lại cho kết quả ngược lại. Vậy người mắc bệnh tim mạch có nên ăn trứng không?
1. Trứng gà và cholesterol
Để tìm hiểu bệnh tim mạch có nên ăn trứng không thì trước hết chúng ta cần biết trứng gà có những thành phần gì?
Thành phần dinh dưỡng trong trứng bao gồm:
- Cholesterol;
- Chất đạm;
- Choline;
- Biotin - Vitamin B7 và vitamin A;
- Chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin.
Một lòng đỏ trứng gà có chứa đến 200mg cholesterol, vì vậy trứng là một trong những thực phẩm giàu cholesterol nhất trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Do đó, trước đây khi được hỏi bệnh tim mạch không nên ăn gì thì câu trả lời luôn có sự xuất hiện của trứng.
Ngoài cholesterol, trứng còn chứa các chất dinh dưỡng khác, mỗi quả trứng còn chứa một lượng chất béo vừa phải (khoảng 5 gam), đa phần là chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa.
Hiện nay, các nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan giữa lượng cholesterol trong chế độ ăn uống và lượng cholesterol trong máu là không nhiều. Việc tập trung quá nhiều vào việc cắt giảm lượng cholesterol trong chế độ ăn uống không còn được chú ý so với việc phân loại và nhận biết các loại chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đây là những chất có khả năng chuyển hóa gây ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu.
Vì vậy, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người Mỹ 2015 đã loại bỏ khuyến cáo về việc hạn chế tiêu thụ cholesterol trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
2. Ăn trứng có tốt cho tim mạch không?
Nghiên cứu về khả năng tiêu thụ trứng ở 2 quần thể lớn (khoảng 40.000 nam giới và hơn 80.000 phụ nữ) cho kết quả rằng việc tiêu thụ một quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở những người bình thường.
Những nghiên cứu trước đây cho rằng, trứng là nhóm thực phẩm có liên quan đến các yếu tố nguy cơ tim mạch do hàm lượng cholesterol cao. Tuy nhiên, một kết quả nghiên cứu trên thế giới gần đây lại tin chắc rằng ở hầu hết mọi người, lượng cholesterol tiêu thụ trong thực phẩm ít ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu và nồng độ LDL (một loại cholesterol xấu) so với một chế độ ăn có sự kết hợp của các loại chất béo khác nhau. Tất nhiên, nghiên cứu này không áp dụng cho chế độ dinh dưỡng tiêu thụ 3 quả trứng rán mỗi ngày.
Một báo cáo năm 2008 về sức khỏe đã ủng hộ ý kiến rằng ăn một quả trứng mỗi ngày nhìn chung là an toàn cho tim và dĩ nhiên nếu sử dụng vượt xa con số đó có thể làm tăng nguy cơ suy tim sau này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý đến phần thức ăn đi kèm với trứng. Đối với hệ tim mạch, các món ăn làm từ trứng cùng các loại hạt nguyên cám mang lại hiệu quả khác biệt hoàn toàn so với món ăn có trứng kèm pho mát, xúc xích, khoai tây chiên.
Ở những bệnh nhân khó kiểm soát được tổng lượng cholesterol và LDL trong máu nên thận trọng khi sử dụng lòng đỏ trứng và nên thay thế bằng các món ăn chế biến từ lòng trắng trứng. Ở những bệnh nhân đái tháo đường cũng tương tự.
Nhiều nghiên cứu sức khỏe trên thế giới cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch nam giới và đái tháo đường ở phụ nữ sẽ gia tăng nếu ăn nhiều hơn một quả trứng mỗi ngày. Do đó, ở điều kiện tối ưu nhất những bệnh nhân đái tháo đường và có bệnh lý tim mạch chỉ nên sử dụng tối đa 3 lòng đỏ trứng mỗi tuần.
Để đánh giá mối liên quan thực sự giữa việc tiêu thụ trứng và sức khỏe tim mạch, chúng ta cần đánh giá và so sánh ảnh hưởng sức khỏe của trứng và những thực phẩm khác có thể thay thế trứng trong chế độ ăn hằng ngày.
Ví dụ mỗi bữa sáng, khi so sánh trứng với các loại ngũ cốc tinh chế chứa nhiều đường hoặc bánh mì thì trứng là sự lựa chọn tốt hơn. Mặt khác, thay vì chỉ tập trung vào trứng thì chúng ta nên chọn ăn một bát yến mạch, các loại hạt hoặc quả mọng... sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch hơn. Các loại ngũ cốc nguyên hạt và trái cây tươi giúp giảm yếu tố nguy có mắc bệnh tim.
Khi nhắc đến nguồn cung cấp protein (chất đạm), các loại quả hạch và các loại hạt giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do các vấn đề sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng khi so sánh với việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ hoặc trứng để có được protein.
Thông qua các nghiên cứu trên có thể kết luận được rằng, trứng có thể không phải là lựa chọn cho bữa sáng tối ưu nhất, nhưng nó cũng không phải là lựa chọn tệ hại. Trứng nằm ở mức trung bình khi chúng ta lựa chọn thực phẩm dựa trên nguy cơ tim mạch.
Như vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ bao gồm tiêu thụ trứng ở mức vừa phải đến thấp là tối ưu nhất, kèm theo đó là nguồn cung cấp đạm thực vật thay thế khác.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên sẽ giúp độc giả hiểu được người bệnh tim mạch có nên ăn trứng không để từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu còn băn khoăn bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, xây dựng chế độ dinh dưỡng và nhận được lời tư vấn từ các chuyên gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .hsph.harvard.edu