Triệu chứng trật khớp cùng đòn

Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai thường xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. Lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp với các mức độ khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về triệu chứng và các mức độ trật khớp cùng đòn.

1. Khớp cùng đòn ở đâu và được cấu tạo như thế nào?

Khớp cùng đòn (hay khớp cùng vai đòn) nằm ở vị trí trên vùng vai. Giải phẫu cho thấy khớp cùng đòn được giữ vững bởi các hệ thống dây cùng đòn, dây chằng nón và dây chằng thang. Trong đó dây chằng cùng đòn và bao khớp đóng vai trò giữ vững khớp cùng đòn trên mặt phẳng ngang. Còn dây chằng nón, dây chằng thang tham gia vào quá trình giữ vững trên dưới của khớp cùng đòn và ngăn chặn sự di chuyển lên trên của xương đòn hoặc di chuyển xuống dưới của phức hợp vai cánh tay.

Động khớp cùng đòn được giữ vững bởi các yếu tố gồm: Cơ Delta và cơ thang bám ở bờ trước ngoài mỏm cùng vai và ở 1/3 ngoài, mặt sau, mặt trước của xương đòn. Hướng tác dụng lực của hai cơ này ngược nhau, cùng với hệ thống các dây chằng giúp củng cố thêm độ vững chắc cho khớp cùng đòn. Tầm quan trọng của các cơ này cũng cần được lưu ý trong bất kỳ phẫu thuật tái tạo khớp cùng đòn nào. Bên cạnh đó, quá trình sửa chữa lại lớp cơ cân mạc thang – delta đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý vấn đề trật khớp cùng đòn.

2. Trật khớp cùng đòn là gì?

Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai, xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. Lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp với các mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình và nhẹ làm cho các dây chằng liên quan căng giãn hoặc đứt một phần. Ở mức độ nặng làm cho các dây chằng néo giữ xương đòn xuống dưới bị đứt, đầu ngoài xương đòn bị bật lên, khi đó có thể thấy da phía ngoài nhô lên.

Tùy thuộc theo mức độ tổn thương và độ lệch dây chằng, trật khớp cùng vai đòn được chia thành các mức độ như sau:

  • Độ I: Người bệnh bị giãn dây chằng cùng đòn, không có trật khớp;
  • Độ II: Người bệnh bị giãn dây chằng quạ đòn, đứt dây chằng cùng đòn;
  • Độ III: Người bệnh bị đứt dây chằng quạ đòn và khớp cùng đòn trật hoàn toàn;
  • Độ IV: Người bệnh bị trật đầu ngoài xương đòn vào trong, ra sau hoặc xuyên qua cơ thang;
  • Độ V: Đầu ngoài xương đòn của người bệnh bị di lệch lên trên rất nhiều;
  • Độ VI: Phần xương đòn của người bệnh bị đi lệch xuống dưới mỏm quạ hoặc mỏm cùng vai. Lúc này khoảng gian quạ - đòn thu hẹp so với bên vai lành.

Hình ảnh trật khớp cùng đòn trên X-quang
Hình ảnh trật khớp cùng đòn trên X-quang

3. Nguyên nhân và triệu chứng của trật khớp cùng đòn

Trật khớp cùng vai đòn xảy ra do nguyên nhân té ngã va đập vào vai. Chấn xương xảy ra có thể trực tiếp hoặc gián tiếp như sau:

  • Cơ chế trực tiếp: Cơ chế này xảy ra do người bệnh ngã đập vai trong tư thế khớp vai kép, dẫn đến mỏm cùng vai bị đẩy xuống dưới và vào trong.
  • Cơ chế gián tiếp: Cơ chế này xảy ra do người bệnh ngã chống tay làm cho lực truyền dọc theo trục xương cánh tay đến khớp cùng đòn.

Các triệu chứng trật khớp cùng đòn ở người bệnh như sau:

  • Triệu chứng đau và vận động khớp vai bị hạn chế.
  • Bên vai trật khớp bị xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm vai.
  • Các triệu chứng phím đàn: Dùng tay có thể ấn xương đòn về vị trí ban đầu nhưng xương lại nhô lên khi bỏ tay ra.
  • Cảm giác đau đớn, bầm tím, sưng ở bên vai bị chấn thương.

Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng như trên cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau.

4. Chẩn đoán trật khớp cùng vai

Việc chẩn đoán trật khớp cùng vai đòn được thực hiện dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng là chụp X – quang.

Một số kỹ thuật chụp X – quang được sử dụng trong chẩn đoán gồm:

  • Kỹ thuật chụp X – quang khớp vai 3 tư thế: X – quang xương bả vai chữ Y, X – quang vai thẳng, X – quang nách.
  • Kỹ thuật chụp X – quang Zanca: Giúp quan sát vị trí đầu khớp cùng đòn tốt hơn, kỹ thuật này tương tự kỹ thuật X – quang vai thẳng, tuy nhiên đầu phát tia chếch về phía đầu 10 độ.
  • Kỹ thuật chụp X – quang stress.

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng là khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương, được trình bày cụ thể trong bảng sau:

5. Điều trị trật khớp cùng đòn vai

Điều trị trật khớp cùng đòn vai được thực hiện theo hai phương pháp chính là phẫu thuật và điều trị bảo tồn.

5.1. Phương pháp điều trị bảo tồn

Được chỉ định ở người bệnh tổn thương mức độ I, II và người bệnh mức độ III ít vận động. Phương pháp này được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:

  • Chườm đá, nghỉ ngơi.
  • Mang áo Desault hỗ trợ hoặc đeo túi treo tay từ 4 – 6 tuần.
  • Tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ: 4 – 6 tuần đầu tập tầm vận động thụ động khớp vai, tiếp theo là tập tầm vận động chủ động và tăng sức cơ.

Mang áo Desault được sử dụng trong điều trị bảo tồn trật khớp cùng đòn
Mang áo Desault được sử dụng trong điều trị bảo tồn trật khớp cùng đòn

5.2. Phương pháp phẫu thuật

Được chỉ định ở người bệnh trẻ tuổi tổn thương mức độ III có nhu cầu vận động nhiều và những trường hợp nặng hơn ở mức độ IV, V, VI. Phương pháp này được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:

  • Cố định khớp cùng đòn: Phương pháp phẫu thuật cố định khớp cùng đòn sử dụng các dụng cụ kết hợp như nẹp móc, chỉ thép, đinh Krischner.
  • Cố định xương đòn vào mỏm quạ bằng phẫu thuật.
  • Tái tạo dây chằng quạ đòn bằng phẫu thuật sử dụng gân đồng loại hoặc gân tự thân, dây chằng quạ cùng được chuyển thành dây chằng quạ đòn.
  • Kỹ thuật nội soi cố định quạ - đòn.

Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật:

  • Người bệnh được sử dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh và kháng viêm.
  • Hỗ trợ bất động bằng đeo túi treo tay hoặc mang áo Desault tùy thuộc vào độ vững của khớp đánh giá sau mổ và phương pháp thực hiện phẫu thuật.
  • Người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng sớm nhất có thể để tránh biến chứng hạn chế vận động khớp vai về sau.

6. Phòng ngừa chấn thương trật khớp cùng đòn vai

Một số lưu ý trong hoạt động và sinh hoạt để hạn chế chấn thương trật khớp cùng đòn vai:

  • Chuẩn bị và trang bị đồ bảo hộ lao động đầy đủ và đúng cách.
  • Đi lại cẩn thận, tham gia giao thông có ý thức và đúng luật.
  • Tham gia giáo dục và tuyên truyền luật giao thông và lao động để mọi người có ý thức bảo vệ bản thân.
  • Tìm hiểu, nghiên cứu cách sơ cứu ban đầu các chấn thương.

Tóm lại, trật khớp cùng vai đòn xảy ra do nguyên nhân té ngã va đập vào vai. Triệu chứng ban đầu của trật khớp cùng đòn là đau đớn, bầm tím, sưng ở bên vai bị chấn thương, khớp xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm vai... Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng như trên thì cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe