Trật khớp cùng đòn là một chấn thương vai thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, cần chẩn đoán và phân độ tổn thương trật khớp cùng đòn để có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả nhất.
1. Chẩn đoán trật khớp cùng đòn
Các bác sĩ thường chẩn đoán trật khớp cùng đòn bằng phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể:
1.1 Chẩn đoán lâm sàng dựa trên triệu chứng bệnh
Triệu chứng thường gặp sau khi bị chấn thương vai gây trật khớp cùng đòn là:
- Đau ở đầu ngoài xương đòn
- Trường hợp trật khớp cùng đòn nặng (độ 4, 5, 6) thì người bệnh có biểu hiện đầu ngoài xương đòn di động, nhô lên dưới da. Bên vai bị trật khớp cũng bị biến dạng so với bên vai đối diện. Người bệnh bị đau, không thể đưa tay lên cao quá đầu, không nằm nghiêng về bên tổn thương được. Bác sĩ ấn vào đầu ngoài xương đòn sẽ có dấu hiệu phím đàn.
- Trường hợp trật khớp cùng đòn độ 1, 2, 3 thì sau khi tai nạn bệnh nhân chỉ bị đau âm ỉ ở vị trí khớp cùng đòn. Nếu nâng vật nặng hoặc bắt chéo tay thì cơn đau sẽ tăng lên.
1.2 Chẩn đoán cận lâm sàng - hình ảnh trật khớp cùng đòn
X quang trật khớp cùng đòn: Chụp X-quang khớp vai trước - sau, chụp nghiêng tư thế hình chữ Y hoặc chụp nghiêng tiếp tuyến với khớp cùng đòn 10 - 15° sẽ giúp chẩn đoán xác định và phân loại trật khớp cùng đòn. Trường hợp trên lâm sàng nghi ngờ trật khớp cùng đòn nhưng hình ảnh trật khớp cùng đòn Xquang thông thường không thấy tổn thương thì sẽ phải chụp lại bằng cách yêu cầu người bệnh cầm vật nặng trên tay để kiểm tra khớp cùng đòn khi không cầm vật nặng, đồng thời so sánh với bên đối diện. Đặc điểm trật khớp cùng đòn trên X-quang: Phù nề phần mềm, khớp cùng đòn bị rộng, bất đối xứng so với bên đối diện.
CT và MRI: Hiếm khi được chỉ định cho các trường hợp trật khớp cùng vai đòn. Các bác sĩ sẽ chỉ định nếu trên lâm sàng và X-quang hình ảnh khớp cùng đòn không chẩn đoán được hoặc trật khớp đi kèm tổn thương khác như rách chóp xoay hoặc mất vững khớp vai,...
Trong trường hợp chỉ định điều trị, người bệnh sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: Ion đồ, tổng phân tích tế bào ngoại vi, sinh hóa, nước tiểu hoặc xét nghiệm tiền phẫu,...
2. Phân độ tổn thương trật khớp cùng đòn
Từ hình ảnh trật khớp cùng đòn và triệu chứng đi kèm, tùy độ lệch và tổn thương dây chằng, theo tác giả Rockwood thì tình trạng trật khớp cùng đòn được phân chia thành 6 cấp độ như sau:
- Độ I: Bệnh nhân bị giãn dây chằng cùng đòn, còn nguyên dây chằng quạ đòn
- Độ II: Người bệnh bị đứt dây chằng cùng đòn và bị giãn dây chằng quạ đòn
- Độ III: Bệnh nhân bị đứt dây chằng cùng đòn, đứt dây chằng quạ đòn và trật hoàn toàn khớp cùng đòn, đầu ngoài xương đòn nhô lên cao và bị di lệch 25 - 100% so với bên đối diện
- Độ IV: Người bệnh bị trật đầu ngoài xương đòn ra phía sau, đi vào hoặc đi xuyên qua cơ thang
- Độ V: Bệnh nhân bị di lệch đầu ngoài xương đòn lên trên rất nhiều
- Độ VI: Phần xương đòn của bệnh nhân bị di lệch xuống dưới mỏm quạ hoặc mỏm cùng vai. Khoảng gian quạ - đòn cũng bị thu hẹp so với bên lành.
Trong các mức độ thì trật khớp cùng đòn độ 3, 2, 1 là phổ biến nhất, độ 4 - 5 ít gặp và độ 6 rất hiếm gặp.
Dựa vào chẩn đoán và mức độ tổn thương thông qua hình ảnh trật khớp cùng đòn, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Điều người bệnh cần làm là tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn điều trị trật khớp cùng đòn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.