Trứng, sữa có nên xuất hiện trong thực đơn của người bệnh ung thư?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.

Chế độ ăn uống góp phần gây bệnh ung thư, tái phát ung thư và có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Nhiều bệnh nhân bị ung thư tự kiêng không ăn các loại thịt động vật, gia cầm, trứng, sữa,....

1. Dinh dưỡng quan trọng thế nào đối với bệnh nhân ung thư?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, trong đó có chế độ ăn chưa hợp lý, do thực phẩm nhiễm bẩn. Từ khâu chế biến, nuôi trồng, vận chuyển,... đều có thể có nguy cơ gây ung thư.

ung thư là tế bào đột biến, những tế bào khỏe mạnh khác cũng cần phát triển bình thường nên vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị,... Nếu tình trạng dinh dưỡng người bệnh không cải thiện thì bác sĩ không thực hiện được phác đồ điều trị hoặc kết quả thất bại vì bệnh nhân không đủ sức chịu đựng các tác dụng phụ của phác đồ điều trị. Vì thế, người bệnh cần hiểu dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng cao thể trạng người mắc bệnh ung thư.


Vai trò của dinh dưỡng là nâng cao thể trạng người mắc bệnh ung thư, chống chọi với bệnh tật
Vai trò của dinh dưỡng là nâng cao thể trạng người mắc bệnh ung thư, chống chọi với bệnh tật

2. Bệnh nhân ung thư có nên ăn trứng, uống sữa không?

Vì quan niệm trong dân gian và hiện nay vẫn còn phổ biến ở nước ta là người mắc bệnh ung thư phải hạn chế các chất đạm có nguồn gốc động vật để tế bào ung thư không phát triển nhanh hơn, nhưng đây lại là một quan niệm sai lầm.

Trứng, sữa, thịt gà, thịt bò, rau xanh, đậu đỏ, gạo, mì, khoai... có nhiều Protein, đây là chất cơ bản giúp cơ thể người bị ung thư làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Nó cũng là nguyên liệu bồi phục lại khối nạc của cơ thể đã mất do tăng quá trình dị hóa của cơ thể. Đồng thời giúp tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người bệnh ung thư luôn chán ăn, ăn uống kém.

Vì vậy, việc một số bệnh nhân ung thư kiêng ăn trứng, uống sữa và các chất đạm khác như thịt gà, thịt bò,... là sai lầm lớn. Các thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư rất tốt. Điều quan trọng là phải lựa chọn sữa cho phù hợp và liều lượng vừa phải.

Theo các chuyên gia, sữa và các sản phẩm từ sữa được khuyến nghị cho người bị ung thư gồm: sữa, phomat, phomat làm từ sữa tách kem, sữa chua, đồ uống trộn sữa, sữa chua uống. Các sản phẩm từ sữa với lượng vừa phải gồm: kem, sữa có thêm hương vị socola, cà phê, dâu và các loại sữa khác như sữa yến mạch, sữa gạo, sữa từ các hạt,... Đặc biệt, sữa không tiệt trùng, phomat có chứa thành phần thực vật và gia vị không được nấu như tiêu ớt, phomat xanh thì không nên ăn uống.

Thực phẩm từ trứng được khuyến nghị gồm: trứng nguyên quả - Trứng chần, trứng bác, trứng ốp lết chín kỹ, trứng tráng. Trứng muối, trứng bách thảo thì ăn với liều lượng vừa phải. Trứng sống, trứng chưa chín kỹ thì tuyệt đối không cho bệnh nhân ung thư ăn.

Thịt và gia cầm thì các chuyên gia khuyến nghị nên ăn thịt gà, thịt ngan, thịt nạc, thịt bò.

3. Người bị ung thư nên kiêng ăn gì?


Trao đổi với bác sĩ về chế ăn phù hợp cho người mắc bệnh ung thư
Trao đổi với bác sĩ về chế ăn phù hợp cho người mắc bệnh ung thư

Trao đổi với bác sĩ về chế ăn phù hợp cho người mắc bệnh ung thư

3.1. Kiêng theo món ăn

Một số nhóm thực phẩm ăn uống người mắc bệnh ung thư cần kiêng kị, tuy nhiên cũng còn tùy vào từng cơ thể, từng dạng bệnh và từng thời điểm mà có chế độ ăn kiêng cho phù hợp như sau:

  • Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn như thịt đóng hộp, cá đóng hộp, thịt nguội, xúc xích,...
  • Không uống Bia, rượu, các loại nước ngọt đóng chai.
  • Không ăn hải sản nuôi ở vùng ô nhiễm, hạn chế ăn trai, ốc, hến vì nồng độ chì cao.
  • Không nên dùng nhiều thực phẩm lên men như dưa muối, cà, thịt ngâm, thịt muối.
  • Không nên dùng cà phê, nhất là những bệnh nhân bị ung thư bàng quang, tuyến tụỵ...
  • Không ăn thức ăn nướng, vì trong quá trình nướng sẽ tạo ra chất gây ung thư.

3.2. Kiêng theo thể trạng người bệnh

  • Người thể hư: Cần chọn các chất thanh đạm, dễ tiêu, dinh dưỡng cao, kiêng ăn các thức ăn dầu mỡ ngậy béo, đậm đà, khó tiêu như các thức chiên, rán, thịt mỡ.
  • Người thể nhiệt: Chọn những loại thức ăn mát, kiêng các thức cay như gừng, tỏi, ớt, hành, rượu, các thức hun nướng, thịt dê, thịt gà, thịt chó, thịt chim sẻ.
  • Người thể hàn: Chọn các thức ăn bình bổ; kiêng ăn các thức sống, lạnh như các loại dưa và trái cây sống lạnh, các thức uống lạnh, các thứ rau mát và những hải sản có tính lạnh.
  • Người thể thực: Tăng protein vào một cách thích đáng, kiêng ăn nhiều một thứ như vịt, gà, cá; kiêng thuốc lá, rượu; nhất là kiêng ăn uống bừa bãi, kiêng các thức có hàm lượng mỡ cao.
  • Người ung thư có bệnh lý khác kèm theo: Thì phải ăn kiêng. Nếu bị ung thư kèm loét dạ dày hành tá tràng thì kiêng chua, cay, nóng, kiêng ăn quá no hoặc đói, kiêng ăn đồ cứng, đồ lâu tiêu. Kèm bệnh cao huyết áp cần kiêng mặn. Kèm bệnh tiểu đường thì kiêng đường. Kèm bệnh suy thận thì kiêng thức ăn nhiều muối, đạm, kiêng mỡ động vật,...

3.3. Kiêng theo loại bệnh ung thư

Việc nên ăn hay nên kiêng thứ gì cũng không giống nhau mà phải căn cứ vào bệnh tình để quyết định. Nếu bệnh nhân ung thư mà phát thành sốt thì tạo thành những chất mang tính chất acid tích tụ lại trong người; ăn thịt vào khi nó phân giải trong cơ thể cũng sinh ra nhiều chất mang tính acid, những chất mang tính acid trong người tăng lên thì sẽ làm hại công năng các khí quan của cơ thể, bởi vì môi trường acid là môi trường tốt cho các tế bào ung thư phát triển mạnh, do vậy cần phải thay đổi chế độ ăn uống để làm thay đổi môi trường sống của tế bào ung thư.

3.4. Kiêng theo giai đoạn của bệnh

  • Khi bị bệnh ung thư, cần căn cứ vào các thời kỳ khác nhau của bệnh mà chọn những thức ăn khác nhau và kiêng kỵ khác nhau.
  • Nếu đang điều trị bằng phóng xạ và điều trị bằng hóa chất, thường xuất hiện phản ứng giảm bạch cầu, lúc đó cần ăn nấm, ăn lươn, ba ba, long nhãn.
  • Nếu xuất hiện miệng và lưỡi bị khô táo thì ăn mật ong, hải sâm, hạnh nhân, sau khi công năng toàn thân giảm sút, đường tiêu hóa càng bị ảnh hưởng rõ rệt, nên cần kiêng thuốc lá, rượu, các thức ăn cay, béo (ớt, thịt mỡ);
  • Sau khi điều trị bằng phóng xạ, càng kiêng ăn các thức có tính nhiệt hại đến âm như thịt dê, thịt chó,...
  • Sau khi mổ, người bệnh cần bồi bổ bằng các thức thuần khiết, gọi là thanh bổ và các thức bình hòa, kiêng ăn ngậy béo, dầu mỡ, vị đậm, hải sản tanh và các thứ cay, nóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe