Trật khớp cùng vai đòn mãn tính: Những điều cần biết

Bài viết của các Bác sĩ khoa Phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trật khớp cùng vai đòn là một trong những tổn thương thường gặp trong chấn thương vai. Cơ chế chấn thương hầu hết là do va đập trực tiếp vùng vai. Sau khi ngã người bệnh thường sẽ thấy đau sưng vùng vai, khi sờ sẽ thấy phần đầu ngoài xương đòn gồ lên trên da.

1. Phân loại trật khớp cùng đòn ở vai

Có rất nhiều cách phân loại để đánh giá mức độ tổn thương trật khớp cùng đòn vai. Tuy nhiên phân loại theo tác giả Rockwood được nhiều các bác sĩ sử dụng nhất thì tổn thương được phân loại thành 6 mức độ. Với độ I, II điều trị bảo tồn thường đem lại kết quả tốt. Chỉ định mổ thường được đặt ra với những tổn thương từ độ III trở lên. Với những tổn thương trật khớp cùng vai đòn độ I và II thì được điều trị bảo tồn theo cách đeo đai cố định, người bệnh cần được hướng dẫn cách theo dõi và tuân thủ cách bất động, đồng thời đến cơ sở y tế thực hiện khám lại sau 3-6 tuần ( từ sau khi chấn thương) để đánh giá mức độ ổn định của khớp, tiến triển của triệu chứng.

Với những bệnh nhân sau khi bị trật khớp cùng vai đòn được chẩn đoán và phát hiện tại thời điểm 3 tháng sau chấn thương khi bác sĩ thăm khám thấy người bệnh nhân vẫn còn đau vai, cảm thấy tiếng lục cục khi vận động vai, kiểm tra trên X-quang thấy hình ảnh đầu ngoài xương đòn nhô cao nhiều so với mỏm cùng vai thì được coi là trật khớp cùng đòn mãn tính. Trong trường hợp này cần phải điều trị phẫu thuật để cải thiện tình trạng bất ổn của khớp cùng vai đòn.


Hình 1: ảnh phim X-quang bệnh nhân trật khớp cùng vai đòn phải mạn tính
Hình 1: ảnh phim X-quang bệnh nhân trật khớp cùng vai đòn phải mạn tính

2. Điều trị trật khớp cùng đòn ở vai bằng phương pháp nào?

Rất nhiều người thắc mắc: Trật khớp cùng đòn bao lâu thì lành? Thực tế, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị trật khớp cùng đòn mãn tính ở vai. Theo đó, việc điều trị được chia ra làm hai nhóm chính là phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật mổ nội soi điều trị trật khớp cùng đòn. Tuy nhiên cả 2 phương thức phẫu thuật này đều cần có sự tái tạo lại dây chằng quạ-đòn để đảm bảo sự ổn định lâu dài của khớp cùng vai đòn. Mỗi phương pháp lại có những ưu điểm nhược điểm riêng và phát triển dần theo sự hiểu biết, dụng cụ chuyên biệt, đặc biệt với sự phát triển của các dụng cụ hỗ trợ cho mổ nội soi khớp vai.

2.1. Kỹ thuật chuyển dây chằng quạ cùng vai

Phương pháp cổ điển nhất cho phẫu thuật trật khớp cùng đòn vai mạn tính là kĩ thuật chuyển dây chằng quạ - cùng vai ( Coracoacromial ligament transposition). Kỹ thuật này được mô tả bởi Weaver and Dunn, phẫu thuật cắt bỏ một phần đầu ngoài xương đòn, chuyển điểm bám của dây chằng quạ cùng vai từ mỏm cùng vai sang đầu ngoài xương đòn để tái tạo lại dây chằng quạ đòn.

Sau này một số tác giả đã cải tiến kỹ thuật này bằng cách giữ cố định vị trí của xương đòn với mỏm quạ bằng nẹp Hook, chỉ siêu bền, tightrope hoặc mảnh ghép gân làm tăng độ vững. Phương pháp này đem lại hiệu quả tương đối (70%) về mặt chức năng cũng như hài lòng cho bệnh nhân. Nhưng nhược điểm là phẫu trường rộng, bóc tách nhiều tổ chức, dùng nẹp Hook có nhiều biến chứng như nhiễm trùng, kích ứng nẹp...


Hình 2: Ảnh minh họa kĩ thuật Weaver Dunn cải tiến với Tighrope.
Hình 2: Ảnh minh họa kĩ thuật Weaver Dunn cải tiến với Tighrope.

2.2. Kỹ thuật dùng gân tự thân tái tạo dây chằng

Phương pháp thứ hai là kĩ thuật dùng gân tự thân hoặc đồng loại để tái tạo dây chằng cùng vai đòn, quạ đòn đã đứt theo đúng giải phẫu: Rất nhiều nghiên cứu về cơ sinh học đã chứng minh được sự vượt trội của kĩ thuật này so với các phương pháp truyền thống. Hiểu ngắn gọn phương pháp này sử dụng mảnh gân ghép ( lấy tự thân hoặc gân đồng loại từ người hiến gân) sau đó tết tạo hình dây chằng mới để tái tạo lại dây chằng cùng đòn và quạ đòn theo vị trí giải phẫu ban đầu của nó, điều này sẽ giúp cho sự ổn định khớp cùng vai đòn.

Hiện có nhiều phương án để lựa chọn mảnh gân ghép gân đồng loại cũng như cách tạo đường hầm đặt gân và cố định mảnh gân. Với sự phát triển của kĩ thuật nội soi.


Hình 3: Ảnh minh họa kĩ thuật tái tạo dây chằng cùng vai đòn, quạ đòn theo giải phẫu
Hình 3: Ảnh minh họa kĩ thuật tái tạo dây chằng cùng vai đòn, quạ đòn theo giải phẫu

Điều trị trật khớp cùng vai đòn type III còn nhiều tranh cãi, nhất là đối với các bệnh nhân có tuổi. Với các trường hợp đau dai dẳng khớp vai sau trật khớp vai mạn tính gây ảnh hưởng đến cuộc sống có thể lựa chọn phẫu thuật để giải quyết tình trạng đau và trở về với cuộc sống năng động hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe