Trẻ 2 tuổi giật mình, khóc toáng khi ngủ dấu hiệu bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ, con em năm nay 2 tuổi rưỡi, khi đi ngủ buổi tối thỉnh thoảng cháu hay giật mình và khóc toáng lên, như kiểu hoảng hốt cái gì đó. Bác sĩ cho em hỏi đây là triệu chứng gì ạ? Mong bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ!

Lê Khắc Minh (1989)

Trả lời

Chào bạn, ngủ là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người nhằm cân bằng các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ, thùy trước tuyến yên trong não của trẻ em tiết ra hormon tăng trưởng. Giấc ngủ đặc biệt quan trọng tới sự phát triển trí não của trẻ em. Do đó, các rối loạn về giấc ngủ ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Giấc ngủ bao gồm 2 phần: giấc ngủ REM và giấc ngủ không REM, 2 chu kỳ này sẽ diễn ra liên tục và xen kẽ lẫn nhau trong suốt thời gian cơ thể trong trạng thái ngủ. Cụ thể:

  • Vào mỗi đêm, sẽ có khoảng 4 đến 6 chu kỳ REM và không REM luân phiên diễn ra. Mỗi chu kỳ ngủ thường kéo dài khoảng 90 -120 phút. Vào thời điểm đêm muộn, giấc ngủ REM sẽ trở nên dài hơn còn giấc ngủ không REM sẽ trở nên ngắn hơn.
  • Giấc ngủ không REM tức là giấc ngủ sâu có thể được hiểu là giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Nếu ở giai đoạn 1, 2, giấc ngủ không REM là giấc ngủ nhẹ thì ở giai đoạn 3, 4, nó là giấc ngủ sâu. Chính vì thế, nếu gặp phải những tác động, kích thích trước khi đi ngủ, bạn sẽ cảm thấy rất khó để đi vào giấc ngủ.

Massage cho bé để có giấc ngủ sâu
Massage cho bé để có giấc ngủ sâu

Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau như sau:

  • Trẻ sơ sinh thường ngủ 20 – 22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt.
  • Trung bình trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16 – 18 giờ mỗi ngày
  • 1 – 2 tuổi ngủ 14 -16 giờ mỗi ngày,
  • 2 – 3 tuổi ngủ 12 – 14 giờ mỗi ngày,
  • 3 – 6 tuổi ngủ 11 – 12 giờ mỗi ngày,
  • 7 – 10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày (trong đó giấc ngủ trưa là 1 – 2 giờ).

Cơn hoảng hốt khi ngủ thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1 đến 8 tuổi. Cơn hoảng sợ thường xảy ra vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ chậm. Triệu chứng biểu hiện là:

  • Đột nhiên trẻ ngồi dậy hoặc vùng vẫy, la hét khóc lóc sau khi đã ngủ được vài giờ.
  • Trẻ biểu lộ sự sợ hãi, căng thẳng, bồn chồn, mắt mở to nhưng dường như vẫn đang thiếp ngủ, người mẹ không thể dỗ dành cho trẻ yên hoặc không thể đánh thức cho trẻ tỉnh hẳn được.
  • Cơn xảy ra kéo dài 10 – 15 phút. Sau cơn trẻ ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy trẻ không nhớ gì về cơn đã xảy ra.

Chẩn đoán theo DSM – IV:

  • Tái phát các giai đoạn thức dậy đột ngột trong khi ngủ, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn 1/3 đầu của giấc ngủ và bắt đầu bằng tiếng kêu thất thanh, sợ hãi.
  • Cường độ của hoảng hốt là các dấu hiệu thần kinh thực vật như tim đập nhanh, thở nhanh, vã mồ hôi trong giai đoạn hốt hoảng.
  • Bệnh nhân không đáp ứng với sự cố gắng của người khác nhằm làm cho dễ chịu.
  • Bệnh nhân không nhớ lại các chi tiết giấc mơ và thường quên.
  • Giai đoạn hoảng hốt là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc rối loạn chức năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và các chức năng khác.
  • Rối loạn không do hậu quả của một chất hoặc một bệnh thực tổn.

Do vậy, với trường hợp của con bạn, bạn nên đưa bé đi khám và tư vấn can thiệp bởi các bác sĩ Chuyên khoa tâm bệnh Nhi nhé.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.

Thạc sĩ, Bác sĩ Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe