Triệu chứng, biến chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể không thể hiện qua bất kỳ dấu hiệu nào, hoặc cũng có thể xuất hiện những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, nếu thiếu kiến thức về tình trạng nguy hiểm này, nguy cơ phát hiện bệnh muộn và gặp phải biến chứng là rất cao.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Phạm Thị Hải Yến, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là gì?

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát là tình trạng giảm tiểu cầu mắc phải do các tự kháng thể chống lại tiểu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây lên tình trạng giảm tiểu cầu ở người lớn.  

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Trong trẻ em, bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm virus và có thể tự phục hồi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở người lớn, rối loạn thường mãn tính và điều trị khó khăn hơn.

2. Phân loại

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch chia ra làm 2 loại:

  • ITP nguyên phát: ITP không có yếu tố khởi phát hoặc bệnh lý liên quan.
  • ITP thứ phát: ITP trong các bệnh lý tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống,... hoặc do thuốc (tạo ra kháng thể chống lại tiểu cầu).

3. Triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch 

Chảy máu cam không rõ nguyên nhân là một trong những triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Chảy máu cam không rõ nguyên nhân là một trong những triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Một số bệnh nhân có thể không thấy bất kỳ triệu chứng nào khi bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, trong khi một số khác có thể gặp các dấu hiệu sau:

  • Dễ bị vết bầm tím hoặc phát ban
  • Xuất huyết dưới da, thường là những nốt nhỏ tím đỏ hoặc phát ban
  • Chảy máu lâu ở những vết cắt da
  • Chảy máu cam không rõ nguyên nhân
  • Chảy máu từ nướu, răng hoặc có máu trong phân hoặc nước tiểu
  • Cảm thấy đau đầu, mệt mỏi

Mặc dù không nguy hiểm ngay lập tức, nhưng người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi gặp các triệu chứng như:

  • Chảy máu không kiểm soát được
  • Các dấu hiệu nghiêm trọng như các nốt xuất huyết lan rộng

4. Biến chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

  • Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là gây chảy máu, đặc biệt là chảy máu não - xuất huyết nội sọ, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
  • Biến chứng trong quá trình điều trị cũng có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp cắt lách, tăng nguy cơ nhiễm trùng.  
  • Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn có thể đối mặt với biến chứng khi điều trị bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nặng hoặc mãn tính. Corticosteroids là loại thuốc thường được dùng để điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroids lâu dài có thể mang lại các tác dụng phụ nghiêm trọng như loãng xương, tăng đường huyết, đục thủy tinh thể và nguy cơ phát triển tiểu đường loại 2.
  • Biến chứng tiềm ẩn cũng có thể xảy ra ở một số trẻ sơ sinh được sinh ra với lượng tiểu cầu thấp hoặc người bệnh mang thai xuất hiện chảy máu nặng khi sinh.

5. Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nguy hiểm như thế nào? 

Nên tránh sử dụng các loại thuốc có khả năng làm suy yếu tiểu cầu
Nên tránh sử dụng các loại thuốc có khả năng làm suy yếu tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một căn bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể bao gồm xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não màng não và xuất huyết đường niệu, trong đó xuất huyết màng não chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.  

Sự tiến triển của bệnh khác nhau giữa người trưởng thành và trẻ em, với tỷ lệ tự phục hồi sau 3 tháng khoảng 70% ở trẻ em, trong khi ở người lớn thì bệnh thường chuyển sang mạn tính nhanh chóng và có thể tái phát nhiều lần.  

6. Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Điều trị sớm là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng, vì vậy khi phát hiện có triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.

6.1 Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh bao gồm:

  • Corticosteroid qua đường uống  
  • Immune Globulin intravenous (IVIG),  
  • Immune Globulin anti-D intravenous,  
  • Đôi khi cần thực hiện cắt lách, các thuốc kích thích receptor của thrombopoietin (TPO-RA), Rituximab, Fostamatinib và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác được xem xét là phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP).

Trong trường hợp xuất huyết nặng, các biện pháp điều trị như IVIG, globulin miễn dịch chống D, corticosteroid qua đường tĩnh mạch, và/hoặc truyền tiểu cầu có thể được áp dụng. Bệnh nhân có thể rơi vào hai trường hợp:

  • Bệnh nhân không có triệu chứng và số lượng tiểu cầu > 30.000/mcL (> 30 × 109/L) thường không cần điều trị và có thể theo dõi tình trạng của họ.
  • Bệnh nhân người lớn mới được chẩn đoán mắc ITP với triệu chứng xuất huyết và số lượng tiểu cầu < 30.000/mcL (< 30 × 109/L) thường được khuyến cáo sử dụng corticosteroid qua đường uống, như prednisone 1 mg/kg mỗi ngày.  

6.2 Điều trị bậc hai dành cho bệnh nhân giảm tiểu cầu miễn dịch

Điều trị bậc hai áp dụng cho những trường hợp sau:

  • Trì hoãn cắt lách với hy vọng lui bệnh.
  • Không đủ điều kiện hoặc từ chối phẫu thuật cắt lách.
  • Cắt lách không đạt hiệu quả mong muốn.

Những bệnh nhân này thường có số lượng tiểu cầu dưới mức 10.000 đến 20.000/mcL (< 10 đến 20 × 109/L), có nguy cơ chảy máu. Điều trị bậc hai bao gồm sử dụng các chất chủ vận thụ thể thrombopoietin (TPO-RAs), rituximab, fostamatinib hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và có tình trạng giảm tiểu cầu trầm trọng, có thể cần phải sử dụng thêm các loại thuốc ức chế miễn dịch bổ sung như cyclophosphamide, cyclosporine, mycophenolate và azathioprine. 

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ được bác sĩ tư vấn chi tiết cho từng tình trạng cụ thể.
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch sẽ được bác sĩ tư vấn chi tiết cho từng tình trạng cụ thể.

Để giảm nguy cơ và kiểm soát biến chứng, người bệnh cần thay đổi phong cách sống bằng cách tránh thuốc có thể làm suy yếu tiểu cầu, hạn chế sử dụng rượu và chất kích thích, chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, duy trì chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời thường xuyên thăm khám sức khỏe và tuân thủ chỉ đạo điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe